Sau một tuần thực hiện chế độ tiết kiệm, không giảm được đồng nào mà chi phí bị đội lên là 2 triệu.
Tổng thu nhập của 2 vợ chồng tôi được 40 triệu một tháng nhưng cứ đến cuối tháng là hết tiền, chẳng bao giờ có dư. Nhiều lúc tôi tự hỏi nếu chẳng may một thành viên bị ốm đau phải nhập viện, không biết sẽ lấy tiền ở đâu chữa trị nữa.
Cũng may khi cưới chúng tôi đã có nhà riêng, đỡ khoản thuê phòng trọ. Tôi không hiểu những gia đình khác chi tiêu kiểu gì mà hết có 10 triệu một tháng.
Tuần trước, tôi và chị hàng xóm ngồi nói chuyện với nhau về chuyện chi tiêu trong gia đình. Chị ấy nói mỗi tháng có 20 triệu gửi ngân hàng. Tôi cho là thu nhập của anh chị chắc phải 50 triệu mới tiết kiệm được nhiều thế.
Chị hàng xóm cười lắc đầu nói lương của anh chị tổng là 29 triệu, chi tiêu sinh hoạt có 9 triệu, còn lại để tiết kiệm. Tôi bảo:
“9 triệu chỉ đủ mua sữa cho các con của em, em không hiểu chị chi tiêu thế nào với số tiền ít ỏi thế?”.
Tôi cho là thu nhập của anh chị chắc phải 50 triệu mới tiết kiệm được nhiều thế. (Ảnh minh họa)
Chị đáp:
“Anh chị làm được ít tiền nên phải chi tiêu tiết kiệm. Sữa là khoản tiêu hao rất nhiều tiền của gia đình nên khi bọn trẻ học cấp 1 trở đi chị luyện cho bọn trẻ ăn thức ăn và rau.
1 tháng chị chi tiền học cho các con hết 4 triệu, buổi sáng nhà chị ăn cơm rang hay cơm với đồ kho nên đỡ được kha khá tiền. Buổi trưa thì con ăn ở trường, bố mẹ ăn ở công ty nên đỡ được khoản này. Bữa tối nhà chị khá đơn giản, chỉ có bát canh và một bát thịt kho đậu hay kho cá với nồi cơm là xong bữa. Tóm lại tiền ăn hết khoảng 2 triệu mỗi tháng.
1 triệu là tiền điện, nước, mạng và gas. Còn 2 triệu là đình đám (nếu có), chi tiêu linh tinh. Để tiết kiệm chị thường xuyên đi xin quần áo và đồ dùng của những người đồng nghiệp họ thải ra. Chị thấy đồ đi xin còn tốt hơn đồ mua mới”.
Học cách chi tiêu tiết kiệm của chị ấy, về nhà tôi triển khai ngay lập tức. Trước tiên tôi giảm bớt sữa của các con xuống, khuyến khích bọn trẻ ăn rau xanh và các loại thịt. Thế nhưng ép con kiểu gì cũng không chịu ăn rau hay thịt. Con luôn miệng đòi ăn táo Mỹ hay dưa lưới thay rau. Buổi đêm con thèm sữa ngủ không được và nửa đêm dậy đòi uống sữa mới chịu ngủ tiếp.
Bình thường tối nào tôi cũng phải làm món nhắm để chồng uống với bia. Bây giờ tôi không mua bia và cắt luôn món nhậu, trong mâm cơm chỉ còn món canh và nồi thịt kho thơm phức.
Bình thường tối nào tôi cũng phải làm món nhắm để chồng uống với bia. (Ảnh minh họa)
Ăn được ngày thứ nhất, ngày thứ 2 vừa nhìn thấy mâm cơm đạm bạc, chồng đã kéo luôn các con ra quán làm nồi lẩu 1 triệu ăn cho sảng khoái, còn tôi méo mặt khi rút ví tiền ra trả.
Không thể cắt giảm trong chuyện ăn uống, tôi bắt đầu thực hiện chế độ tiết kiệm điện nước. Ngày chủ nhật, tôi quyết định tắt điều hòa ban ngày và yêu cầu 3 bố con dùng quạt cho đỡ tốn kém. Nào ngờ nóng chịu không nổi, chồng cũng chẳng muốn cãi nhau với vợ nên anh đưa bọn trẻ ra ngoài đi dạo.
Cứ nghĩ anh sẽ phối hợp với vợ thực hiện kế hoạch tiết kiệm nào ngờ đi ra ngoài đến trưa mới về, trên tay 3 bố con có đủ các mặt hàng mua từ siêu thị. Ở nhà nóng quá, anh đưa con vào siêu thị ngồi cho mát nào ngờ lại tốn cả triệu mua đồ chơi, đồ ăn cho 3 bố con.
Sau một tuần thực hiện chế độ tiết kiệm, không giảm được đồng nào mà chi phí bị đội lên là 2 triệu. Tôi trách chồng:
“Em rất muốn cắt giảm chi phí nhưng chồng con không phối hợp thì em không thể thực hiện được. Thu nhập của vợ chồng mình không ít nhưng chẳng để dành được đồng nào thì không ổn. Anh nên hợp tác với em cùng thực hiện kế hoạch tiết kiệm”.
Chồng thở dài nói tiền làm ra để phục vụ bản thân, cứ ăn tiêu thoải mái cho sướng cuộc đời, cần gì phải tiết kiệm ki bo cho khổ, rồi ai biết được ngày mai sống hay chết. Với suy nghĩ làm đồng nào xài hết đồng đó của chồng, tôi rất lo cho tương lai của gia đình. Theo mọi người tôi phải làm sao đây?