Sáng 12/4, Sở Y tế TPHCM cho biết, phi công người Anh (bệnh nhân 91) chưa có dấu hiệu hồi phục, mặc dù kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 đã âm tính.
Phi công người Anh chưa có dấu hiệu hồi phục dù kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính
Tiền Phong đưa tin, theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tổn thương phổi của bệnh nhân ngưng tiến triển, tuy nhiên thông khí còn rất hạn chế, tình trạng rối loạn đông máu nặng vẫn chưa cải thiện. Đáng chú ý, kết quả xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 ở cả bệnh phẩm dịch rửa phế quản và dịch mũi họng đều âm tính.
Ảnh minh họa
Hiện tại, bệnh nhân phi công người Anh không sốt, nằm yên (có sử dụng thuốc an thần), mạch 106l/ph, HA 116/69 mmHg, SpO2 95%, PaO2 83mmHg. Bệnh nhân tiếp tục thở máy xâm nhập với mode VA/C, FiO2 40%, PEEP 10 cmH2O, tiếp tục được oxy hoá máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) và lọc máu liên tục.
Bệnh nhân phi công người Anh (bệnh nhân 91) được xác định là ca chỉ điểm liên quan đến quán bar Buddha (quận 2, TPHCM).
Virus SARS-CoV-2 có thể "bay" xa 4m trong không khí
Theo Tiền Phong, một nghiên cứu mới dựa trên mẫu không khí lấy từ các bệnh viện có bệnh nhân COVID-19 cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể di chuyển với khoảng cách lên tới 4m, gấp đôi khuyến cáo của các cơ quan y tế.
Kết quả sơ bộ của các nhà nghiên cứu Trung Quốc được công bố hôm thứ Sáu, 10/4, trên tạp chí Các bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).
Ảnh minh họa: Reuters
Nhóm nghiên cứu - dẫn đầu bởi các chuyên gia Học viện Khoa học Quân y Bắc Kinh - đã thu thập mẫu bề mặt và mẫu không khí từ phòng chăm sóc đặc biệt và phòng bệnh thường dành cho bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện Hỏa Thần Sơn (thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc). Hai khu vực này có tổng cộng 24 bệnh nhân trong khoảng thời gian từ 19/2 đến 2/3.
Kết quả nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 tập trung nhiều nhất trên sàn phòng bệnh. Ngoài sàn nhà, virus SARS-CoV-2 còn tập trung trên các bề mặt thường xuyên chạm tay như chuột máy tính, thùng rác, thanh chắn giường, tay nắm cửa và trên cả đế giày của các nhân viên y tế.
Ngoài các vật trung gian trên, nhóm nghiên cứu còn xem xét khả năng virus lan truyền trong không khí. Cụ thể, khi các giọt bắn chứa virus quá nhỏ, chúng có thể lơ lửng trong không khí suốt vài giờ, ở khoảng cách lên tới 4m tính từ bệnh nhân.
Tuy nhiên nhóm nghiên cứu cũng thận trọng cho rằng các số lượng nhỏ virus họ tìm thấy ở khoảng cách này không nhất thiết sẽ gây lây nhiễm.
Kết quả thử nghiệm thuốc đặc trị COVID-19 của Mỹ trên 53 người bệnh nặng
Theo Dân Việt, Remdesivir - một loại thuốc đang được sử dụng để điều trị thử nghiệm cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 của công ty dược phẩm Gilead Science Inc (Mỹ), đang cho kết quả rất khả quan.
Báo cáo kết quả điều trị được công bố trên tạp chí y khoa New England cho biết, tình trạng sức khỏe của 2/3 số bệnh nhân nhiễm COVID-19 biểu hiện nặng đã được cải thiện sau khi sử dụng thuốc Remdesivir.
Thử nghiệm thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 tại Mỹ đang cho kết quả khả quan (ảnh: Bloomberg)
Theo tạp chí New England, thuốc Remdesivir được dùng thử nghiệm trên 53 bệnh nhân người Mỹ, châu Âu và Canada, tất cả đều những ca nhiễm COVID-19 có biểu hiện nặng. 30 bệnh nhân trong số này đang phải sử dụng máy thở.
Sau 18 ngày điều trị bằng Remdesivir, tình trạng của 68% số bệnh nhân nói trên đã được cải thiện (36 người). 17 người trong số 30 bệnh nhân đang thở máy đã có thể không cần hỗ trợ máy thở. Gần một nửa số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tham gia nghiên cứu thử nghiệm thuốc Remdesivir đã được xuất viện. Chỉ có 7 bệnh nhân tử vong.