Cập nhật COVID-19 ngày 22/4: Việt Nam tiếp tục không có ca nhiễm COVID-19, BN 91 đã ngừng lọc máu

Ngày 22/04/2020 18:33 PM (GMT+7)

Theo Bộ Y tế hiện tất cả các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang điều trị đều có tiến triển tích cực. Đặc biệt là bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.

Các ca mắc COVID-19 nặng đang điều trị đều có tiến triển tốt

18 giờ ngày 22/4, Bộ Y tế cho biết Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới, hiện cả nước có 268 ca dương tính với COVID-19. Trong đó 223 ca đã được điều trị khỏi, riêng trong ngày 22/4 cả nước có 7 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Cập nhật COVID-19 ngày 22/4: Việt Nam tiếp tục không có ca nhiễm COVID-19, BN 91 đã ngừng lọc máu - 1

Đối với các bệnh nhân nặng đang điều trị, theo Bộ Y tế hiện tất cả đều có tiến triển tích cực. Đặc biệt là bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.

Bệnh nhân 19 là bác ruột bệnh nhân 17 ở Hà Nội và bệnh nhân 161 (88 tuổi) được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 từ bệnh viện bạch Mai có tiến triển tốt, Glassgow 15 điểm, tiêu hóa được, không sốt.

Bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM không sốt, thở máy, ECMO, rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn, ngưng lọc máu.

Kết quả xét nghiệm PCR dịch mũi họng ngày 21/4 của bệnh nhân 91 dương tính với SARS-CoV-2 kể từ lần âm tính mới nhất vào 2 ngày trước. Kết quả xét nghiệm dịch rửa phế quản đã cho kết quả âm tính lần thứ 6.

Các bác sĩ đang nỗ lực duy trì hệ thống ECMO ổn định, hạn chế không để xảy ra các biến chứng. Đồng thời, xử lý kịp thời các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình bệnh nhân nằm hồi sức.

Có ít nhất 30 biến thể của virus SARS-CoV-2

Các nghiên cứu này được dẫn đầu bởi Giáo sư Lý Lan Quyên và được công bố trên website medRxiv.org vào hôm 19/4. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích các chủng virus được phân lập từ 11 bệnh nhân nhiễm COVID-19 ngẫu nhiên tại thành phố Hàng Châu.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện trong một nhóm nhỏ bệnh nhân xuất hiện nhiều đột biến hơn so với báo cáo trước đây. Theo đó, nhóm nguyên cứu đã phát hiện hơn 30 đột biến, trong đó có 19 đột biến - tương đương khoảng 60% trong số đó - là hoàn toàn mới.

"Một số loại biến đổi rất hiếm đến nỗi các nhà khoa học chưa bao giờ nghĩ rằng chúng có thể xảy ra", theo tờ SCMP. Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng phát hiện ra rằng một số đột biến nhất định dẫn đến các chủng virus Corona gây chết người. "SARS-CoV-2 đã có các đột biến có khả năng thay đổi đáng kể mức độ gây bệnh”, Giáo sư Lý Lan Quyên cho biết.

Cập nhật COVID-19 ngày 22/4: Việt Nam tiếp tục không có ca nhiễm COVID-19, BN 91 đã ngừng lọc máu - 2

Theo giáo sư Lý Lan Quyên, sự đa dạng của virus Corona chủng mới đến từ khả năng đột biến của chúng vẫn chưa được đánh giá đúng mức. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các đột biến nguy hiểm nhất trong nhóm bệnh nhân trên cũng được tìm thấy ở hầu hết bệnh nhân trên khắp châu Âu, trong khi các chủng nhẹ hơn chủ yếu được tìm thấy ở Mỹ, chẳng hạn như Washington. 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng phát hiện ra rằng đột biến yếu hơn không có nghĩa là nguy cơ thấp hơn đối với người bệnh. Hai trong số các bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu trên nhiễm chủng virus nhẹ hơn nhưng lại mắc bệnh nặng hơn và vẫn phải nhập viện tại khoa chăm sóc đặc biệt.

Bên cạnh đó, một số đột biến mới xuất hiện ở gai protein (Spike protetin), mà virus dùng để liên kết với các tế bào của con người rồi xâm nhập vào đó, từ đó làm tăng tính lây nhiễm của virus.

Các nhà nghiên cứu đã lây nhiễm các tế bào với các chủng khác nhau trong môi trường phòng thí nghiệm và phát hiện ra rằng chủng mạnh nhất có thể tạo ra tải lượng virus gấp 270 lần so với loại yếu nhất, do đó loại này sẽ giết chết các tế bào nhanh hơn.

Từ các kết quả nghiên cứu, Giáo sư Lý và các đồng nghiệp nhận định, sự đa dạng của virus Corona chủng mới đến từ khả năng đột biến của chúng vẫn chưa được đánh giá đúng mức.

(Theo Công an Nhân dân)

Chưa có bằng chứng khẳng định vắc-xin lao ngừa COVID-19

Việc Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với một số đơn vị khác thử nghiệm tiêm vắc-xin phòng lao BCG cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch để phục vụ đề tài nghiên cứu đã được dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Theo đó, dự kiến, đối tượng được tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng lao BCG là 800 y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19 và người tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương hiện chưa có bằng chứng khẳng định vắc-xin lao có thể phòng chống COVID-19.

Cập nhật COVID-19 ngày 22/4: Việt Nam tiếp tục không có ca nhiễm COVID-19, BN 91 đã ngừng lọc máu - 3

Nhân viên y tế tại tuyến đầu chống dịch COVID-19.

Theo ông Nhung, hiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và dựa trên các bệnh nhân đã mắc, các nghiên cứu quan sát (chưa phải thử nghiệm lâm sàng) cho thấy, những nước có chính sách sử dụng vắc-xin phòng lao BCG phổ cập dường như ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Bên cạnh đó, hiện trên thế giới có hai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở Hà Lan, Australia, tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao nhất, đó là những nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Nghiên cứu này sẽ đánh giá xem tác động của việc tiêm vắc-xin phòng lao BCG cho các nhân viên y tế chăm sóc người bệnh COVID-19 lên tỷ lệ nhiễm cũng như mức độ nặng khi bị mắc COVID-19.

“Đến thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng nào khẳng định vắc-xin phòng lao BCG có thể phòng COVID-19. Hiện chưa có bất kỳ chỉ định nào về tiêm vắc-xin phòng lao BCG để phòng COVID-19 trên thế giới. Chúng tôi đã cảnh báo có tác dụng phụ đáng tiếc nếu tự ý sử dụng vắc-xin này. Người dân không nên quá nôn nóng, tự ý sử dụng mà cần chờ các nghiên cứu được công bố bởi các nhà khoa học và cơ quan quản lý”, ông Nguyễn Viết Nhung nói.

(Theo Dân Việt)

Virus corona tấn công niêm mạc các mạch máu

Virus corona tấn công niêm mạc các mạch máu trên khắp cơ thể, từ đó dẫn đến suy đa tạng, nghiên cứu vừa đăng trên tạp chí The Lancet khẳng định.

Cập nhật COVID-19 ngày 22/4: Việt Nam tiếp tục không có ca nhiễm COVID-19, BN 91 đã ngừng lọc máu - 4

Ảnh: AP

“Virus này không chỉ tấn công phổi mà cả những mạch máu khắp cơ thể”, Frank Ruschitzka, công tác tại ĐH Zurich và là một tác giả của báo cáo, nói. Ông cho biết nhóm nghiên cứu đã tìm ra rằng virus corona gây ra nhiều tổn thương hơn cả viêm phổi.

“Nó đi vào nội mạc (các lớp tế bào), thứ đóng vai trò bảo vệ cho các mạch máu. Vì thế nó khiến hệ thống phòng thủ của con người bị phá huỷ và gây ra các vấn để trong hệ thống vi tuần hoàn”, ông Ruschitzka nói về lưu thông máu trong những mạch máu nhỏ nhất. Từ đó, nó làm giảm lượng máu cung cấp cho nhiều phần của cơ thể rồi cuối cùng ngăn chặn lưu thông máu, ông Ruschitzka nói.

“Từ những gì chúng tôi quan sát được về lâm sàng, các bệnh nhân đều có vấn đề trong tất cả nội tạng, gồm tim, thận, ruột và khắp nơi”, Chủ tịch trung tâm tim mạch tại bệnh viện đại học của Thuỵ Sĩ, nói. Điều đó lý giải tại sao những người hút thuốc và những người có bệnh nền, bị suy yếu chức năng nội mô hoặc mạch máu không khoẻ lại dễ nhiễm virus corona hơn, ông Ruschitzka cho biết. Những bệnh nền thường gây suy yếu về chức năng nội mô bao gồm bệnh tiểu đường, huyết áp cao, béo phì hoặc tim mạch.

(Theo Tiền Phong)

Cập nhật COVID-19 ngày 7/4: Nhà khoa học Mỹ phát triển miếng dán vắc xin ngừa COVID-19
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Pittsburgh (Mỹ) đã tuyên bố rằng họ đã phát triển một loại vắc xin ngừa COVID-19 đầy tiềm năng.
Hoàng Dương (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cách phòng, chữa COVID-19