Vụ sập nhà cổ ở HN: 'Những điều trông thấy mà đau đớn lòng'

Ngày 23/09/2015 00:06 AM (GMT+7)

Gương mặt thất thần, tiếng gào khóc của người nhà nạn nhân trong vụ sập nhà cổ (Hà Nội) khiến những người chứng kiến cảnh tang thương không khỏi nghẹn lòng.

Người nhà hết nước mắt đợi tin

Có mặt tại hiện trường vụ sập, và chứng kiến cảnh người nhà túc trực ngoài phòng cấp cứu (Bệnh viện Việt Đức) chờ đợi tin về tình hình sức khỏe của các nạn nhân trong vụ sập nhà cổ số 105-107 đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội), những người xung quanh không cầm được nước mắt.

Khoảng 14 giờ ngày 22/9, khi các nạn nhân nằm trong đống đổ nát, nhiều người nhà khi nghe được tin đã bỏ cả công việc, tức tốc từ quê chạy lên để nghe ngóng tình hình người thân.

Vụ sập nhà cổ ở HN: #039;Những điều trông thấy mà đau đớn lòng#039; - 1

Người nhà nạn nhân chờ đợi tin

Chứng kiến cảnh tượng những người lao động nghèo “buôn thúng bán bưng” tại khu chợ cóc ôm nhau khóc nấc khi may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần khiến tất cả những người xung quanh không khỏi xúc động.

“Không hiểu trời xui đất khiến ra sao, hôm nay tôi dọn hàng sớm để tranh thủ trưa đi nhập hàng, đang đi lấy hàng thì nghe mọi người gọi điện thông báo, tôi như chết đứng và vội vàng quay trở lại hiện trường, tôi không thể tin vào mắt mình được nữa”, chị Liên (người bán đồ khô tại điểm chợ cóc này) chia sẻ.

Ngoài những giọt nước mắt vì may mắn thoát chết, cũng tại đây phóng viên chứng kiến nhiều gia đình khóc thất thanh khi biết người thân mình vẫn đang nằm dưới đống đổ nát.

Anh Hùng, chị Loan hay anh Minh đều có người thân chưa được tìm thấy. Anh Hùng (chồng chị Hường) khi nghe tin vợ bị nạn đã tức tốc chạy đến địa chỉ có ngôi nhà bị sập, khi tới nơi mọi người đều hô hoán: “Chồng cái Hường kìa, nó đến rồi, khổ thân nó quá”. 

Vụ sập nhà cổ ở HN: #039;Những điều trông thấy mà đau đớn lòng#039; - 2

Chồng chị Hường đang ngóng tin vợ, nhưng không được vào hiện trường

Nhưng trong lúc lực lượng cứu hộ đang đào bới để tìm kiếm thi thể các nạn nhân, anh Hùng chỉ biết đứng lặng người chờ tin của vợ. Đến khi tìm thấy nạn nhân Hường, do tình trạng nguy kịch các bác sĩ đã nhanh chóng đưa nạn nhân lên xe cứu thương để đưa đi cấp cứu. Một lần nữa, anh Hùng cùng các người thân lại rượt đuổi theo xe cứu thương, mong giành giật lại sự sống cho người vợ của mình.

Vết thương không bao giờ lành

Khi chiếc xe cứu thương hú còi và nạn nhân được cho là nặng nhất trong đống đổ nát được tìm thấy để đưa đi cấp cứu, phóng viên cũng rời khỏi hiện trường để đến Bệnh viện Việt Đức ghi nhận tình hình. Tại đây, chiếc xe chở nạn nhân Hường nhanh chóng được các bác sĩ chuyển xuống xe chuyên dụng để đưa vào phòng bệnh cấp cứu.

Chỉ 5 phút sau, người nhà của nạn nhân đã có mặt tại bệnh viện, kèm theo đó là những tiếng khóc và những gương mặt thể hiện rõ sự lo lắng vì không biết tình hình sức khỏe của chị Hường ra sao.

Lo sợ chồng chị Hường không giữ được bình tĩnh, lực lượng bảo vệ và công an đã giữ anh ở ngoài khu vực cấp cứu, nhìn hoàn cảnh lúc đó của anh Hùng, tất cả mọi người ở ngoài phòng cấp cứu đều rơi nước mắt. 

Vụ sập nhà cổ ở HN: #039;Những điều trông thấy mà đau đớn lòng#039; - 3

Nạn nhân vụ sập nhà cổ tử vong được chuyển xuống nhà xác

Khoảng hơn 30 phút sau, bác sĩ chính thức thông báo về việc chị Hường đã tử vong trên đường đi cấp cứu vì vết thương quá nặng. Lúc này, mọi thứ đã hoàn toàn sụp đổ trước mắt người chồng cũng như những người nhà đang ngóng đợi tin của chị, thi thể chị đã được chuyển xuống nhà xác trong sự tiếc thương của không chỉ những người trong gia đình mà còn cả cộng đồng, xã hội.

Tưởng chừng, con số tử vong đã dừng lại ở đó, nhưng 18 giờ ngày 22/9, khi lực lượng tìm kiếm chính thức thông báo có thêm một nạn nhân nữa được tìm thấy và đã tử vong, không ít người bàng hoàng. Lại một lần nữa, phòng cấp cứu Bệnh viện Việt Đức tiễn đưa một nạn nân xấu số vụ sập nhà trong sự tiếc thương của những người chứng kiến.

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 22/9 vụ sập nhà cổ tại số nhà 105-107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đã cướp đi tính mạng của 2 nạn nhân và 5 nạn nhân khác vẫn đang trong quá trình cấp cứu và chưa qua khỏi cơn nguy kịch.

Danh sách nạn nhân vụ sập nhà cổ do UBND quận Hoàn Kiếm cung cấp (tính đến 18h ngày 22/9)

1. Lê Thị Quý Hường, 47 tuổi, địa chỉ thôn Bạch Liên, xã Liên Phương, Thường Tín, Hà Nội: đã tử vong.

2. Trần Thị Nga, 36 tuổi, địa chỉ Bạch Đằng, Chương Dương, Hà Nội: đã tử vong.

3. Nguyễn Thị Tiêu, 64 tuổi, địa chỉ 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

4. Tào Thị Hiện, 50 tuổi, địa chỉ Thanh Oai, Hà Nội: thương tích ở chân, đang cấp cứu tại BV Việt Đức.

5. Nguyễn Văn Nức, 44 tuổi, địa chỉ Văn Lâm, Hưng Yên: thương tích ở chân, đang cấp cứu tại BV Việt Đức.

6. Trần Thị Nga, khoảng 60 tuổi, chưa xác định được địa chỉ do bà Nga bị câm: Đa chấn thương, mất ý thức, đang cấp cứu tại BV Việt Đức

7. Vũ Thị Thúy Hằng, 37 tuổi, địa chỉ 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội: Bị chấn thương sọ não, gẫy xương chậu, đang cấp cứu ở BV Việt Đức.

8.  Nguyễn Thị Huyền, 27 tuổi, địa chỉ Tây Hồ, Hà Nội.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sập nhà cổ ở Trần Hưng Đạo