Đậu phụ sốt thịt băm đậm đà trôi cơm, dưa chuột xào nấm đùi gà giàu vitamin vừa ngon lại lạ miệng chắc chắn sẽ khiến cả nhà thích thú khi thưởng thức.
Gợi ý bữa cơm chiều nay sẽ có các món:
- Đậu sốt thịt băm: 67.000đ
- Canh bí đỏ nấu xương: 30.000đ
- Dưa chuột xào nấm đùi gà: 22.000đ
- Cà muối: 5.000đ
Tổng: 124.000đ
Nguyên liệu: - 1 bìa đậu phụ to, 3 quả trứng, 300 gam thịt băm, 2 thìa nước tương (xì dầu), 1 thìa muối, 1 thìa dầu hào, 1 thìa nước tinh bột (hòa 1 thìa nước với 1 thìa tinh bột), 2 tép tỏi.
Cắt đậu phụ thành các lát có độ dày khoảng 3 mm. Xếp đậu ngay ngắn vào nồi, quét trước một lớp dầu ăn trong nồi. Đập 3 quả trứng ra bát, đánh tan sau đó đổ trứng vào nồi đậu. Vặn lửa vừa và nhỏ rồi chiên từ từ, chiên cho chín một mặt thì lấy đậu trứng ra sau đó quét một lớp dầu ăn dưới đáy chảo, cho đậu vào, tiếp tục chiên cho đến khi mặt dưới có màu vàng nâu. Cho đậu phu chiên trứng ra bát sâu lòng.
Trong một chảo khác, đun nóng ít dầu ăn trong nồi, cho thịt băm vào xào đều. Xào đến khi thịt chuyển màu thì cho tỏi băm vào, xao cho thơm. Sau đó cho nước tương, dầu hào và muối vừa đủ vào, xào đều tay để các gia vị ngấm đều vào thịt.
Cuối cùng đổ một bát nước với 1 thìa tinh bột nước vào, vừa đun vừa khuấy, nấu cho đến khi sền sệt là được. Lúc này sổ toàn bộ chỗ thịt băm lên trên mặt của bát đậu chiên trứng, rắc ít hành lá và ớt thái nhỏ (nếu thích) lên trên. Đậu chiên trứng sốt thịt băm kiểu này vừa thơm ngon, đậm đà lại có chút lạ miệng đảm bảo trôi cơm vô cùng!
Điều đặc biệt, phần đậu được bọc bởi trứng chiên bên trong vẫn còn rất tươi mới, mềm ngon vì thế càng tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn này!
Chuẩn bị: 500g bí đỏ, 200g xương cục, hành lá, mùi tàu, tỏi, gia vị.
Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, bổ miếng vừa ăn. Xương cục rửa sạch, cho vào nồi luộc qua rồi đem ra rửa sạch với nước ấm. Cho nước vào nồi, cho xương vào ninh mềm. Cho bí đỏ cùng tỏi và chút gia vị muối, bột nêm vào, nấu chín. Lúc này thêm hành lá, mùi tàu cắt nhỏ rồi tắt bếp. Múc canh ra bát.
Nguyên liệu: - 2 quả chuột, 200g nấm đùi gà, vài tép tỏi, muối, nước tương, dầu hào.
Nấm đùi gà cắt bớt gốc già, rửa sạch, thái lát mỏng. Ngâm dưa chuột trong nước muối nhạt một lúc, rửa sạch rồi thái thành từng lát mỏng, một số người thích loại bỏ vỏ của dưa chuột, trên thực tế, ăn dưa chuột cả vỏ không những có thể hấp thụ đầy đủ vitamin C mà còn giúp cơ thể giải độc hiệu quả.
Đun sôi nước trong nồi, sau đó đổ nấm đùi gà vào chần qua nước trong 3 phút, vớt ra để ráo nước. Việc chần nấm sẽ giúp nấm thơm hơn và lúc xào sẽ nhanh chín hơn.
Tỏi băm nhỏ. Cho ít dầu ăn vào chảo đun nóng, cho tỏi băm vào phi thơm, sau đó cho nấm đùi gà đã chần qua vào, xào cho ra bớt nước, đến khi bề mặt nấm hơi vàng. Cho các lát dưa chuột vào, xào nhanh tay, thấy các miếng dưa chuột cũng hơi mềm thì cho chút muối, nước tương, dầu hào, nêm nếm theo khẩu vị cá nhân. Đảo thêm 1 phút cho các nguyên liệu ngấm đều gia vị rồi tắt bếp. Cho dưa chuột xào nấm đùi gà ra đĩa, thưởng thức khi đang còn nóng. Dưa chuột giòn hơi mềm, nấm đùi gà thơm ngon, đậm đà đảm bảo ăn với cơm rất hợp và bổ dưỡng.
Chuẩn bị: - 1 kg cà pháo - 1/2 củ riềng; Tỏi 2 củ tỏi to. - Ớt quả: tùy độ cay, mình cho khoảng 10 quả - Tương ớt: 1 bát con ăn cơm - Đường cát: 1/2 bát con ăn cơm - Giấm ăn: 3 thìa canh (thìa ăn phở, tùy độ chua gia giảm) - Muối tinh - Nước vo gạo (để ngâm cà, khi vo gạo nấu cơm để lại phần nước vo gạo).
Chuẩn bị một bát nước muối to, nếm hơi mặn một chút. Cà rửa sạch, cắt cuống, bổ làm đôi, nếu quả to bổ làm 3. Cắt quả nào thả ngay vào bát nước muối, để cà ra chất độc, nhựa, tránh thâm đen. Ngâm khoảng 20 phút, vớt ra rửa sạch lại vài nước.
Tiếp tục đổ cà vào nước vo gạo ngâm trong 2-3h, cũng là để cà thải bớt chất độc. Sau 2-3h hoặc ngâm lâu hơn tùy điều kiện, ngâm nước vo gạo xong vớt ra rửa vài lần nước cho sạch, lúc này cà sẽ trắng hơn lúc đầu rất nhiều. Vớt cà ra để ráo nước.
Chuẩn bị phần nước trộn: Riềng gọt vỏ, một nửa đem thái chỉ, một nửa xay nhỏ. Tỏi đập dập băm thật nhuyễn. Ớt xay nhỏ. Nếu có máy xay đem tất cả các nguyên liệu: tỏi, ớt, riềng xay thật nhỏ.
Cho tất cả các nguyên liệu: đường, tỏi, ớt, riềng, tương ớt, giấm, 1 thìa canh muối tinh, 3 thìa canh nước trắng đun sôi để nguội, trộn đều các nguyên liệu thành hỗn hợp sền sệt, nếm thấy cảm giác chua cay mặn ngọt nhưng phần ngọt nhiều hơn và hỗn hợp nếm đậm đà hơn vì còn phải trộn vào cà.
Trộn cà: Cho cà vào bát to, đi bao tay và đổ hỗn hợp tương ớt vào trộn đều, để bên ngoài vài tiếng sau đó cất ngăn mát tủ lạnh, sau nửa ngày là ăn được ngay. Muốn cà không bị thâm và để thêm được vài ngày nữa thì phần hỗn hợp tương ớt phải đổ ngập cà thì cà sẽ không bị thâm.