Sau hàng trăm năm, các nhà khoa học cuối cùng đã khám phá ra nguyên do khiến cả một gia tộc hùng mạnh nhất châu Âu bị sụp đổ hoàn toàn. Đó chính là hậu quả của hôn nhân cận huyết.
Những mối quan hệ cận huyết thường gây ra những biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe. Cách đây vài trăm năm, cả một gia tộc Châu Âu có đặc điểm khuôn hàm kì dị là minh chứng cho hậu quả của việc quan hệ cận huyết này.
Hoàng tộc loạn luân hàng trăm năm để duy trì địa vị
Hoàng gia châu Âu xưa vẫn luôn rất xem trọng việc duy trì gia tộc và đảm bảo sao cho toàn bộ thành viên gia tộc đều mang dòng máu thuần quý tộc. Cũng bởi thế mà những mối quan hệ chồng chéo, loạn luận vẫn thường diễn ra.
Họ Habsburg là tên của một hoàng tộc ở châu Âu, được xem là một trong những hoàng tộc có thế lực nhất trong lịch sử châu Âu vào thời kì cận đại. Dòng dõi Habsburg đã cai trị Áo, Bohemia và Hungary trong nhiều thế kỷ. Trong giai đoạn 1438-1806, gần như toàn bộ các hoàng đế La Mã Thần thánh dân tộc Đức đều thuộc về dòng họ Habsburg. Rất nhiều thành viên của gia tộc này đã lần lượt cai trị Bohemia, Anh, Đức, Hungary, Croatia, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và cả các quốc gia nhỏ độc lập tại Hà Lan và Ý.
Hoàng tộc Habsburg có thời gian trị vì rất dài từ năm 1516-1700 (hơn 3 thế kỷ). Để củng cố vị thế của gia tộc tại và ngăn chặn những kẻ ngoại tộc có cơ hội nắm quyền, các thành viên hoàng tộc đã quyết định kết hôn với chính những người trong gia đình.
Charles II (trái) và Philip IV (phải).
Philip Đệ nhất là người sáng lập vương triều Habsburg năm 1516 khi ông kết hôn với con gái của Ferdinand và Elizabeth - những người cai trị Tây Ban Nha đã quy định rằng các thành viên hoàng gia chỉ được kết hôn với người trong họ. Trong số 16 đời vua của vương triều này, 9 vị đã kết hôn với phụ nữ trong dòng tộc - trong đó có hai đám cưới giữa bác và cháu, một hôn lễ giữa anh em họ.
Cái giá của hôn nhân cận huyết và căn bệnh ám ảnh cả gia tộc
Mặc dù những mối quan hệ loạn luận có thể giúp đảm bảo ngai vàng nhưng nó đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn tới sự diệt vong của cả một gia tộc hùng mạnh.
Ngày nay chúng ta đều biết kết hôn cận huyết đã bị cấm vì nó gây ảnh hưởng về mặt xã hội và văn hóa, đặc biệt nó còn gây ảnh hưởng tới sức khỏe có thể tăng tỷ lệ sảy thai, thai chết lưu và tử vong ở trẻ sơ sinh rất cao (chỉ có ½ trẻ em trong gia tộc Habsburg sống đến 10 tuổi trong khi tỷ lệ sống của trẻ em ở các gia đình Tây Ban Nha khác cùng thời kỳ là 80%).
Mariana của Áo (1634-1696) cũng có hàm dưới vẩu tương tự.
Hôn nhân giữa các thành viên trong gia đình cũng làm tăng cơ hội xuất hiện các gen lặn có hại và tiếp tục được truyền lại. Đối với người Habsburg, đặc điểm nổi tiếng nhất được truyền lại là chiếc hàm bạnh xấu xí còn được gọi là hàm Habsburg.
Hàm Habsburg là tình trạng hàm dưới nhô ra quá nhiều so với hàm trên. Đôi khi vấn đề này nghiêm trọng tới mức gây cản trở cho việc nói và khó có thể ăn uống hay ngậm miệng. Tương truyền rằng khi nhà cai trị Habsburg đầu tiên của Tây Ban Nha, Charles V đến Tây Ban Nha vào năm 1516, ông không thể ngậm miệng hoàn toàn do hàm Habsburg của mình. Do đó, hoàng đế đã không thể ăn uống công khai trước bàn dân thiên hạ vì hình thù miệng quá sức quái dị của mình. Các thành viên còn lại trong gia tộc trải qua nhiều thế hệ cũng gần như đều mắc phải chứng hàm Habsburg, bất kể là nam hay nữ.
Vua Charles II của Tây Ban Nha, người cuối cùng của triều đại Habsburg, bị ảnh hưởng nặng nề bởi hôn nhân cận huyết.
Đáng buồn hơn khi chính mối quan hệ loạn luân này đã dẫn tới kết thúc đau buồn của gia tộc. Vua Charles II (con của vua Philip IV - người đã kết hôn với con của chị gái) là người kết thúc sự tồn vong của gia tộc kéo dài 3 thế kỷ. Ông là kết quả của toàn bộ quá trình di truyền có hại suốt hàng trăm năm. Vua Charles II thấp bé, yếu đuối, bất lực, bị thiểu năng trí tuệ, mắc nhiều vấn đề về đường ruột và thậm chí không nói được cho đến khi lên bốn tuổi. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng ông cũng có thể bị vô sinh vì đã không có đứa con nào.
Lời giải đáp cho căn bệnh di truyền xấu xí
Ngày nay, nhờ khoa học hiện đại, các chuyên gia đã quyết định tìm hiểu xem liệu đặc điểm bất thường ở hàm của gia tộc lớn mạnh này có thực sự là kết quả của việc giao phối cận huyết hay không.
Kết quả cuối cùng cũng đã rõ ràng, nghiên cứu mới khẳng định nguyên nhân gây ra "hàm Habsburg" đến từ việc giao phối cận huyết kéo dài suốt hơn 200 năm của gia tộc này.
"Triều đại của nhà Habsburg thực sự gây ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử châu Âu và Thánh chế La Mã nói riêng. Tuy nhiên hôn nhân cận huyết đã dẫn tới sự sụp đổ của cả gia tộc." - chuyên gia di truyền học Roman Vilas từ ĐH Santiago de Compostela (Tây Ban Nha) cho biết. "Việc loạn luân trong gia tộc này đã được bàn luận từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta có bằng chứng về hệ quả của nó đối với chứng hàm Habsburg."
Hôn nhân cận huyết kéo dài hơn 200 năm là nguyên nhân dẫn tới hàm Habsburg.
Để tìm ra đáp án, nhóm nghiên cứu đã nhờ 10 bác sĩ phẫu thuật hàm phân tích 66 bức chân dung của 15 thành viên trong triều đại Habsburg. Mỗi bác sĩ được yêu cầu tìm 11 đặc điểm nhô ra của hàm dưới, cùng 7 đặc điểm thụt vào từ hàm trên. Các chuyên gia đã đưa ra giả thuyết và sau đó đã xác nhận rằng cả hai điều kiện này đều có liên quan, có cùng cơ sở di truyền và đã tạo nên hàm Habsburg.
Các bác sĩ cũng được yêu cầu chấm điểm mức độ của cả hai biến dạng khuôn mặt cho từng thành viên trong gia tộc Habsburg. Họ phát hiện ra chứng hàm Habsburg phía hàm dưới thể hiện rõ ràng nhất ở vua Philip IV - hoàng đế của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong giai đoạn 1621 - 1640. Bên cạnh đó, có 5 thành viên có hàm trên thụt vào cực nặng là Maximilian I, con gái ông là Margaret (Áo), cháu trai là Charles (Tây Ban Nha), chắt của Charles là Philip IV và Charles II. Những người ít bị ảnh hưởng nhất là công nương Mary của xứ Burgundy - người được gả vào gia tộc từ năm 1477.
Công nương Mary của xứ Burgundy - được gả vào gia tộc từ năm 1477 là người ít bị ảnh hưởng nhất.
Ngoài ra, để xác định được mức độ cận huyết của gia tộc, các chuyên gia còn tìm hiểu về gia phả của họ gồm 6000 người qua 20 thế hệ. Và khi so sánh, họ nhận ra mối liên hệ rất lớn giữa hôn nhân cận huyết và mức độ mắc hàm Habsburg.
Tuy nhiên, chỉ 2 trong số 7 đặc điểm từ hàm dưới là có thể đưa ra phân tích. Còn loại gene nào thực sự gây ra chứng bệnh này thì vẫn chưa rõ ràng. Nhà di truyền học Vilas cũng lưu ý nghiên cứu này mới chỉ phân tích một số ít trường hợp, vậy nên không thể loại trừ khả năng mọi thứ đơn giản chỉ là trùng hợp, và gia tộc này quá thiếu may mắn mà thôi.
Gia tộc Habsburg đã nghĩ rằng việc giữ quyền lực bằng hôn nhân cận huyết sẽ giúp họ mạnh mẽ, nhưng cuối cùng lại khiến những thế hệ sau từng ngày trở nên yếu đuối hơn. Habsburg đã mất ngai vàng ở Tây Ban Nha vì chính điều mà họ nghĩ sẽ giúp mình trường tồn.
TS. Dương Bá Trực, Trưởng khoa Huyết học Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Những đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự kết hợp của các gen mang bệnh. Bệnh tan máu bẩm sinh là một ví dụ, trẻ có thể bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong rất cao. Thực tế y học đã chứng minh hôn nhân cận huyết thống là cơ sở cho những gen lặn bệnh lý tương đồng ở những ông bố, bà mẹ kết hợp với nhau và kết quả là dù khoẻ mạnh, họ vẫn có thể sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu (không phân biệt được màu đỏ và màu xanh), bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời... |