Tin tức nữ nghệ sĩ tài hoa Lưu Chân qua đời ở tuổi 45 sau 1 tháng chờ thay tim đã khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Vào đầu tháng 2/2020, Lưu Chân (44 tuổi) - "nữ hoàng khiêu vũ" Đài Loan 44 đã trải qua ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Đài Bắc vì bị hẹp van động mạch chủ tim. Trước đó, Lưu Chân đã đi khám và phát hiện mắc bệnh. Bác sĩ khuyến cáo cô nếu không thực hiện phẫu thuật sớm có thể phải đối mặt với nguy cơ bị suy tim hoặc đột quỵ. Vì vậy, sau khi bàn bạc với người thân, nữ diễn viên đã quyết định tiến hành phẫu thuật.
Lưu Chân được mệnh danh là nữ hoàng khiêu vũ Đài Loan.
Sau ca mổ, Lưu Chân rơi vào tình trạng sức khỏe nguy kịch, chức năng tim của cô ngày yếu dần. Để có thể duy trì sự sống của Lưu Chân, đội y tế chỉ có thể tiến hành phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể và lắp thiết bị hỗ trợ tâm thất sau ca phẫu thuật tim. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ duy trì được nhiều nhất trong hai tuần, nữ nghệ sĩ phải được thay tim mới.
Trong suốt thời gian nằm chờ thay tim, tình trạng của cô thậm chí còn nguy kịch hơn. Mỹ nhân Đài Loan đã sụt hẳn chỉ còn hơn 30kg. Dù các bác sĩ và gia đình đặc biệt là ông xã Tân Long dùng mọi biện pháp để cứu sống cô nhưng đều không có kết quả.
Lưu Chân và ông xã Tân Long.
Vào tối ngày 22/3, Lưu Chân qua đời, để lại người chồng là nam ca sĩ Tân Long và cô con gái 4 tuổi. Lưu Chân và Tân Long là đôi vợ chồng hạnh phúc có tiếng làng giải trí xứ Đài. Nam ca sĩ Tân Long đã rất đau lòng trước cái chết của vợ. Trước khi Lưu Chân trút hơi thở cuối cùng, ông xã Tân Long đã hôn và và thì thầm vào tai cô: "Kiếp sau anh và em sẽ lại làm vợ chồng nhé bà xã".
Bệnh hẹp van động mạch chủ là gì?
Quả tim được ví như một cái bơm đưa máu đi nuôi khắp cơ thể. Cấu tạo của tim gồm có hai tâm nhĩ và hai tâm thất. Nhĩ phải được ngăn cách với thất phải bởi van ba lá, nhĩ trái ngăn cách với thất trái bởi van hai lá. Trong một chu chuyển tim, máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất qua van hai lá và van ba lá. Sau đó máu sẽ được tâm thất co bóp tống ra động mạch chủ và động mạch phổi.
Bình thường trong thời kì tâm thu, van hai lá đóng lại, van động mạch chủ mở ra, máu được tống từ thất trái ra động mạch chủ. Hẹp van động mạch chủ là tình trạng van mở ra không hết, cản trở máu được tống ra đại tuần hoàn gây nên giảm cung lượng tim, giảm tưới máu các cơ quan.
Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Người bệnh có thể cần phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế van. Nếu không được điều trị, hẹp van động mạch chủ có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về tim.
Người đẹp mắc bệnh hẹp van động mạch chủ phải phẫu thuật nhưng sau một thời gian điều trị đã qua đời.
Dấu hiệu hẹp van động mạch chủ
Hẹp van động mạch chủ có thể từ nhẹ đến nặng. Các dấu hiệu của bệnh hẹp van động mạch chủ thường phát triển khi hẹp van ở mức độ nghiêm trọng. Một số người bị hẹp van động mạch chủ có thể không gặp các triệu chứng trong nhiều năm. Các dấu hiệu và triệu chứng của hẹp van động mạch chủ có thể bao gồm:
- Tiếng tim bất thường, nghe qua ống nghe
- Đau ngực (đau thắt ngực) hoặc đau thắt khi hoạt động
- Choáng váng, chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Khó thở, đặc biệt là khi bạn hoạt động
- Mệt mỏi, đặc biệt là khi vận động tăng
- Đánh trống ngực - cảm giác của nhịp tim đập nhanh, rung
- Không ăn đủ (chủ yếu ở trẻ em bị hẹp van động mạch chủ)
- Không tăng cân đủ (chủ yếu ở trẻ em bị hẹp van động mạch chủ)
Các tác động làm suy yếu tim của hẹp van động mạch chủ có thể dẫn đến suy tim. Các dấu hiệu và triệu chứng suy tim bao gồm mệt mỏi, khó thở, sưng mắt cá chân và bàn chân.
Phòng ngừa bệnh hẹp van động mạch chủ
- Bỏ thuốc lá
- Chế độ ăn lành mạnh: nhiều rau xanh, hoa quả, giảm mỡ động vật thay bằng dầu thực vật, hạn chế ăn phủ tạng động vật
- Tập luyện thể dục: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần
- Giảm cân nếu thừa cân
- Kiểm soát rối loạn lipid máu, đường máu
- Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, tránh các nhiễm trùng răng miệng, điều trị triệt để viêm họng do liên cầu