Không ai ngờ thiếu sex cũng có thể bị tâm thần. Bệnh tâm thần đang được các bác sĩ cảnh báo là bệnh trầm kha của giới trí thức hiện đại, nhưng tuyệt đối không chữa trị theo mẹo dân gian.
Căn bệnh trầm kha của trí thức hiện đại
Một bác sĩ chuyên khoa tâm thần kể về một phụ nữ ở Hải Dương, ngoài 30 tuổi đã bị trầm cảm nặng. Nguyên nhân do lấy chồng hơn chục năm, nhưng một lần biết “mùi yêu”. Mơn mởn tuổi mà nhu cầu sinh lý không được đáp ứng… lâu ngày đã bị rối loạn tâm thần.
Sau rất nhiều ca test tâm lý, chị mới nức nở kể khổ là do lấy chồng quá sớm, lại qua giới thiệu của bà cô ruột nên không tìm hiểu trước khi cưới, chỉ khấp khởi vì sẽ làm dâu nhà giàu ở thành phố. Đêm tân hôn chị mới “phát hiện” chồng ẩm ương, không có khả năng làm chồng.
Chị đã định bỏ chạy ngay trong đêm tân hôn, nhưng bố mẹ chồng khóc lóc van xin chị ở lại, rằng hãy thương ông bà vì nhà có mỗi cậu con trai nối nghiệp…
Gần đây nhiều trí thức trẻ bị mắc bệnh tâm thần. Ảnh minh họa.
Nghĩ gia cảnh ở quê túng thiếu khó khăn, chị đành ở lại. Bố mẹ chồng xin cho chị đi làm, hàng tháng còn cho chị tiền “chi viện” về quê. Chị có hai đứa con, nhưng là nhờ thụ tinh nhân tạo. Mọi người đều tưởng chị làm dâu nhà giàu sung sướng, không ai ngờ gái hai con mà chị vẫn "còn trinh".
Đêm đêm ôm gối thèm khát tình cảm vợ chồng, khóc thương phận mình, ước ao được chọn chồng lần nữa với một anh lực điền để có tình cảm yêu đương vợ chồng. Khổ nhất là nhiều gã đàn ông biết hoàn cảnh của chị nên cứ sán vào tán tỉnh, chọc ghẹo về “chuyện ấy” khiến chị đau khổ, mất ngủ triền miên, dẫn tới bị trầm cảm nặng.
Trường hợp khác là anh Khuê, hồi đi bộ đội rồi yêu một cô gái ở nơi đóng quân. Vì cô gái không dám về thành phố làm dâu nên bỏ anh đi lấy chồng. Anh mất ăn, mất ngủ mấy tuần… rồi một đêm khi đồng đội đã ngủ cả thì anh xỏ giảy ra ngoài cả đêm.
Khi trực ban đi tuần phát hiện anh đang lang thang trong doanh trại, miệng lảm nhảm… Tới khi anh vác cả vũ khí ra ngoài… thì đơn vị đành cho anh giải ngũ. Về nhà bệnh càng nặng hơn, suốt ngày đập phá, gõ nghịch…
Mẹ Khuê đã tốn nhiều thời gian, tiền của mời thầy về cúng bái vì cho là con trai vị tà ma mà anh vẫn không khỏi bệnh, mới đưa con vào viện thì bệnh tâm thần đã rất nặng, có cứu chữa cũng không khỏi được hoàn toàn.
Các bác sĩ ở Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia vẫn xót xa cho một nữ trí thức mải học, tới khi yên ổn một chỗ làm trong công ty liên doanh với nước ngoài, mức lương gần 1.000 USD thì đã quá tuổi yêu.
Cô luôn ước có tấm chồng tài giỏi, là tiến sĩ nước ngoài, có công việc ổn định… Kén mãi chả được, ở nhà thì bị bố mẹ giục giã, tới cơ quan chị em chòng ghẹo… khiến cô hay cáu kỉnh, thậm chí la hét, khóc lóc, bỏ ăn, mất ngủ… Tới khi cô suốt ngày lảm nhảm nói lấy chồng rất giàu, rất giỏi…, cha mẹ sợ con mất việc, sợ ảnh hưởng tới cuộc đời con và gia đình, nên giấu biệt chuyện con gái bị tâm thần, mà âm thầm mò mẫm các thầy lang chữa tâm thần.
Đến lúc con gái bắt đầu đập phá đồ đạc, la hét… bô mẹ phát hoảng mới hối hả tìm cách đưa cô vào viện thì bệnh đã khá nặng, phải chữa trị lâu dài.
Vài năm gần đây tỷ lệ mắc bệnh tâm thần do những yếu tố ngoại sinh (yếu tố bên ngoài) ngày càng gia tăng, phần nhiều là giới trí thức và thanh niên. Riêng ở viện Sức khỏe Tâm thần Quốc Gia (BV Bạch Mai, Hà Nội) có tới 47% là người trẻ tới điều trị - gióng lên hồi chuông cảnh báo về căn bệnh trầm kha của giới trí thức hiện đại.
Ầm thầm cúng bái, tìm cách chữa tâm thần bằng mẹo dân gian sẽ làm bệnh tăng nặng. Ảnh minh họa.
Không nên cúng bái chữa tâm thần
Theo BS Hồng Thu (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương), những trường hợp đói sex, tâm thần vì chưa lấy được vợ, chưa kén được chồng chỉ là một trong số các ca tâm thần trí thức, chứ không phải là những trường hợp điển hình.
Tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, đằng sau những bóng dáng xộc xệch, những mái đầu bù rối, những cặp mắt lạc thần… có rất nhiều thảm cảnh đau thương, bi kịch.
Theo tiến sĩ Ngô Thanh Hồi, nguyên Giám đốc Bệnh viện Mai Hương, trí thức chính những người có nguy cơ bị tâm thần cao nhất, có rất nhiều người là kỹ sư, giáo viên, nhà báo, doanh nhân… có năng lực tinh thần, trí tuệ cao đã bị những cú sốc, stress tâm lý lớn… biến họ thành bệnh nhân tâm thần.
Các chuyên gia ngành thần kinh cho rằng, xã hội càng phát triển, loại bệnh này càng gia tăng. Những loại bệnh trầm cảm, lo âu… phần lớn rơi vào những người hoạt động trí não nhiều. Ai cũng có thể mắc chứng tâm thần, chứ không chỉ giới trí thức. Nhưng trí thức có trình độ, giao lưu thông tin rộng nên biết bệnh sớm. Nhưng hầu hết người bệnh tâm thần và người thân giấu nhẹm vì sợ xung quanh biết nhà có người tâm thần.
Theo bác sĩ Hồng Thu, bệnh tâm thần không đáng sợ như mọi người tưởng, nếu mới mắc và bệnh nhẹ có thể chữa lành hẳn. Mọi người nên cảm thông hơn với người bệnh, động viên họ chữa trị để khỏi để khỏi bệnh. Nếu kỳ thị, xa lánh, giấu bệnh thì là nguyên nhân chính làm cho bệnh nặng hơn.
Người thân trong gia đình cần quan tâ và hiểu cảm xúc của nhau để sớm phát hiện triệu chứng bệnh tâm thần sớm, và đưa đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh, bệnh viện tâm thần chữa trị. Không nên cúng bái, điều trị kiểu mẹo dân gian vì bệnh sẽ ngày càng nặng, chữa trị khó khăn hơn.