Nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng khi thấy bản thân có biểu hiện ho, sốt và nghi ngờ mắc COVID-19. Vậy những triệu chứng khi mắc COVID-19 là gì, các chuyên gia của Học viện Quân y sẽ giải đáp trong bài viết sau.
1. Người bị bệnh COVID-19 có biểu hiện gì?
Các triệu chứng lâm sàng ban đầu hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi, đau cơ. Một số trường hợp có thể có đau họng, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Những trường hợp nặng xuất hiện viêm phổi; khó thở do viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); suy chức năng các cơ quan. Các triệu chứng của bệnh xuất hiện sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh từ 02 - 14 ngày.
2. Bị nhiễm COVID-19 nếu không được điều trị có thể dẫn đến những hậu quả gì?
Người nhiễm COVID-19 có thể tiến triển ở nhiều mức độ khác nhau, nhẹ thì có thể tự khỏi, nặng có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển, suy chức năng các cơ quan dẫn tới tử vong. Theo số liệu đã công bố hiện nay, tỷ lệ tử vong khoảng trên 2%. Bệnh diễn biến nặng thường xuất hiện ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.
Một bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị ở Trung Quốc.
3. Tôi đang tự theo dõi vì nghi ngờ mình bị nhiễm COVID-19, khi có dấu hiệu gì thì tôi phải báo ngay cho cơ quan y tế?
Theo quy định hiện nay của Bộ Y tế, người đến, ở và về từ nơi có dịch hoặc tiếp xúc với người nghi bị nhiễm COVID-19 trong vòng 14 ngày phải báo cho cơ quan y tế để được theo dõi và cách ly. Khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở cần đeo khẩu trang thường xuyên và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
4. Có phải cứ ho, sốt là bị bệnh do COVID-19 hay không?
Ho, sốt là biểu hiện của nhiều bệnh lý cấp và mạn tính khác nhau liên quan đến đường hô hấp. Bệnh do COVID-19 là một bệnh viêm đường hô hấp cấp. Có nhiều nguyên nhân có thể gây viêm đường hô hấp cấp tính như các loại vi khuẩn gây bệnh; các loại virus như virus cúm mùa, virus á cúm, virus hô hấp hợp bào… Do đó, không phải cứ có ho, sốt là đều biểu hiện bị bệnh do COVID-19.
Người bệnh bị ho, sốt mà có đến, ở và về từ nơi có dịch hoặc tiếp xúc với người nghi bị nhiễm COVID-19 trong vòng 14 ngày thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và xét nghiệm chẩn đoán bệnh có do COVID-19 hay không.
5. Để khẳng định chắc chắn bị bệnh do COVID-19 thì cần làm những xét nghiệm gì?
Theo quy định hiện nay của Bộ Y tế, xét nghiệm khẳng định chắc chắn bị bệnh do COVID-19 được tiến hành tại các cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép thực hiện và công bố kết quả xét nghiệm. Hiện nay, kỹ thuật xác định COVID-19 gồm kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) và kỹ thuật Real time RT-PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập và bảo quản trong môi trường phù hợp.
6. Nếu chỉ ho, sốt, khó thở nhẹ, tôi có phải đi bệnh viện không?
Nếu bị ho, sốt mà có khó thở dù khó thở nhẹ cũng nên đến cơ sở y tế để được khám và xác định nguyên nhân gây bệnh, vì trong khi chưa được chẩn đoán và điều trị phù hợp, khó thở nhẹ có thể tiến triển thành khó thở nặng.
Theo quy định hiện nay của Bộ Y tế, nếu sốt, ho, khó thở mà trong vòng 14 ngày trước đó, người bệnh có đến, ở và về từ nơi có dịch hoặc tiếp xúc với người nghi bị nhiễm COVID-19 thì ngay lập tức phải đeo khẩu trang, đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Cần gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.
Các nhà trường kiểm tra thân nhiệt cho học sinh. (Ảnh minh họa)
7. Để cho yên tâm, tôi có nên đến thẳng các bệnh viện lớn tuyến trung ương để khám và làm xét nghiệm không?
Nói chung, khi bị mắc bệnh, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, tiên lượng bệnh và điều trị. Nếu cần thiết, người bệnh sẽ được chuyển tuyến trên.
Đối với bệnh do COVID-19, theo quy định của Bộ Y tế và tình hình dịch như hiện nay, người bệnh nghi ngờ mắc viêm đường hô hấp cấp tính do COVID-19 được tiếp nhận và theo dõi cách ly triệt để, điều trị ở bệnh viện tuyến huyện trở lên; khi cần thiết, người bệnh sẽ được chuyển tuyến trên. Do đó, nếu nghi bị mắc bệnh do COVID-19, người bệnh nên đến bệnh viện tuyến huyện trở lên gần nhất, không nhất thiết phải đến thẳng các bệnh viện lớn tuyến trung ương để khám và làm xét nghiệm.
Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn, tùy theo cấp độ dịch, Bộ Y tế và Cục Quân y có thể sẽ đưa ra các quy định khác về phân tuyến, chuyển tuyến cách ly và điều trị người bệnh.
8. Hiện nay đã có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh COVID-19 chưa?
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức y tế khác chưa có khuyến cáo thuốc điều trị đặc hiệu nào cho viêm phổi do COVID-19. Một số thuốc kháng virus đang được nghiên cứu về hiệu quả điều trị và tính an toàn cho bệnh nhân COVID-19.
9. Thông tin về thuốc điều trị HIV chữa được COVID-19 là đúng hay sai?
Hiện nay, các nhà khoa học Trung Quốc và một số nước trên thế giới đang nghiên cứu hiệu quả điều trị và tính an toàn của thuốc điều trị HIV (Antiretroviral: ARV) để điều trị COVID-19. Tuy nhiên, chưa có công bố chính thức về các kết quả nghiên cứu này.
10. Hiện nay các biện pháp chính để điều trị bệnh do COVID-19 là gì?
Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc điều trị hỗ trợ nâng đỡ thể trạng, sức đề kháng và điều trị triệu chứng là chủ yếu. Cần theo dõi và phát hiện sớm, xử trí kịp thời các ca bệnh nặng, nguy kịch như suy hô hấp hoặc suy các tạng khác.
Mời quý độc giả đón đọc Phần 6: Những ai phải cách ly trong đợt dịch COVID-19 và tự cách ly như thế nào? trên chuyên mục Sức khỏe vào lúc 7 giờ sáng ngày 5/4. |