Một người phụ nữ sau khi uống nước ép cỏ lúa mì trong 4 ngày đã dẫn tới tăng kali máu và rơi vào tình trạng hôn mê.
Nhiều người thích uống các loại nước giải độc vì cho rằng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên bất cứ loại đồ uống nào dù là từ nguyên liệu tự nhiên cũng cần sử dụng đúng cách và liều lượng hợp lý, nếu không sẽ phản tác dụng.
Bác sĩ chuyên khoa thận người Đài Loan (Trung Quốc) Jiang Shoushan đề cập trong chương trình về sức khỏe rằng chức năng thận của một phụ nữ 28 tuổi đã bị tổn thương sau khi uống một loại nước được cho là giúp giải độc. Được biết, người phụ nữ có chức năng thận kém, mẹ cô lo lắng điều này sẽ ảnh hưởng đến chức năng giải độc của cơ thể. Bà nghe nói nước ép cỏ lúa mì có tác dụng giải độc nên đã yêu cầu con gái uống loại đồ uống này trong 4 ngày. Tuy nhiên, người phụ nữ này là bệnh nhân bị suy thận nặng, sau khi uống nước ép cỏ lúa mì có hàm lượng kali cực cao, một ngày nọ, tim cô đột nhiên đập mạnh và bất tỉnh tại nhà.
Người phụ nữ mau chóng được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê và được phát hiện nồng độ kali trong máu của cô cao tới 8,9 (meq/L), cao gấp đôi giới hạn trên của người bình thường (5 mEq/L).
Người phụ nữ uống nước ép cỏ lúa mì suốt 4 ngày dẫn tới tăng kali máu, thận tổn thương vĩnh viễn. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Jiang Shoushan cho biết do chức năng thận của người phụ nữ khá kém nên việc tiêm thuốc giải độc kali để giải độc sẽ không hiệu quả, để cứu sống tính mạng bệnh nhân, buộc phải tiến hành chạy thận khẩn cấp.
Điều đáng buồn hơn là khi người phụ nữ được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, huyết áp đã ở mức quá thấp, gây tổn thương ống thận do hạ huyết áp, nên dù cứu được mạng sống nhờ chạy thận nhân tạo nhưng cả quãng đời còn lại, nữ bệnh nhân sẽ phải chạy thận nhân tạo suốt đời
"Thận của cô ấy đã trải qua áp lực thấp và kali cao nên đã bị tổn thương nghiêm trọng", bác sĩ Jiang Shousan cho hay.
Bác sĩ Jiang Shoushan chỉ ra rằng thận không chỉ là cơ quan thải nước tiểu mà chức năng của nó còn bao gồm thoát nước, giải độc, điều hòa điện giải và khởi tạo quá trình tạo máu của cơ thể. Vì vậy, nếu chức năng thận không tốt sẽ xảy ra các bệnh nghiêm trọng như rối loạn điện giải, urê huyết, phù phổi, suy tim, thiếu máu, còi xương.
Nước ép cỏ lúa mì lợi hay hại?
Hiệu quả giải độc, phòng và chữa ung thư của cỏ lúa mì chưa được khoa học chứng minh đầy đủ. (Ảnh minh họa)
Từ lâu trên mạng đã lan truyền thông tin rằng dùng bột hoặc nước ép cỏ lúa mì giúp giải độc, giảm cân, đẹp da, tốt cho người bị ung thư, cải thiện sức khỏe,...
Thực tế, cỏ lúa mì hay còn gọi là mầm mạch nha, nếu được gieo trồng, sử dụng đúng cách, đảm bảo vệ sinh thì có một số lợi ích với sức khỏe. Vì mầm mạch nha chứa các enzym chuyển hóa tinh bột thành đường giúp thức ăn tiêu hóa dễ dàng. Đồng thời cũng có nhiều chất dinh dưỡng như protid, lipid, vitamin B1 và E…
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết chưa có nghiên cứu nào khẳng định loại cỏ này giúp phòng và bệnh ung thư, đồng thời cơ chế giải độc cũng không rõ ràng. Loại nước ép này nếu muốn sử dụng cũng được nhưng không nên lạm dụng nếu không sẽ gây tác dụng ngược cho hệ tiêu hóa, dễ thấy nhất là bị rối loạn tiêu hóa.