Theo GS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, các bệnh nhân tái dương tính lại với COVID-19 đều không phải điều trị gì mà chỉ theo dõi nuôi cấy virus.
Chỉ là xác virus
Trong số 11 ca bệnh được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới công bố điều trị khỏi ngày 5/5 có hai bệnh nhân là bệnh nhân số 74 và 137 là bệnh nhân tái dương tính với virus SARS-CoV-2.
BN74 (23 tuổi, nam, Lâm Thao, ở Phú Thọ) là bệnh nhân dương tính lại sau khi đã được công bố khỏi bệnh ngày 10/4. BN137 (36 tuổi, nam, ở Bắc Thành, Yên Thành, Nghệ An) đã được công bố khỏi bệnh vào ngày 7/4, sau đó lại dương tính lại.
Theo GS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, dịch COVID-19 là dịch mới nên thế giới cần nhiều thời gian để nghiên cứu thêm về sự biến đổi của virus. Hiện nay virus SARS-CoV-2 ở mỗi quốc gia lại có sự khác biệt với virus ban đầu ở Vũ Hán.
GS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam
Các khuyến cáo bệnh nhân khỏi bệnh dựa vào tình trạng lâm sàng hết sốt 3 ngày, 2 lần xét nghiệm cách nhau 24 giờ âm tính.
Dựa theo kinh nghiệm điều trị bệnh của Trung Quốc và Hàn Quốc, những bệnh nhân được công bố khỏi bệnh sẽ được theo dõi thêm 14 ngày. Và trong quá trình theo dõi bệnh nhân thì xuất hiện một số bệnh nhân tái dương tính.
Tại Việt Nam cũng có những trường hợp tái dương tính sau khi công bố khỏi bệnh. Ở những người tái dương tính không có dấu hiệu lâm sàng nào. Bệnh nhân hoàn toàn khoẻ mạnh, ăn ngủ bình thường.
Về phương pháp xét nghiệm, GS Nguyễn Văn Kính cho biết bản chất của xét nghiệm hiện nay là làm RT-PCR: Lấy một đoạn mồi để phát hiện đoạn gen Y của virus. Độ nhạy của RT-PCR rất cao, lên tới 98%. Đây chỉ là xét nghiệm mật mã di truyền của virus, không phải phát hiện toàn virus.
Vì vậy, để khẳng định bệnh nhân có tái dương tính hay không thì phải nuôi cấy virus để xem có tái hoạt động hay không. Với các bệnh nhân tái dương tính ở Việt Nam, khi nuôi cấy mẫu bệnh phẩm thì virus không hoạt động. Như vậy giả thiết đặt ra đây chỉ là các phần mảnh ARN của virus (xác virus) thải loại. Những ca tái dương tính đều không lây nhiễm trong cộng đồng.
Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam Nguyễn Văn Kính cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng.
“Chúng tôi nghĩ cần phải nghiên cứu thêm kháng thể của bệnh nhân. Bệnh nhân tái dương tính trở lại không phải dùng thuốc điều trị” – GS Nguyễn Văn Kính cho biết.
Tái dương tính không phải người lành mang trùng
Trước đó, khi xảy ra các trường hợp tái dương tính với Virus Sars-CoV-2, có giả thuyết đặt ra là bệnh nhân có thể chuyển thành người lành mang trùng sau khi công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, GS Nguyễn Văn Kính bác bỏ giả thuyết này, vì nếu là trường hợp người lành mang trùng thì virus sẽ phải sống.
Một lần nữa, ông nhắc lại hiện tượng bệnh nhân tái dương tính không phải riêng Việt Nam có mà trên thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp như vậy. Việc này do đáp ứng miễn dịch của từng người, không phải là ca bệnh.
Khi theo dõi dịch tễ trên thế giới như tại Nhật Bản, Trung Quốc... những ca tái dương tính trở lại không lây nhiễm cho bất kỳ trường hợp nào dù họ đã về cộng đồng cách ly. Những người mà những ca này tiếp xúc F1 hoàn toàn âm tính.
Qua điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng, GS Kính cho biết bệnh nhân số 19 cực kỳ nặng, phải chạy ECMO 17 ngày. Khi bỏ ECMO bệnh nhân có dấu hiệu ngừng tim. Nhờ giám sát theo dõi cấp cứu kịp thời, hiện nay bệnh nhân đã tự thở, tự ăn được. Một vài ngày nữa bệnh nhân sẽ được công bố khỏi bệnh. Tất cả các trường hợp bệnh nhân nặng đều có kết quả xét nghiệm âm tính sau 10 ngày vào .
Từ việc điều trị có thể rút ra là thời gian ủ bệnh trung bình 8-10 ngày. Khi vào viện bệnh nhân không nặng ngay, diễn biến nặng tổn thương phổi sau 1 tuần. Theo dõi lâm sàng thấy tổn thương phổi từ ngoài biên, đáy phổi lan vào trung tâm.
Giai đoạn đầu từ tổn thương nối kinh mờ thành các thuỳ dẫn dần làm bệnh nhân COVID-19 bị suy hô hấp, bệnh nguy kịch thiếu oxy nên việc điều trị cá thể hoá cho từng người.
Qua thống kê có 45% bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng, 55% còn lại có triệu chứng từ nhẹ tới nặng.
Bệnh nhân thường rối loạn hô hấp và rối loạn đông máu, tiên lượng diễn biến nặng. Những bệnh nhân có bệnh nền diễn biến sẽ nặng hơn. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm điều trị từ dịch Sars, dịch cúm, bệnh viện đã cứu sống được các bệnh nhân nặng.