Quả lê không chỉ nhiều nước mà còn nhiều vitamin, rất tốt cho cơ thể, đặc biệt khi vào mùa thu.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Lê là loại quả quen thuộc, được nhiều gia đình ưa thích bởi hương vị hấp dẫn, ngọt và mát. Về thành phần dinh dưỡng, cứ 100g lê có 86,5g nước, 0,1g lipid, 0,3g protein, 8g đường, 1,6g chất xơ; 14mg canxi, 0,5mg sắt, 0,2mg vitamin PP, các vitamin nhóm B, betacaroten và acid malic, acid acetic.
Quả lê rất tốt trong việc bổ sung dinh dưỡng và nước, có tác dụng bảo vệ tế bào gan, trợ tiêu hóa, thanh nhiệt, hạ huyết áp. Lê cũng rất thích hợp cho các bệnh nhân lao phổi, viêm phế quản, viêm họng. Lê còn có nhiều chất xơ nên có vai trò quan trọng trong tiêu hóa và chuyển hóa.
Quả lê tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa).
Theo Đông y, quả lê vị chua ngọt, tính lương, vào Phế và Vị, rất thích hợp để ăn vào mùa thu, do có tác dụng tốt với cơ thể vào thời điểm này. Đầu mùa thu, thời tiết trở nên se lạnh và khô, khiến cơ thể dễ háo nước, khô họng, khô phổi, ăn quả lê giúp cơ thể được cung cấp nhiều nước và vitamin.
Y học Trung Quốc tin rằng lê có chức năng giảm ho và làm ẩm phổi, thanh nhiệt, còn có tác dụng khử hỏa nên được gọi là "nước khoáng thiên nhiên".
Tây y cũng đánh giá cao quả lê. Tây y cho rằng lê rất giàu chất xơ giúp nhu động ruột của bạn tốt hơn, giúp ngăn ngừa táo bón, phụ nữ thường xuyên ăn lê có thể có làn da đẹp.
Dưới đây là ba cách dùng quả lê hiệu quả nhất khi vào thu:
Lê chưng
Rửa sạch lê tươi, gọt vỏ và cắt thành từng lát mỏng, sau đó đổ đường phèn và nước vào nồi, đun trên lửa nhỏ, nấu cho đến khi nước cốt lê đặc lại và trở thành màu hổ phách. Bạn có thể cho nước lê cô đặc vào chai thủy tinh. Khi uống, bạn chỉ cần múc một thìa cà phê, pha vào nước ấm rồi dùng. Nước lê cô đặc có tác dụng dưỡng âm, nhuận phổi, hóa đờm, giảm ho, thích hợp cho những người bị ho thường xuyên.
Một số người nghiện thuốc lá thường uống nước lê sau khi hút thuốc, giúp cho phổi bớt bị ảnh hưởng xấu từ khói thuốc.
Nước lê cô đặc có tác dụng dưỡng âm, nhuận phổi, hóa đờm, giảm ho,... (Ảnh minh họa).
Lê hấp đường phèn
Quả lê rửa sạch, gọt rỗng một phần ruột quả để thành một chiếc "bát" tự chế. Tiếp đến cho vào đó phần lê đã cắt ra băm vụn, đường phèn, mật ong, nước, hấp quả lê này trong khoảng nửa giờ.
Lê hấp đường phèn có tác dụng làm ẩm phổi và giảm ho, thanh hỏa, giảm khô rát. Quả lê chứa nhiều nước có tác dụng như lợi tiểu, tiêu sưng, thanh nhiệt giải độc, kết hợp với đường phèn và mật ong có tác dụng bồi bổ cơ thể rất tốt.
Lê hấp đường phèn có tác dụng làm ẩm phổi và giảm ho, thanh hỏa, giảm khô rát. (Ảnh minh họa).
Ngoài cách này, bạn cũng có thể làm nước lê nấu đơn giản bằng cách thái lê thành hạt lựu, cho vào nước đun kỹ, cho thêm mật ong hoặc đường phèn. Khi trẻ có triệu chứng ho, cảm, bạn có thể cho trẻ dùng nước lê hấp đường phèn, có tác dụng chữa ho nhất định.
Một điều cần lưu ý là tác dụng của lê sống và lê nấu chín không giống nhau. Người trẻ có thể ăn lê sống khi có triệu chứng ho, giúp cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, với một số bệnh nhân lớn tuổi nên chưng hoặc nấu lê lên trước khi ăn, do người già tiêu hóa kém, răng miệng yếu.
Lê nấu cháo
Lê gọt vỏ, thái lát. Gạo vo sạch rồi nấu cháo, cháo chín cho lê vào nấu tiếp, khuấy cho tan đều. Món này thích hợp cho người bị sốt nóng, kích ứng, khát nước, chán ăn.
Ai không nên dùng quả lê?
Bản thân lê có tính lạnh nên không thích hợp với những người tỳ vị hư hàn. Với nhóm người này, ăn lê không những không có tác dụng mà còn có thể dẫn đến tình trạng ho nặng hơn. Một số nhóm người không thích hợp ăn lê, chẳng hạn như người thường xuyên bị lạnh tay chân, lạnh bụng thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ sau sinh, người tiết nhiều axit dạ dày... Nếu bị ho và cảm do phong hàn, bạn nhớ không được ăn lê để tránh làm bệnh nặng thêm.