Chứng kiến cảnh này, tôi tức “sôi máu” nhưng sau đó vẫn cố gắng giữ bình tĩnh, nhẫn nhịn để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Tôi là bác sĩ mới ra trường và đang học việc nên chưa có thu nhập gì. Còn chồng cũng có công ăn việc làm ổn định, anh giúp bố mẹ quản lý công ty của gia đình.
Hồi mới cưới, tình cảm vợ chồng rất ngọt ngào, khăng khít, chồng tôi là người có trách nhiệm với gia đình. Bố chồng không còn, tuy sống chung với mẹ chồng nhưng bà rất chiều chuộng và lo lắng cho tôi. Tôi từng nghĩ mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất trên đời và chỉ mong cuộc sống mãi bình yên như thế, nhưng đúng là ở đời không ai nói trước được điều gì.
Gia đình tôi bắt đầu lục đục khi bố mẹ tôi thỉnh thoảng góp ý cho hai vợ chồng về những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống cũng như chuyện to tát hơn như mua đất, xây nhà. Ông xã tôi không thích và về kể với mẹ chồng. Khi đó, mẹ và anh đã bảo thẳng với tôi:
- Ông bà ngoại không có quyền gì can thiệp vào việc của gia đình này, đừng mang quyền làm bố làm mẹ ra để bắt con rể phải theo ý mình. Giờ con rể không phải khố rách áo ôm như ngày xưa mà phải đi nịnh ông bà, chính nhà ngoại phải đi nịnh con rể để nó đối xử tốt với con gái của mình đấy.
Tôi thật sự choáng váng khi nghe những lời nói đó, nhưng vì không muốn cãi nhau nên đành im lặng và góp ý với bố mẹ đẻ sau này đừng khuyên nhủ, dạy bảo gì chồng tôi nữa.
Gia đình tôi bắt đầu lục đục khi bố mẹ tôi thường xuyên góp ý cho hai vợ chồng về một số vấn đề trong cuộc sống. (Ảnh minh họa)
Một lần, bố mẹ tôi đi khám sức khỏe và nhờ con rể đến bệnh viện đón về nhà. Bởi anh có xe riêng, từ công ty anh làm đến bệnh viện cũng chỉ khoảng 5km. Chồng đồng ý nên tôi chẳng may mảy suy nghĩ gì về việc này nữa.
Nào ngờ hôm đó khi tan làm về nhà, tôi đã thấy chồng và mẹ chồng ngồi ở phòng khách, vẻ mặt rất tức tối, khó chịu. Tôi chưa kịp hỏi, mẹ chồng đã quát vào mặt con dâu:
- Làm gì có cái kiểu bố mẹ vợ sai vặt con rể như thế? Không nịnh bợ, biếu xén được gì còn suốt ngày sai vặt con rể. Cô bảo bố mẹ cô bỏ cái kiểu đó đi.
Tôi định phân bua vài câu nhưng chưa nói dứt câu thì chồng đã ném chiếc cốc xuống sàn nhà vỡ tan tành để chặn họng vợ. Chứng kiến cảnh này, tôi tức “sôi máu” nhưng sau đó vẫn cố gắng giữ bình tĩnh, nhẫn nhịn để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Nhưng cũng từ ấy, mẹ chồng tôi bắt đầu ghét gia đình thông gia.
Ngày tôi mang thai, mỗi lần về thăm nhà ngoại, bố mẹ lại chuẩn bị cho tôi ít đồ mang về để dưỡng thai. Nhưng, mẹ chồng không cho tôi cầm về. Bà bảo con gái lấy chồng thì sẽ nhà chồng lo, không phiền bên ngoại nữa vì nhà ngoại đã nuôi con gái hơn 20 năm rồi. Ấy vậy mà sau đó bà lại trách bố mẹ tôi, bảo rằng suốt 9 tháng 10 ngày ông bà không lên chăm con gái.
Đỉnh điểm là đến ngày đi sinh, mẹ chồng còn không cho bố mẹ tôi vào thăm. Tuy nhiên, mẹ vẫn vào bệnh viện chăm con gái đẻ rồi bị mẹ chồng tôi suốt ngày móc mỉa.
Mới cưới hơn 1 năm đã chịu biết bao tủi nhục và muốn kết thúc cuộc hôn nhân này. (Ảnh minh họa)
Ngày em ra viện, do tác dụng phụ của thuốc uống sau sinh, tôi đau đớn và rét run hơn 1 tiếng đồng hồ. Thấy con dâu như thế mà mẹ chồng vẫn quát mắng tôi và đổ hết trách nhiệm cho ông bà ngoại. Chồng ngồi bên không nói đỡ cho vợ, bố mẹ vợ được câu nào mà còn nói thêm:
- Em đừng thấy mẹ nói đến nhà ngoại mà không hài lòng. Mẹ đang dạy em cách làm vợ, làm dâu con đấy.
Câu nói của chồng khiến tôi thất vọng đến cùng cực. Anh không biết phân biệt đúng sai, luôn cho rằng mẹ đúng và vợ sai, anh chưa một lần đứng về phía vợ. Càng nghĩ mà càng xót xa.
Hiện con gái tôi đã 2 tháng tuổi, nhưng từ ngày sinh đến giờ tôi chưa được bước chân về nhà ngoại, bố mẹ đẻ cũng chẳng dám đến thăm tôi. Mới cưới hơn 1 năm đã chịu biết bao tủi nhục, tôi quá mệt mỏi với cuộc hôn nhân này rồi và muốn chấm dứt.
Nhưng có lần mẹ chồng nói với tôi:
- Đừng nghĩ con dưới 3 tuổi mà được theo mẹ. Gia đình tôi sẽ dùng mọi cách để nuôi cháu tôi, nếu 2 đứa ly hôn.
Nhà chồng tôi có thế lực, tôi sợ rằng bằng cách nào đó bà sẽ cướp đi đứa con của tôi. Nếu ly hôn, tôi có thể nắm chắc dành được quyền nuôi con không?