Cập nhật COVID-19 ngày 7/4: Nhà khoa học Mỹ phát triển miếng dán vắc xin ngừa COVID-19

Ngày 07/04/2020 19:20 PM (GMT+7)

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Pittsburgh (Mỹ) đã tuyên bố rằng họ đã phát triển một loại vắc xin ngừa COVID-19 đầy tiềm năng.

Các nhà khoa học Mỹ phát triển miếng dán vắc xin ngừa COVID-19

Nghiên cứu của nhóm khoa học đã được đăng tải trên tạp chí y khoa truy cập mở hàng đầu EbioMedicine. Theo ScienceAlert, nhóm nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh cho biết họ đã phát triển và thử nghiệm thành công loại vắc xin tiềm năng trên chuột. Khi được thử nghiệm trên chuột, loại vắc xin này đã khiến nồng độ kháng thể chống lại SARS-CoV-2 trong cơ thể chúng tăng vọt trong vòng 2 tuần. 

Cập nhật COVID-19 ngày 7/4: Nhà khoa học Mỹ phát triển miếng dán vắc xin ngừa COVID-19 - 1

Ảnh minh họa

Vắc xin này có tên là "PittCoVacc" (Vắc-xin Pittsburgh coravavirus) hoạt động theo cách cơ bản giống như tiêm phòng cúm. Các nhà nghiên cứu sử dụng các protein được nuôi phòng thí nghiệm để kích hoạt hệ thống miễn dịch của con người, giúp nó nhận biết và tiêu diệt virus corona.

Điều đặc biệt của loại vắc xin này là nó được phân phối dưới dạng miếng dán. Các miếng dán vắc xin có khoảng 400 đầu kim siêu nhỏ chứa kháng nguyên, có thể tạo ra đủ kháng thể đặc hiệu với SARS-CoV-2 qua da mà không gây đau.

Các nhà khoa học cho biết họ đã có thể đi nhanh hơn các nhóm nghiên cứu khác vì họ có kinh nghiệm từ việc nghiên cứu các chủng virus corona tương tự gây bệnh SARS và MERS trước đây. Các tác giả hiện đang trong quá trình xin phê duyệt loại vắc-xin mới này từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Và họ dự kiến sẽ tiến đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I trên người trong vài tháng tới.

CDC Mỹ công bố báo cáo về ảnh hưởng của COVID-19 với trẻ em

Theo Foxnews, ngày 6/4 Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ lần đầu tiên công bố báo cáo quốc gia về ảnh hưởng của dịch COVID-19  với trẻ em.

Báo cáo cho biết trẻ em mắc COVID-19 ít có xu hướng mắc bệnh nặng hay phải nhập viện điều trị nhiều như người lớn. Ngoài ra, trẻ mắc COVID-19 thường có những triệu chứng phổ biến là sốt, ho và hơi thở ngắn. 

Các tác giả báo cáo nghiên cứu của CDC cũng nhấn mạnh vì những người không có triệu chứng bệnh, trong đó có trẻ em có thể có vai trò nhất định trong việc làm lây nhiễm virus corona chủng mới. Do đó, việc duy trì giãn cách xã hội và các biện pháp phòng ngừa hằng ngày được khuyến nghị thực hiện ở mọi độ tuổi.

WHO phá giải 4 tin đồn tai hại về COVID-19

Theo Người lao động, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục phá giải  thêm 4 tin đồn tai hại về cách phòng ngừa hay tự đoán bệnh COVID-19.

1. Phơi nắng giúp bạn chống lại COVID-19?

Câu trả lời là không. Bạn vẫn có thể bị nhiễm virus corona mới bất kể thời tiết nắng nóng như thế nào, bằng chứng là nhiều quốc gia nhiệt đới vẫn báo cáo các trường hợp mắc COVID-19. Để bảo vệ bản thân, hãy đảm bảo bạn rửa tay thường xuyên, kỹ lưỡng và tránh chạm vào mắt, mũi, miệng.

Trước đó, một số bằng chứng khoa học cho thấy nhiệt độ cao (trên 25 độ C) và tia UV làm virus corona suy yếu, chết đi nhanh hơn, giảm khả năng lây lan. Tuy nhiên, một số lời đồn đã thổi phồng sự "suy yếu" thành "chết đi" hoặc "không thể lây". Nên hiểu, nắng nóng có thể cho bạn thêm lợi thế nhưng không thể bảo vệ bạn hoàn toàn.

Cập nhật COVID-19 ngày 7/4: Nhà khoa học Mỹ phát triển miếng dán vắc xin ngừa COVID-19 - 2

Phơi nắng không giúp chống lại COVID-19. (Ảnh minh họa)

2. Một số người sẽ mang virus corona suốt đời?

Không. Người nhiễm virus corona mới gây COVID-19 có thể phục hồi và loại bỏ virus khỏi cơ thể, nếu họ được điều trị các triệu chứng, được chăm sóc hỗ trợ đúng cách bởi nhân viên y tế. Nếu bạn bị ho, sốt, khó thở..., hãy đi khám sớm – nhưng hãy gọi điện thoại thông báo với cơ sở y tế bạn định đến trước và làm theo hướng dẫn.

3. Có thể xác định COVID-19 nhờ cách nín thở trong 10 giây?

Trên mạng lan truyền một "bí kíp" mà nhiều người cho rằng có thể dùng để tự kiểm tra mình mắc COVID-19 hay không: tự nín thở trong 10 giây, nếu không ho hay khó chịu tức là "phổi khỏe, không mắc COVID-19 hay bất kỳ bệnh phổi nào khác". Điều đó hoàn toàn sai. Việc tin vào bài tập thở này thậm chí nguy hiểm. Bạn chỉ có thể được xác định mắc COVID-19 hay không thông qua xét nghiệm.

4. Dung dịch chứa cồn giúp rửa tay hiệu quả, vậy dùng... đồ uống có cồn cũng giúp phòng bệnh?

Hoàn toàn sai. Tiêu thụ rượu thường xuyên hoặc quá mức có thể làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe. Trước đó, trong hướng dẫn về quản lý căng thẳng mùa COVID-19, WHO từng cảnh báo rằng rượu và các chất kích thích còn có thể gây hại cho tinh thần trong những ngày bạn bị hạn chế đi lại, nhốt mình trong nhà.

Vắc xin ngừa COVID-19 do Bill Gates tài trợ bắt đầu thử nghiệm trên người

Cập nhật COVID-19 ngày 7/4: Nhà khoa học Mỹ phát triển miếng dán vắc xin ngừa COVID-19 - 3

Các nhà nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Weiner nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19. Ảnh: Wistar Institute

Theo Business Insider, Inovio Pharmaceuticals- một công ty chuyên nghiên cứu về công nghệ sinh học ở Pennsylvania đang lên kế hoạch thử nghiệm vắc xin ngừa virus corona chủng mới trên người trong tuần này. Trước đó, Quỹ Bill và Melinda Gates và các tổ chức phi lợi nhuận khác đã tài trợ vào dự án vắc-xin của Inovio. 

Vắc xin tiềm năng của Inovio được gọi là INO-4800, là vắc xin ngừa COVID-19 tiềm năng thứ hai được phép thử nghiệm ở người tại Mỹ. Hiện, công ty đang tìm 40 tình nguyện viên trưởng thành khỏe mạnh ở Philadelphia, tại trường y của Đại học Pennsylvania và tại thành phố Kansas, Missouri, tại Trung tâm Nghiên cứu Dược phẩm.

Mỗi tình nguyện viên sẽ nhận được 2 liều vắc-xin, cách nhau bốn tuần. Inovio cho biết họ dự kiến ​​sẽ có kết quả vào cuối mùa hè. Nếu những kết quả đó là tích cực, công ty sẽ bắt đầu một nghiên cứu khác tập trung vào việc đánh giá hiệu quả của vắc-xin chống lại virus.

Mất bao lâu vắc-xin ngừa virus corona mới có thể hoàn thành
Các chuyên gia ở Trung Quốc và thế giới đều đang chạy đua để phát triển loại vắc-xin ngừa virus corona mới. Dự đoán sẽ phải mất vài tháng để thử...
Hoàng Dương (Dịch từ BI, ScienceAlert)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cách phòng, chữa COVID-19