Cập nhật COVID-19 25/4: Phổi của BN 91 xấu hơn; Sớm thực hiện liệu pháp dùng huyết tương tại VN

Ngày 25/04/2020 15:16 PM (GMT+7)

Kết quả chụp X-quang phổi của bệnh nhân 91 - phi công người Anh mắc COVID-19 nặng đã diễn tiến xấu hơn so với phim chụp trước.

Sức khỏe của các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng

Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, hiện các chuyên gia vẫn tiếp tục hội chẩn, đưa ra phương án điều trị cho các bệnh nhân nặng. Cụ thể tình sức khỏe các bệnh nhân nặng như sau:

- BN 161: Còn thở máy qua ống mở khí quản, thông khí 2 bên rõ, phổi tiến triển tốt, ngày qua tiếp tục cho bệnh nhân tập tự thở qua máy. Tim mạch bình thường, huyết áp bình thường. Gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm, liệt nửa người trái.

Bệnh nhân tiểu nhiều, ăn tiêu qua sonde, không có biểu hiện xuất huyết nhưng chỉ điểm đông máu còn cao hơn mức bình thường, chỉ điểm nhiễm trùng tăng nhẹ nhưng có giảm hơn so với ngày hôm trước.

Hiện tại bệnh nhân không sốt. Qua hội chẩn, các chuyên gia đã quyết định dừng kháng sinh cho bệnh nhân và cai máy thở. Tiếp tục xét nghiệm SARS-CoV-2 ngày/lần, lấy dịch phế quản; Dừng kháng sinh; Cai máy thở.

- BN 91: Nằm yên/an thần. không sốt, thở máy. Tình trạng rối loạn đông máu tiếp diễn. X-quang phổi xấu hơn so với phim trước.

Cập nhật COVID-19 25/4: Phổi của BN 91 xấu hơn; Sớm thực hiện liệu pháp dùng huyết tương tại VN - 1

- BN 19: Thở máy qua ống mở khí quản; phổi của bệnh nhân còn tổn thương nhưng oxy hóa máu đã cải thiện. Tim còn rối loạn nhịp, nhưng mức độ nhẹ hơn, huyết áp ổn định, tri giác tốt, giao tiếp được, không phù, đi tiểu nhiều.

Bệnh nhân ăn qua ống thông dạ dày, không trào ngược, không có tình trạng xuất huyết.

Hiện bệnh nhân không sốt, chỉ điểm rối loạn đông máu còn cao hơn mức bình thường, chỉ điểm nhiễm trùng tăng nhẹ trên mức bình thường nhưng có giảm hơn so với ngày hôm trước.

Các chuyên gia đã hội chẩn tình trạng của bệnh nhân tại viện: Đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm và tăng cường thêm kháng sinh cho bệnh nhân, đồng thời cai máy thở, tập phục hồi chức năng.

Sớm thực hiện liệu pháp sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19 ở Việt Nam

Chiều 24/4, Hội đồng chuyên môn nghiệm thu Hướng dẫn tạm thời về tiếp nhận và sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19 đã họp tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19 (đặt tại Bộ Y tế).

Trước đó, ngày 8/4, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có Công văn giao 2 bệnh viện là Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xây dựng dự thảo Hướng dẫn tiếp nhận và sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 cho biết, Công tác điều trị cho người bệnh COVID-19 trên thế giới cũng như ở Việt Nam còn khó khăn do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine phòng ngừa.

Cập nhật COVID-19 25/4: Phổi của BN 91 xấu hơn; Sớm thực hiện liệu pháp dùng huyết tương tại VN - 2

Huyết tương (màu vàng) chiếm 55-65% thành phần máu người. - Ảnh: AFP

Tất cả đều đang nghiên cứu và thử nghiệm các phương pháp chữa bệnh để tìm mọi cách cứu chữa người bệnh.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế luôn cập nhật và tham khảo, cũng như nghiên cứu, thử nghiệm các phương pháp điều trị của các nước trên thế giới đang thử nghiệm, trong đó, có sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19.

Theo các chuyên gia trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, việc sử dụng huyết tương người điều trị khỏi bệnh cần được xem xét, đánh giá như một liệu pháp mới có tiềm năng nhằm tăng thêm công cụ cho thầy thuốc điều trị người bệnh, đặc biệt là những trường hợp tiến triển nặng và bệnh nặng.

Điều quan trọng nhất trong Hướng dẫn này là lựa chọn người hiến huyết tương như thế nào và vấn đề sử dụng huyết tương. Bên cạnh đó, việc bảo đảm an toàn việc hiến huyết tương của người điều trị khỏi bệnh COVID-19 cũng được đặt lên hàng đầu để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm SAR-COV-2 và các tác nhân gây bệnh khác cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia và lãnh đạo Bộ Y tế, căn cứ vào các tài liệu, bài báo khoa học của các chuyên gia các nước trên thế giới và Hiệp hội Truyền máu Thế giới, cần sớm triển khai Hướng dẫn tạm thời này.

Hiện, Cục giao 4 bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.

Việc lấy huyết tương làm trước mắt chỉ giao thực hiện ở các trung tâm lớn có các chuyên gia hàng đầu, đủ điều kiện như Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương; Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Truyền máu- Huyết học TP HCM.

Các đơn vị được giao nhiệm vụ phải phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các Viện Pasteur đảm bảo lấy huyết tương đúng quy trình chuyên môn và nồng độ kháng thể.

Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện phải đảm bảo công tác an toàn sinh học trong tất cả các quy trình; vận động người hiến và có chính sách giúp đỡ, động viên với người tham gia tình nguyện hiến huyết tương hồi phục.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hướng dẫn tạm thời nhưng trên nguyên tắc vẫn phải đảm bảo tính khoa học; an toàn cho người bệnh và sẽ không ngừng được cập nhật, hoàn chỉnh.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ là đầu mối phối hợp cùng Cục Khoa học Công nghệ & Đào tạo và các Vụ, Cục liên quan tiếp tục theo dõi, chỉ đạo khẩn trương thực hiện hướng dẫn này khi được Lãnh đạo Bộ Y tế chính thức phê duyệt.

(Theo Gia đình và xã hội)

7 ngày liên tiếp không có ca mắc mới COVID-19, bệnh nhân số 19 vẫn còn rối loạn nhịp tim
Hiện tại đã tròn 1 tuần Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới, tình trạng sức khỏe các bệnh nhân nặng đang có tiến triển tích cực.
Lê Phương - Hoàng Dương (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19