Từ ca bệnh 161 điều trị ở Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai đã phát hiện thêm 4 ca mắc COVID-19 có liên quan, mới nhất là bệnh nhân 227 (nam giới). Đây được coi là trường hợp F4 bị lây nhiễm bệnh COVID-19 từ "ổ dịch" này.
Bệnh viện Bạch Mai hiện đã ghi nhận 44 ca dương tính với COVID-19, trong đó nhiều nhất tại nhà ăn bệnh viện (nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh). Đáng chú ý, một ca bệnh mắc tại ổ dịch này hiện đã lây ra đến "thế hệ" F4, đây cũng là trường hợp F4 dương tính với COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam.
Bắt đầu từ khoa Thần kinh, nơi ca bệnh 161 là một cụ bà 88 tuổi mắc COVID-19 (được coi là F1 vì không xác định được F0), sau đó bệnh nhân 161 lây cho con gái là bệnh nhân 163 (F2) trong quá trình chăm sóc tại khoa.
Bệnh nhân 163 về nhà và đi làm việc bình thường. Trong quá trình làm việc tiếp tục lây cho đồng nghiệp là bệnh nhân 209 (F3) tại bếp ăn cây xăng, sau đó bệnh nhân 209 lây cho con trai là bệnh nhân 227 (F4).
Ngoài trường hợp F4 đầu tiên tại Việt Nam như đã nói trên, ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai còn có 2 người F3 và 7 người F2 dương tính với COVID -19.
Bệnh viện Bạch Mai hiện là "ổ dịch" có nhiều ca bệnh COVID-19 nhất cả nước - Ảnh: Người Lao Động
Trong đường lây nhiễm của ca F4 đầu tiên tại Việt Nam, ngoài bệnh nhân 161, tất cả các trường hợp khác đang được theo dõi, cách ly và điều trị, tình trạng sức khỏe ổn định. Đối với bệnh nhân 161, ngày 3/4 bệnh nhân đã được chuyển xuống khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) để tiếp tục điều trị do tình trạng có diễn biến xấu.
Hiện bệnh nhân đang được duy trì thuốc an thần, dãn cơ, thở máy. Xét nghiệm SARS-CoV-2 vẫn dương tính. Men gan của bệnh nhân tăng nhẹ, X-quang phổi cho hình ảnh xấu hơn ngày 1/4.
Về vấn đề chỉ đạo phòng chống dịch chung trên toàn quốc, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 3/4, Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Người dân chỉ ra khỏi nhà nếu có việc thực sự cần thiết; luôn đeo khẩu trang, đứng cách nhau tối thiểu 2m…
Bộ Y tế sớm hoàn thành công tác chuẩn bị cho các tình huống phức tạp; đẩy nhanh hơn nữa việc tự chủ sản xuất trang thiết bị phòng hộ. Có chương trình phát triển máy thở ở Việt Nam một cách căn cơ, chặt chẽ, có sự hỗ trợ về cơ chế của Nhà nước. Thủ tướng hoan nghênh các đơn vị có phương án sản xuất máy thở tại Việt Nam.
Trong công tác phòng chống COVID-19, tiếp tục đẩy mạnh phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng để kịp thời khoanh vùng, dập dịch.
Thủ tướng nhắc lại yêu cầu các địa phương, nhất là các thành phố lớn phải tiếp tục bảo đảm dự trữ, cung cấp đủ cơ số hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân; ngăn chặn đầu cơ nâng giá, bảo đảm an ninh trật tự trong mọi tình huống. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo không trung thực.