Sau ngày 22/4, nhiều tỉnh thành trên cả nước sẽ dừng thực hiện cách ly xã hội như quy định của Chỉ thị 16. Tuy nhiên, ngay cả khi cách ly xã hội kết thúc mọi người vẫn cần tuân thủ nghiêm ngặt những điều dưới đây.
Thời tiết ấm lên và lệnh giãn cách xã hội, phong tỏa ở một số quốc gia đang dần được nới lỏng. Tại Việt Nam, sau cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều ngày 22/4, 28 tỉnh thành thuộc nhóm “nguy cơ cao” và “có nguy cơ” bùng phát dịch COVID-19 như danh sách đưa ra ngày 15/4 sẽ dừng thực hiện cách ly xã hội như quy định của Chỉ thị 16, trừ một số huyện của Hà Nội, Hà Giang và Bắc Ninh.
Trải qua gần 1 tháng tiến hành cách ly toàn xã hội, mọi người không tránh khỏi cảm giác bồn chồn và mong muốn cuộc sống trở lại bình thường. Nhiều người đã sẵn sàng lên kế hoạch đi du lịch, gặp gỡ bạn bè, tổ chức tiệc tùng.
Tuy nhiên, mọi thứ không dễ dàng như vậy. Mặc dù việc nới lỏng giãn cách xã hội đang bắt đầu diễn ra nhưng mức độ nghiêm trọng của tình hình vẫn còn. Bởi số trường hợp được xác nhận và tử vong COVID-19 ở những quốc gia khác vẫn tăng lên và chúng ta vẫn chưa biết rõ về chủng virus mới này.
"Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là chúng ta đã đánh giá sai tình hình và để cảm xúc của chúng ta lấn át khiến chúng ta phải đối mặt với dịch bệnh một lần nữa", Andrew Cuomo - thống đốc bang New York nói trong cuộc họp báo vào ngày 11/4 .
Một điều chắc chắn cuộc sống của bạn sẽ không trở lại hoàn toàn "bình thường" như trước đây sau khi dừng cách ly xã hội. Ở mỗi quốc gia, mỗi địa phương sẽ có những biện pháp khác nhau khi nới lỏng giãn cách, song chắc chắc có 5 điều dưới đây bạn không nên làm:
1. Không tiệc tùng hay đi tới các quán bar đông đúc
Việc thực hiện giãn cách xã hội là để làm chậm sự lây lan của virus, hạn chế sự tiếp xúc giữa người với người. Việc tổ chức một bữa tiệc tại nhà hoặc chen chúc vào quán bar sau khi mở cửa trở lại sẽ tạo điều kiện cho virus corona chủng mới đang ẩn giấu trong cơ thể của một người mắc bệnh không triệu chứng lây nhiễm cho người khác.
"Tôi sẽ chỉ nhắc nhở người dân một lần nữa. Đây là một loại virus rất dễ lây lan", Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên phản ứng với COVID-19 của Nhà Trắng cho biết trong một cuộc họp ngắn ngày 15/4. "Các cuộc tụ họp xã hội luôn là một cơ hội để một người không có triệu chứng có thể vô tình phán tán virus."
2. Đừng ngừng việc rửa tay
Nới lỏng giãn cách xã hội không có nghĩa là dịch COVID-19 không còn khả năng bùng phát nữa. Hãy nhớ rằng tuân thủ việc rửa tay kỹ lưỡng là để tránh khiến cho các bệnh viện bị quá tải bệnh nhân và giảm thiểu rủi ro lây nhiễm bệnh.
Hãy duy trì thói quen rửa tay thường xuyên này sau khi tiếp xúc với người khác và các đồ dùng chung hay bề mặt nơi công cộng.
3. Đừng lập tức tới thăm người khác
Không ít người sau khi nới lỏng giãn cách xã hội sẽ ngay lập tức tới thăm người thân sau thời gian dài không gặp. Tuy nhiên đây không phải là điều tốt với những người lớn tuổi, người ốm đau vì một khi bị nhiễm bệnh, họ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn người khỏe mạnh.
Mặc dù thử nghiệm vắc-xin đang được tiến hành nhưng phải mất ít nhất 1 năm mới được phê duyệt. Điều này không có nghĩa là bạn sẽ không được gặp người thân trong 1 năm nhưng vẫn nên hạn chế. Đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, giữ khoảng cách an toàn với họ là cách tốt nhất để bảo vệ họ.
4. Đừng vội đi du lịch
Không ít người đã sẵn sàng cho những chuyến du lịch khắp nơi khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Nên nhớ rằng việc đi lại giữa các quốc gia thường xuyên là một trong những yếu tố góp phần khiến COVID-19 thành đại dịch khi virus có thể lây từ người bệnh sang người lành khi họ ho, hắt hơi. Nếu dịch lại bùng phát, bạn sẽ có nguy cơ bị cách ly ở một nơi xa lạ và không rõ bao giờ sẽ được về nhà.
Vì lý do đó, dù cho xã hội có giãn cách, các hoạt động kinh tế trở lại, bạn hãy ưu tiên du lịch trong nước hơn là đi nước ngoài. Nhưng tốt nhất vẫn nên hạn chế đi du lịch vào thời điểm này.
5. Đừng vội bỏ khẩu trang
Chúng ta khó có thể tưởng tượng được nếu các ca bệnh COVID-19 đột ngột tăng trở lại thì các biện pháp phòng ngừa sẽ lại tiếp tục diễn ra, như những gì đã xảy ra với Singapore và Hồng Kông,
Vì thế, điều cần làm là giữ tinh thần lạc quan nhưng vẫn phải thận trọng, đừng từ bỏ thói quen đeo khẩu trang ngay cả khi hết giãn cách xã hội.