Uống nước đậu đen giải nhiệt cực tốt nhưng chớ dại dùng theo cách này dễ gây nguy hiểm

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 15/07/2020 06:00 AM (GMT+7)

Lạm dụng tác dụng giải nhiệt của nước đâu đen, không ít người dùng loại nước này thay cả nước lọc, nhưng các chuyên gia nhận định đó là một nhầm lẫn tai hại.

Tác dụng của đậu đen

Đậu đen vừa là loại thực phẩm, vừa là một vị thuốc được sử dụng nhiều trong đông y. Với đặc điểm dễ kiếm, lại có tác dụng giải độc, thanh nhiệt cơ thể… nên đậu đen được nhiều người dùng để đun nước uống vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng.

Thậm chí, không ít người còn dùng nước đậu đen để uống thay nước lọc, ăn đậu đen để thay một số loại thực phẩm. Theo các chị em, việc sử dụng này đa phần xuất phát từ tác dụng giải nhiệt của hạt đậu đen, thậm chí nhiều gia đình còn sử dụng loại hạt này đun lấy nước cho con uống với mục đích trị rôm, mẩn ngứa, mụn nhọt do nắng nóng.

Uống nước đậu đen giải nhiệt cực tốt nhưng chớ dại dùng theo cách này dễ gây nguy hiểm - 1

Đậu đen là một vị thuốc có thể hỗ trợ điều trị nhiều bệnh..

Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh – Phó chủ tịch Hội đông y quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, trong đông y đậu đen là một vị thuốc có vị ngọt, tính bình. Đậu đen có nhiều công dụng nhưng chủ yếu được biết đến với tác dụng bổ thận âm, bổ gan, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu….

Điển hình người huyết áp cao, suy nhược cơ thể có thể dụng đậu đen rất tốt. Ngoài ra, người bị nóng trong, phá nhiệt ra ngoài cũng nên dùng đậu đen. Trẻ nhỏ, người lớn nếu thường xuyên bị táo bón thì cũng nên dùng nước đậu đen

Đặc biệt, với thời tiết nắng nóng của mùa hè, nước đậu đen giải nhiệt rất tốt, thậm chí còn có tác dụng giải cảm nắng. Dù có nhiều tác dụng và được cho là khá lành tính nhưng không chỉ đậu đen mà tất cả các loại thực phẩm khác nếu sử dụng nhiều đều không có lợi. “Đậu đen chỉ nên dùng đúng lúc, đúng thời điểm việc lạm dụng nước đậu đen để uống thay nước tuyệt đối không nên”, lương y Bùi Hồng Minh cảnh báo.

Uống nước đậu đen giải nhiệt cực tốt nhưng chớ dại dùng theo cách này dễ gây nguy hiểm - 2

Việc lạm dụng nước đậu đen uống thay nước lọc ở cả người lớn và trẻ em đều không tốt.

Không nên dùng nước đậu đen thay nước 

Vị lương y này cho biết với những người bị đi ngoài, tỳ vị hư, viêm đại tràng, tiêu hóa kém không nên dùng nước đậu đen. Trong trường hợp muốn dùng cũng phải chế biến đúng cách, đó là phải rang hạt đậu đen để ôn ấm vị và dùng với số lượng hạn chế để tránh những tác dụng phụ ngoài mong muốn.

Riêng đối với trẻ nhỏ, nếu thường xuyên bị tiểu đêm (đái dầm) do bàng quang hàn cũng không nên uống nước đậu đen, bởi nếu sử dụng sẽ làm tình trạng đái dầm tăng lên. Cũng như người lớn, nếu trẻ thường xuyên bị đi ngoài phân lỏng, tiêu hóa kém cũng không nên dùng nước đậu đen.

Cũng liên quan đến vấn đề trẻ nhỏ dùng nước đậu đen, tiến sĩ – bác sĩ Pham Bích Nga, giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng Quốc Gia) khẳng định, nước đậu đen tốt nhưng không thể sử dụng thay thực phẩm hay nước uống hàng ngày.

Tiến sĩ Nga phân tích, dùng nước đậu đen thay nước sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thu của các chất trong cơ thể. Với trẻ nhỏ, trong những ngày nắng nóng nếu dùng nước đậu đen thay nước lọc có thể khiến trẻ không hấp thu được dinh dưỡng, gây suy dinh dưỡng, còi xương.

“Đậu đen có chứa nhiều phytat, đây là chất gây cản trở việc hấp thu của các khoảng chất như sát, kẽm, đồng, phốt pho…Nếu cơ thể thiếu các chất trên sẽ bị thiếu máu, loãng xương… Vì vậy, không nên dùng nước đậu đen uống thay nước hàng ngày đặc biệt với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai”, tiến sĩ Nga cho hay.

Để tốt cho sức khỏe, các chuyên gia cho rằng chỉ nên dùng nước đậu đen với lượng vừa phải và như một đồ uống giải khát, thưởng thức. Tuyệt đối, không dùng thay nước lọc. Thậm chí, với những người khỏe mạnh, mỗi ngày cũng chỉ nên dùng 1 cốc với 350ml là đủ. Còn đối với người có bệnh lý tiêu hóa, ngoài việc cần kỹ lưỡng trong chế biến, mỗi tuần cũng chỉ nên dùng 1-2 cốc. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi không nên sử dụng nước đậu đen, trên 1 tuổi sử dụng với mức vừa phải.

Một số bài thuốc từ đậu đen trong đông y:

- Bài thuốc từ đậu đen chữa đau nhức mỏi lưng: Đem 200 gram đậu đen ngâm cùng với một lượng rượu phù hợp. Ngâm khoảng 12 tiếng đồng hồ là có thể sử dụng.

- Bài thuốc từ đậu đen trị chóng mặt, tay chân tê chứng hoặc bị trúng giá ở phụ nữ sau khi sinh: Đem 300 gram đậu đen sao cho đến khi bốc khói rồi đem ngâm cùng với 500 ml rượu trắng. Sau 24 giờ đồng hồ là có thể sử dụng. Người bệnh có thể sử dụng để uống kết hợp với việc đắp chăn hoặc sử dụng áo khoác để cho ra mồ hôi.

- Bài thuốc từ đậu đen chữa phù thũng do thận hư, thận suy: Đem 100 gram đậu đen cùng với 15 gram rễ cỏ tranh nấu cùng với 1000 ml nước lọc. Sắc cho đến khi lượng nước cô đặc còn lại 500 ml là được. Người bệnh sử dụng để thay thế nước trà.

- Bài thuốc từ đậu đen trị chứng hoa mắt, mắt mờ, hay chóng mặt ở người cao tuổi: Dùng đậu đen và mè đen mỗi vị 100 gram. Đem hai vị thuốc trên sao khô rồi tán thành bột mịn sau đó trộn đều hai hỗn hợp bột. Mỗi lần sử dụng 8 gram (tương ứng với 2 thìa cà phê) hòa cùng với một ít nước để dùng. Mỗi ngày sử dụng 2 lần vào mỗi buổi sáng và tối.

- Bài thuốc từ đậu đen chữa bệnh viêm gan mãn tính: Dùng 100 gram đậu đen, đem rửa sạch rồi đem nấu cùng với một lượng nước vừa đủ để lấy phần nước để uống thay cho nước trà.

- Giải khát, hết khô miệng vào ban đêm từ đậu đen: Chuẩn bị 80 gram đậu đen, 30 gram đường phèn và 1 quả lê. Đem toàn bộ các nguyên liệu đã được chuẩn bị sắc lấy nước để dùng.

- Bài thuốc từ đậu đen chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, kích ứng da: Đem 50 – 100 gram đậu đen đã sao nhỏ lửa sắc cùng với nước để dùng.

- Bài thuốc từ hạt đậu đen chữa chứng cao huyết áp: Chuẩn bị 50 gram đậu đen, 30 gram hạ khô thảo cùng với 20 gram đường trắng. Đem nước sắc hạ khô thảo ninh với hạt đậu đen cho chín nhừ và sử dụng khi còn nóng.

Lê Phương - Lê Ngọc

Nấu đậu đen cùng loại quả này ăn đều đặn sáng, tối chẳng những trắng da lại còn sạch ruột
Với nguồn dinh dưỡng cao, đậu đen chính là thực phẩm vô cùng tốt đối với sức khỏe. Tuy nhiên, đậu đen kết hợp với thực phẩm này còn tăng gấp đôi dinh...
Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe ngày nóng