Sáng ngày 20/4, theo báo cáo mới nhất của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, trường hợp bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang điều trị tại đây đã dương tính trở lại sau 1 ngày có xét nghiệm âm tính.
Bệnh nhân 91 lại dương tính sau 1 ngày âm tính
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, kết quả xét nghiệm PCR dịch mũi họng ngày 19/4 của bệnh nhân này dương tính yếu trở lại. Trước đó, kết quả xét nghiệm cả dịch mũi họng và dịch rửa phế quản đều cho kết quả âm tính.
BN 91 là trường hợp mắc COVID-19 nặng nhất tại Việt Nam.
Về tình hình sức khỏe, bác sĩ Châu cho biết hiện bệnh nhân 91 vẫn dùng thuốc an thần, sinh hiệu ổn, thở tốt. Bệnh nhân không bị chảy máu thêm, lượng nước tiểu tăng lên 2.000 ml/24 giờ và tiêu chảy 100 ml. Tình trạng rối loạn đông máu đang kiểm soát ổn, trong đó các xét nghiệm đông máu ổn, chỉ còn chỉ số D-Dimer còn cao và Cytokin còn tăng. (D-dimer là xét nghiệm sinh hóa được dùng để chẩn đoán huyết khối trong máu và tình trạng tăng đông máu. Cytokin là chất được cơ thể giải phóng ra khi bị virus tấn công. Khi cơ thể phản ứng quá mức, cơ thể tiết ra nhiều cytokine gây ảnh hưởng các phủ tạng).
Theo nhận định của các chuyên gia, bệnh nhân có thể phải sống bằng ECMO trong thời gian từ vài tuần đến vài tháng để phổi hoạt động trở lại đủ trao đổi khí cho cơ thể.
Bệnh nhân COVID-19 ra viện dương tính lại liệu có khả năng lây cho người khác?
Bệnh nhân 188 là nữ, 44 tuổi, địa chỉ tại Mỹ Lương, Chương Mỹ, Hà Nội, là nhân viên Công ty Trường Sinh cung cấp nước sôi cho Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân 188 ở cùng, tiếp xúc gần với bệnh nhân số 169. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với Sars-CoV-2 lần 1 vào ngày 11/4/2020, lần 2 vào ngày 14/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Sau khi ra viện bệnh nhân được cách ly y tế tại nhà theo quy định, tuy nhiên bất ngờ đau họng và xét nghiệm bệnh nhân dương tính trở lại.
Bệnh nhân số 188 lúc ra viện.
Theo chuyên gia truyền nhiễm Trương Hữu Khanh – Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, bệnh nhân số 188 dương tính lại khác hoàn toàn với bệnh nhân số 22 trước đó. Bệnh nhân số 22 là test khi về nước còn bệnh nhân số 188 xuất hiện đau họng, không ho, sốt nên bắt đầu test lại.
Bác sĩ Khanh cho rằng bệnh nhân 188 này có thể trở thành người lành mang bệnh tức là có virus nhưng lượng virus nhỏ không đủ để gây triệu chứng cũng như lây lan cho cộng đồng.
Với hai bệnh nhân dương tính trở lại, đặc biệt bệnh nhân số 188, bác sĩ Khanh cho biết nên theo dõi F1 của bệnh nhân nếu tất cả F1 đều âm tính thì khả năng lây lan cho cộng đồng thấp, F1 của bệnh nhân 22 sau khi khỏi bệnh đã có kết luận âm tính. Như vậy có thể tạm yên tâm vì khả năng lây nhiễm thấp.
Ngoài ra, bác sĩ Khanh cho biết những bệnh nhân đã được điều trị xong về dương tính trở lại qua báo cáo của các nước chưa có trường hợp nào lây bệnh cho người khác, do virus còn lại ít, suy yếu nên rất khó lây.
(Theo Infornet)
Bệnh nhân 188 có kết quả âm tính sau khi tái dương tính được 3 ngày
Ông Lương Ngọc Khuê, Phó Trưởng tiểu Ban Điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, kết quả xét nghiệm lại của bệnh nhân 188 đã âm tính với virus SARS-CoV-2. Được biết, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp Real- time PRC tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Trước đó ngày 14/4, bệnh nhân 188 có kết quả xét nghiệm âm tính (lần 2) được xuất viện và đưa về gia đình tiếp tục cách ly. Đến sáng 17/4, bệnh nhân có biểu hiện ho khan từng cơn, thân nhiệt đo được 36,8 độ, hơi tức ngực, không chảy nước mũi và được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, mẫu xét nghiệm của bệnh nhân 188 dương tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân đã được chuyến đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) để điều trị và cách ly.
Ngay sau đó, ngành y tế đã khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc gần (F1), cơ quan y tế xác định có 2 trường hợp là chồng và con gái của bệnh nhân. Cả 2 đã được đưa tới cách ly tại Đại học Quốc gia Hà Nội ở Thạch Thất. Số trường hợp tiếp xúc với F1 hay còn gọi là F2 là 12 người, đang được tổ chức cách ly tại gia đình.
Quan chức WHO thừa nhận bất ngờ về vắc-xin COVID-19
David Nabarro, giáo sư sức khỏe toàn cầu tại Đại học Hoàng gia, London đồng thời là một phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về COVID-19 theo đề cử của Chính phủ Anh cho biết, công chúng sẽ phải sống với mối đe dọa của chủng virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp (COVID-19) trong tương lai. Ông cũng nhấn mạnh rằng, công chúng không nên cho rằng vắc-xin ngừa COVID-19 chắc chắn sẽ sớm được phát triển và họ sẽ phải thích nghi với mối đe dọa đang diễn ra.
Các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để chế tạo vắc-xin COVID-19
"Bạn không chắc chắn sẽ phát triển được một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả chống lại mọi loại virus. Một số loại virus rất khó khăn để phát triển vắc-xin - vì vậy trong tương lai gần, chúng ta sẽ phải tìm cách thích nghi với cuộc sống mà virus này là một mối đe dọa thường trực", ông Nabarro nhấn mạnh.
Vị giáo sư người Anh cũng khẳng định tầm quan trọng của việc phải cách ly những người có dấu hiệu của bệnh và cả những người tiếp xúc với họ đồng thời phải thực hiện các biện pháp bảo vệ người già và nâng cao năng lực khám, chữa bệnh của các bệnh viện.
(Theo Dân Việt)