Những người mẹ ấy chỉ cần các con yêu thương, đùm bọc lẫn nhau thì mọi mệt mỏi, khó khăn bỗng tan biến thành động lực cố gắng.
Ca sinh 3 tại Hải Dương
Cuối 2016, chị Biển (32 tuổi, Hải Dương) mang thai và không phát hiện điều gì bất thường. Thai 6 tuần, chị đi siêu âm thì bác sĩ phát hiện song thai. Vì chưa yên tâm nên tuần thứ 9, chị lên Bệnh viện phụ sản TW khám và được kết luận tam thai.
Lúc này, chị được bác sĩ tư vấn về cách chăm sóc cũng như uống thuốc để đảm bảo cho thai phát triển bình thường. Khi thai 28 tuần, chị thấy bào thai có biểu hiện lạ và bắt đầu từ đó nằm điều trị, theo dõi cho đến ngày sinh 4/2/2017 bằng phương pháp mổ.
Lúc chào đời, hai bé lớn là Duy Nam, Duy Hưng được 1,9kg, bé út Duy Thái nặng 1,8kg. Các bé khoẻ mạnh và sau 2 ngày tách mẹ thì cả 3 được về ở chung. Đến 10 ngày, bệnh viện cho 4 mẹ con xuất viện về nhà.
Lúc chào đời, hai bé lớn là Duy Nam, Duy Hưng được 1,9kg, bé út Duy Thái nặng 1,8kg.
Với những gia đình sinh một đứa, họ chỉ cần 1-2 người chăm sóc cho cả mẹ và bé. Còn chị Biển sinh 3 bé cùng lúc đã phải “tổng huy động” hai bên nội – ngoại dồn sức cùng nhau nuôi dưỡng.
“Tôi đã từng rơi vào trạng thái khủng hoảng sau sinh suốt thời gian dài. Đêm nào cũng vậy, các con thay phiên nhau khóc đòi sữa khiến tôi chỉ dám chợp mắt một chút rồi thức dậy trông. Sợ nhất là cảnh một đứa bị bệnh lây sang 2 đứa còn lại", chị nghẹn ngào.
Hiện tại 3 người con của chị được hơn 2 tuổi khỏe mạnh, các bé đều biết đi và việc trông nom vất vả hơn. Bởi nếu còn nhỏ thì còn đặt được một chỗ nhưng khi biết đi, các con của chị hay chạy nhảy mọi chỗ. Đặc biệt, tính cách của mỗi người con đã có sự hình thành riêng và vợ chồng chị cũng đặt tên riêng cho từng cháu.
Chị Biển sinh 3 bé cùng lúc đã phải “tổng huy động” hai bên nội – ngoại dồn sức cùng nhau nuôi dưỡng.
Chia sẻ về việc chăm sóc con khi các bé đã lớn, chị Biển cho biết từ 4h15 sáng đã phải dậy chuẩn bị cơm nước, cháo bột cho gia đình và các con. Khi con dậy, chị đưa từng bé đi vệ sinh cá nhân, thay bỉm rồi cùng chồng đút ăn. Xong xuôi, chị nhờ mẹ chồng coi giúp để đi giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa và đi chợ mua thức ăn.
6h30 sáng, chị chuẩn bị cặp sách đến trường cho kịp giờ lên lớp. Lũ trẻ ở nhà cùng bà nội, ông ngoại và bác giúp việc. Đến trưa chị tranh thủ về cho các con ăn rồi chiều lại đi dạy. Xế chiều, chị tan làm về nhà tắm rửa, cho con ăn uống,… Công việc cứ xoay vòng cho đến đêm.
Con càng lớn, vợ chồng chị Biển chịu gánh nặng kinh tế gấp nhiều. Mọi chi phí từ ăn uống, tã bỉm, quần áo,…lúc nào cũng phải nhân 3 nhân 4. Dù vậy người mẹ ấy chỉ cần các con yêu thương, đùm bóc lẫn nhau thì mọi mệt mỏi, khó khăn bỗng tan biến thành động lực cố gắng.
Ba bé trai còn nguyên bọc ối chui ra từ bụng mẹ
Đầu tháng 9/2016, ba bé trai Rau – Củ - Quả cất tiếng khóc chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Điều đặc biệt, cả 3 ra khỏi bụng mẹ khi vẫn còn nguyên trong bọc ối. Đây là một hiện tượng hiếm gặp và vô cùng “kỳ diệu”.
ThS.BS Nguyễn Trần Chung (Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương) – người trực tiếp mổ đẻ cho ca sinh hy hữu cho biết , sản phụ tên H. mang thai tự nhiên, nhập viện ở tuần thứ 30 do dọa đẻ non.
“Thai phụ được chăm sóc tích cực theo phác đồ điều trị dọa đẻ non hợp lý nên may mắn kéo dài được đến tuần 33. Sang tuần 33 thai phụ chuyển dạ và được các bác sĩ tiến hành mổ đẻ.
Thông thường, túi ối sẽ bị vỡ dưới tác dụng của những cơn co bóp tử cung trong quá trình chuyển dạ của người mẹ hoặc bị vỡ khi có tác động của dao mổ. Đây là lần đầu tiên các bác sĩ chứng kiến ca sinh ba mà cả 3 bé khi lấy ra khỏi bụng mẹ vẫn còn nguyên trong bọc ối”, bác sĩ Chung nói.
Ba bé trai Rau – Củ - Quả cất tiếng khóc chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Chị H. cho biết trước giờ sức khỏe của chị bình thường, không có gì bất thường. Khi siêu âm vào tuần thứ 7, biết tin mang 3 thai, vợ chồng chị và cả gia đình rất đỗi bất ngờ, vui sướng. Trước đó trong gia đình chị H. cũng có người em họ sinh ba.
Được các bác sĩ tư vấn kỹ ở những lần khám thai định kỳ nên khi bắt đầu có cơn co tử cung đầu tiên dọa sinh ở tuần thứ 30, chị H. cùng gia đình đã thuê xe xuống luôn bệnh viện theo dõi chờ sinh.
Có 2 con gái, mẹ trẻ tiếp tục sinh thêm 3 bé trai
Nhớ lại khoảng thời gian năm 2016, khi mang thai lần 3, nằm ngoài kế hoạch, chị Thu Hằng (28 tuổi, Hà Nội) tâm sự: “Sinh xong bé gái thứ 2, vợ chồng tôi cứ nghĩ sẽ nuôi các con lớn khôn, chưa vội nghĩ tới chuyện sinh con thứ 3. Nhưng con cái là lộc trời ban nên dù đã phòng tránh vẫn không tác dụng. Tôi chỉ đoán đậu thai khi thấy cơ thể mệt mỏi.
Lần đầu đi khám, bác sĩ siêu âm ra kết quả thai một, con khỏe mạnh. Bụng lớn hơn, sau kiểm tra ở nhiều bệnh viện thì các bác sĩ đều chung kết luận thai đôi. Tuần thứ 12 siêu âm 4D, tôi cùng lúc nhận hai tin “sét đánh”: mang thai 3 cùng trứng và một bé có khả năng mắc hội chứng Down, chậm phát triển”.
Từ viện về nhà, chị Hằng đấu tranh tâm lý rất nhiều. Chị lo lắng đã có hai con gái, nếu lần này tiếp tục là 3 cô công chúa thì sao, rồi ngộ nhỡ các con dính liền nhau hay bị dị tật… Sau đó được sự động viên của cả gia đình, vợ chồng chị quyết định giữ con.
5 tháng đầu thai kỳ, chị Hằng khổ sở vì ốm nghén, phải vào viện truyền nước và tiêm thuốc chống nghén. Sau đó, chị hầu như không đi lại nhiều, chỉ ở trên phòng. Bố mẹ chồng phải cơm nước tới tận nơi.
Thai 32 tuần, người mẹ trẻ có dấu hiệu dọa đẻ non. Chị phải nhập viện theo dõi để khi nào “giờ đẹp” sẽ phẫu thuật lấy thai. “Nằm bất động khoảng 3 tuần, bác sĩ nói nhà tôi chọn ngày đẻ mổ nhưng bác sĩ siêu âm xong liền quyết định mổ. Ba con chào đời vào thời khắc rất ngẫu nhiên – giờ Thân, ngày Thân, tháng Thân và năm Thân”, chị vui vẻ nói.
Sau tất cả, trời đã không phụ lòng người mẹ 5 con kiên cường ấy, cả 3 bé chào đời đều không bị dị tật như chẩn đoán siêu âm trước đó. Các con chỉ phải nằm trong lồng kính vài ngày rồi về với mẹ.
Cuộc sống nhộn nhịp của chị Hằng khi chăm sóc 3 đứa con trai.
Cuộc sống với 5 đứa con nhỏ khiến chị Hằng “quay như chong chóng” dù có sự giúp đỡ đắc lực của bố mẹ chồng. Hàng ngày, chị dậy từ 6h sáng đưa hai cô con gái đầu đến trường, sau đó về nhà giặt giũ, dọn dẹp và chuẩn bị thức ăn cho 3 con. 8h lũ trẻ thức giấc, chị “trở tay” không kịp khi phải đánh răng rửa mặt, thay đồ lần lượt từng đứa một. Xong xuôi, chị cho các con ăn bữa đầu tiên.
Những lúc ông bà nội trông nom lũ trẻ, chị Hằng lại chạy xuống bếp dọn dẹp hoặc lên tầng thượng thu quần áo của các con. Xế chiều, chị lại tất bật đưa từng bé đi tắm rồi cho uống sữa, sau đó nhờ ông bà giữ hộ để đi đón 2 đứa lớn.
Chị Hằng cho biết, chị sợ nhất thời điểm giao mùa, 3 đứa ho rồi ốm sốt và cùng quấy khóc ăn vạ. Lúc đó, chị không biết xoay kiểu gì bởi chồng công tác xa nhà, còn ông bà nội chỉ hỗ trợ phần nào có thể.
Hiện tại, các con của chị Hằng đã hơn 3 tuổi, khỏe mạnh và lanh lợi. Vì thế chị đã cho con đi lớp để có thời gian làm việc nhà cũng như đi làm kiếm đồng ra đồng vào phụ giúp chồng.