Nụ cười trên môi tôi đã tắt lịm khi chiếc bánh sinh nhật tôi nhờ em gái chồng mua tặng bố được mở ra.
Đến nay tôi đã về làm dâu của bố mẹ được 3 năm. Mối quan hệ nhà chồng nàng dâu vốn đã nhiều vấn đề, nay lại sống chung nhà nên khó tránh khỏi có những mâu thuẫn, khác biệt trong quan niệm, thói quen sinh hoạt. Nhưng vì yêu chồng thương con, vì là dâu con trong nhà nên tôi luôn cố gắng hòa hợp với các thành viên trong gia đình chồng, tôn trọng nếp sống nhà chồng.
Dù làm bất cứ việc gì, tôi luôn hỏi ý kiến của bố mẹ chồng trước. Mỗi ngày lễ Tết, sinh nhật, tôi đều mua quà, tổ chức vài mâm cơm để gia đình sum vầy cho ấm cúng.
Cách đây mấy hôm lại là sinh nhật của bố chồng. Giống như những dịp sinh nhật khác, năm nay tôi cũng chuẩn bị quà, bánh và 1 triệu tiền mặt biếu bố mẹ chồng.
Từ khi về làm dâu đến nay, tôi luôn cố gắng hòa hợp với các thành viên trong gia đình chồng. (Ảnh minh họa)
Chỉ khác có điều là đúng dịp sinh nhật năm nay, mấy người họ hàng của nhà chồng từ xa về chơi. Vì bận rộn chuẩn bị cơm nước thết đãi mọi người nên tôi không thể đi mua bánh sinh nhật được, nên đành gọi điện nhờ em gái chồng:
- Khi nào gia đình cô chú qua ăn cơm, dự sinh nhật bố thì ghé qua tiệm bánh mua hộ chị chiếc bánh kem với nhé. Chị vừa lo cơm nước vừa chăm con, bận bịu quá nên không chạy đi mua được. Em mua chiếc bánh nho nhỏ tầm 300 nghìn thôi là được, về nhà chị gửi tiền sau nhé.
Em gái chồng nhận lời nên tôi cũng yên tâm làm cỗ. Tất bật cả buổi cũng hoàn thành được 3 mâm cơm. Đến lúc xong xuôi thì nhà em gái chồng mới tới. Và như đã nói trước đó, tôi rút ví đưa em 300 nghìn tiền bánh sinh nhật.
Năm nay sinh nhật có đông đủ con cháu, họ hàng nên bố mẹ chồng tôi vui lắm. Còn tôi tuy cực hơn một chút nhưng niềm vui của bố mẹ cũng là niềm vui của con cái, tôi cảm thấy mọi thứ mình bỏ ra đều hoàn toàn xứng đáng.
Tuy nhiên, nụ cười trên môi tôi đã tắt lịm khi chiếc bánh sinh nhật nhờ em gái chồng mua tặng bố được mở ra. Trên bánh có ghi dòng chữ: “Chúc mừng sinh nhật ông ngoại”.
Tôi tức đỏ mặt khi thấy dòng chữ ghi trên bánh kem mừng sinh nhật bố chồng. (Ảnh minh họa)
Nhìn dòng chữ ấy, tôi choáng váng. Còn khách khứa thì hết lời khen bố chồng tôi:
- Nhà chú thật có phước. Sinh nhật được con gái tặng bánh kem, con dâu thì tất bật chuẩn bị cỗ bàn tươm tất. Con trai, con gái, con dâu, con rể đứa nào cũng khôn khéo, có hiếu.
Bố chồng tươi cười hớn hở, em gái chồng thì cười theo như ngầm thừa nhận bánh sinh nhật là của mình mua. Chứng kiến một màn này, tôi tức đến đỏ mặt. Chờ khách khứa, họ hàng về hết, tôi nói thẳng với em gái chồng:
- Từ khi chị về làm dâu đến nay, 3 mùa sinh nhật của cả bố và mẹ em chưa từng có một cái bánh nào cho bố mẹ, một món quà cũng không chứ đừng nói đến việc em cho bố mẹ được đồng nào. Hôm hay chị nhờ em đặt bánh mà em làm như thế à? Em thích em có thể đặt riêng cái bánh khác, còn bánh anh chị nhờ em đặt hộ mà em viết “chúc mừng sinh nhật ông ngoại” thì người ta nhìn cái biết ngay bánh của con gái. Thế sao em không trả tiền bánh đi? Nay nhà lại có khách nữa, em muốn thể hiện điều gì ở đây?
Em gái chồng im bặt không nói gì. Bố mẹ chồng thì bênh con gái, nói rằng lỡ rồi thì thôi, đừng chỉ vì một chiếc bánh mà làm mất hòa khí gia đình. Chồng cũng khuyên tôi không nên hẹp hòi, chấp nhặt với em làm gì, do em suy nghĩ vô tư quá nên mới “lỡ” viết như vậy.
Rõ ràng là em cố ý, vì khi được mọi người khen em đâu có phản bác. Giờ chồng lại trách tôi, chẳng nhẽ là tôi hẹp hòi thật sao? Nếu em gái chồng viết trên bánh kem là "chúc mừng sinh nhật bố" thì tôi đã chẳng nói gì rồi.