Họ không đồng ý nhưng lát sau khi mọi người ra ngoài hết, tôi vẫn lén trốn mẹ chồng chở con về thăm mẹ. Mẹ nhìn thấy tôi thì mừng mừng tủi tủi. Tôi biết ngay là bà ốm nặng hơn những gì bà nói.
Bố tôi mất sớm, khi đó tôi mới học tiểu học. Bố mẹ lúc ấy chỉ sinh được mình tôi. Mấy chục năm qua, mẹ ở vậy một mình nuôi tôi khôn lớn vì bà sợ tái hôn thì tôi sẽ tủi thân. Khi xưa tư tưởng chưa được hiện đại như bây giờ, phụ nữ góa chồng đem theo con riêng tái hôn sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi.
Ngày lên xe hoa về nhà chồng, tôi khóc hết nước mắt vì thương mẹ chỉ còn lại một mình thui thủi. Lúc yêu chồng đối xử với tôi chẳng đến nỗi nào nhưng khi về làm dâu, dưới áp lực của bố mẹ anh, chồng cũng chẳng thể bảo vệ được vợ, cuộc sống ở nhà chồng của tôi là rất nhiều những đêm khóc ướt đẫm gối.
Nhà chồng tôi đặc biệt vẫn giữ quan niệm cổ hủ, đó là con gái đi lấy chồng là hết. Hạn chế tối đa chuyện con dâu qua lại thăm nom nhà đẻ, tất nhiên càng không có chuyện được về nhà ngoại ăn Tết. Bốn năm qua, năm nào mẹ tôi cũng ăn Tết một mình cô đơn lẻ loi. Tết nào tôi cũng lén lau nước mắt vì thương mẹ. Tôi ước giá như khi trước bà đừng nghĩ quá nhiều đến con mà hãy tìm cho mình hạnh phúc riêng thì bây giờ đã có người bầu bạn.
Nhà chồng tôi đặc biệt vẫn giữ quan niệm cổ hủ, đó là con gái đi lấy chồng là hết. (Ảnh minh họa)
Năm nay là cái Tết thứ 5 tôi xa mẹ. Điều tôi có thể làm duy nhất cho mẹ mỗi dịp Tết đến là gửi cho bà chút tiền tiêu Tết mà thôi. Nói đến lại tủi thân chảy nước mắt, năm nào tôi cũng phải nói dối nhà chồng về tiền thưởng để bớt tiền gửi cho mẹ. Nhiều lúc tôi nghĩ nếu chưa sinh con thì chắc chắn tôi sẽ không ở lại đây nữa. Nhưng vợ chồng ly tán lúc này thì khổ nhất là con gái tôi.
Tết năm nay tôi vẫn không được đưa con về với mẹ. Nhà chồng tôi nhiều khách khứa, suốt từ mùng 1 Tết cho tới mùng 5, ngày nào tôi cũng phải trực sẵn trong bếp để sắp mâm tiếp khách rồi dọn dẹp, rửa bát. Nhiều khi đến tối khuya mới được đi nghỉ. Vậy nên chưa năm nào tôi thích Tết cả.
Tối hôm qua tức là tối mùng 5, tôi gọi điện hỏi thăm mẹ. Nghe giọng bà khác lạ, tôi hỏi có phải mẹ ốm hay không thì bà lập tức chối đây đẩy. Mẹ bảo ban ngày đi chơi với mấy người bạn, nhiễm chút gió lạnh mà thôi, không có gì nghiêm trọng cả. Hỏi han mẹ mấy câu xong thì bà giục tôi đi ngủ. Ngờ đâu tôi chưa kịp ngắt máy thì nghe được cơn ho đến quặn ruột gan của mẹ.
Đêm ấy nằm khó ngủ nhớ đến mẹ, tóc bà đã bạc nhiều, dáng hình ngày một gầy mà tôi thương bà đứt ruột. Mùng 6 Âm lịch, tôi hỏi chồng hôm nay chắc là hết khách khứa rồi, vậy tôi đưa con về ngoại chơi một hôm. Vừa dứt lời, mẹ chồng đã mắng tôi xối xả. Bà bảo con gái đi lấy chồng mà chăm chăm về nhà ngoại, thế thì về ở hẳn luôn đi.
Họ không đồng ý nhưng lát sau khi mọi người ra ngoài hết, tôi vẫn lén trốn mẹ chồng chở con về thăm mẹ. Mẹ nhìn thấy tôi thì mừng mừng tủi tủi. Tôi biết ngay là bà ốm nặng hơn những gì bà nói. Tôi đi nấu nồi nước xông cho mẹ rồi giục bà đi xông cho nhẹ người. Nhìn nhà cửa đơn sơ, mẹ chẳng sắm sửa gì, trách thì bà bảo có 1 mình ăn hết bao nhiêu đâu. Nghĩ mà tủi thật.
Trong lúc mẹ xông, tôi vào phòng ngủ của bà dọn dẹp thì phải đờ đẫn cả người khi lật gối đầu lên. Phía dưới gối đầu có 5 chiếc phong bì dán kín miệng, ngoài phong bì mẹ tôi ghi các dòng chữ: “Năm 2022 con gái gửi 3 triệu, để lại cho cháu gái của bà”, “Năm 2021 con gái gửi 4 triệu, để lại cho cháu gái của bà”...
Người tôi cần chăm sóc, phụng dưỡng chính là mẹ chứ không phải ai khác. (Ảnh minh họa)
Nước mắt tôi rơi lã chã. Hóa ra mỗi năm tôi gửi tiền biếu Tết mẹ, bà không tiêu đồng nào cả mà luôn cất gọn vào đấy để hết cho cháu gái sau này. Cả cuộc đời vì con gái, bây giờ già cả cũng không muốn chi tiêu cho bản thân mà lại dồn hết cho cháu gái. Còn tôi thì một năm chẳng về thăm mẹ được mấy lần, cho dù khoảng cách không hề xa. Bà nhớ thương cháu gái cũng chỉ gặp được cháu qua điện thoại.
Điều mẹ cần nhất là con cháu về thăm bà chứ đâu cần tôi gửi chút tiền biếu. Nhưng đến điều đơn giản đó mà tôi cũng không thể làm được cho mẹ. Tôi đi lấy chồng cũng chẳng được hạnh phúc, con gái tôi vẫn bị mẹ chồng lạnh nhạt vì bà muốn có cháu trai.
Giây phút đó tôi tự hỏi tại sao mình phải tiếp tục ở nhà chồng để chịu sự đối xử tệ bạc, trong khi đó mẹ đẻ chỉ có một mình thui thủi ngày đêm, cố giấu nỗi thương nhớ con cháu? Người tôi cần chăm sóc, phụng dưỡng chính là mẹ chứ không phải ai khác.
Trong lòng tôi nung nấu quyết định ly hôn sau khi từ nhà mẹ đẻ trở về. Nhưng liệu tôi làm vậy có đúng không? Con gái tôi có phải chịu thiệt thòi khi gia đình không tròn vẹn?