Nhiệt độ giảm mạnh khiến cơ thể chúng ta luôn cảm thấy rét buốt đến nỗi chân, tay run rẩy, người co ro trước cái lạnh giá của mùa đông. Thế nhưng lại có một bộ phận không bao giờ biết lạnh, đó là đôi mắt.
Bởi, chỉ có dây thần kinh phụ trách xúc giác và cảm giác mà không có thần kinh cảm giác lạnh nên dù thời tiết có lạnh đến đâu thì đôi mắt cũng không bao giờ bị cóng hay đóng băng.
Nhưng nếu có hạt bụi bay vào mắt, lập tức bạn sẽ thấy đau, rát, khó chịu và xuất hiện phản xạ có điều kiện là chảy nước mắt.
Đặc tính này được hình thành để thích nghi với môi trường trong quá trình tiến hoá lâu dài của loài người. Do mắt là cơ quan thị giác nên con người cần nó để quan sát thế giới trong mọi lúc.
Nếu như nó ngừng hoạt động chỉ vì sợ lạnh, thì những người sống ở khu vực lạnh giá hoặc khi mùa đông đến sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa: Internet.
Đồng thời so sánh với tay, chân, mũi, tai, thì nhiệt độ của mắt cao hơn một chút. Mao mạch ở các bộ phận như tay, chân tương đối nhiều, khi gặp thời tiết lạnh sẽ nhanh chóng toả ra nhiệt lượng. Vì thế những bộ phận đó dễ bị lạnh.
Nhưng, mạch máu ở mắt lại rất ít, không dễ dàng toả nhiệt. Thêm vào đó, nhiệt độ của mắt thường có thể được giữ ở một mức độ nhất định, có thể duy trì lâu dài. Như vậy, cho dù ở vào những thời điểm lạnh giá, chúng ta vẫn có thể mở to mắt để ngắm nhìn mọi thứ xung quanh.
Theo các chuyên gia, mắt khó có thể bị đóng băng vì chất lỏng làm ẩm mắt không phải là nước tinh khiết mà là nước chứa muối. Nước mặn sẽ có nhiệt độ đóng băng thấp hơn nước tinh khiết. Cộng thêm hệ thống điều phối thân nhiệt của cơ thể rất mạnh, nên chúng sẽ điều chỉnh nhiệt độ cơ thể để mắt vẫn nhìn rõ được vạn vật.
Chưa hết, nhãn cầu được bảo vệ rất tốt trước các tác động xấu bên ngoài môi trường, lại nằm sâu phía trong, được mí mắt che chắn.
Đó là những lý do để giải thích vì sao, mắt không bao giờ biết lạnh.