“Chúng giống như trẻ mồ côi. Từ lúc đỏ hỏn đến giờ đều một tay tôi chăm sóc và nuôi nấng", bà thành thật.
Ghé vùng núi xa xôi của Ninh Thuận hỏi thăm gia đình người phụ nữ ngoài 60 tuổi – một mình nuôi 3 cháu nội ai cũng hay biết, thậm chí có thể kể vanh vách về hoàn cảnh đầy cực khổ. Chị Na – một người hàng xóm cho biết: “Xưa 4 bà cháu sống ở dưới làng rồi dịch chuyển lên núi ở để tiện cho công việc mưu sinh hằng ngày.
Bà là người đồng bào, không rõ tên là gì nhưng chỉ thấy người ta gọi là Hai. Còn đám nhỏ được bà đặt tên theo tiếng của người dân tộc, đại loại như Huyết, Quý… Chúng tôi không nghe được cũng chẳng biết viết ra sao, vì thế chỉ gọi là bé trai, bé gái”.
Nói xong, người này dẫn lên căn lều rách nát của 4 bà cháu ở trên núi. Khi ấy 3 đứa trẻ đang tụm đầu vào chiếc túi bóng đựng cơm trắng rồi ăn ngon lành với chút cá hộp. “Đây là cơm của bà nội chuẩn bị cho tụi con ăn trưa. Vì không có bát đũa nên con đổ ra túi bóng, thêm một ít cá đóng hộp mà người ta cho rồi dùng tay bốc ăn.
Lần đầu tiên chúng con được ăn một bữa cơm ngon như thế, có cá và nước mặn. Con ước ngày nào anh em con cũng được ăn ngon, không phải cực khổ”, bé trai tên Bưn cho biết.
Bữa cơm của 3 đứa trẻ mồ côi.
Khi được hỏi “Vậy thường ngày các con ăn cơm với gì?”, cậu bé chạc 7 tuổi không ngần ngại tiết lộ xưa giờ bữa ăn chỉ có cơm trắng và lá đu đủ luộc. 3 anh em cứ ăn hoài ăn miết đến mức chỉ nhìn thấy đã khiếp sợ nhưng vì hoàn cảnh phải ăn để… sống.
“Nếu chúng con không ăn cơm với lá đu đủ thì chỉ có cơm trắng thôi. Con thấy ăn cơm trắng suốt cũng khó nhuốt và không có chất bằng lá đu đủ. Bà bảo nhà con còn gạo để nấu cơm chứ nhiều gia đình không có cơm để ăn. Vì thế chúng con cần phải trân trọng hạt gạo mà người nông dân tạo ra”, bé trai chia sẻ.
Bé trai vừa dứt lời, em út tên Quý bỗng dưng cười: “Con chẳng thích ăn cơm với cá hộp vì không quen. Con vẫn thích ăn với lá đu đủ và thấy ngon”. Lúc này Bưn vội vàng giải thích do em gái chưa bao giờ được ăn ngon nên không biết cảm giác ăn cá sẽ ra sao? Bé thấy cá tanh và mặn, vì thế không thích bằng cơm lá đu đủ như trước.
Nhắc đến chuyện 3 đứa trẻ có được đi học hay không, bé trai lắc đầu: “Bà nội nghèo không có tiền cho chúng con đến trường. Hằng ngày chúng con cứ ở nhà tự chơi với nhau, trưa thì ăn cơm do bà nấu từ sáng sớm. Con ước được đến trường như các bạn dưới làng nhưng không được”.
Sau đó 3 đứa trẻ vượt quãng đời núi dài tìm đến chỗ bà nội đang đi hái đào. Lúc này một người hàng xóm biết tiếng Kinh đã đi cùng để “phiên dịch” giúp chúng tôi. Chị cho biết ngoài thời gian đi lượm phân bò phân dê về bán lấy tiền trang trải cuộc sống của 3 đứa cháu, bà còn vào rừng hái hột đào – một loại quả của người đồng bào ở vùng núi đem về bán.
4 bà cháu nương tựa vào nhau qua quãng ngày khó khăn.
“Bà ấy đi từ sáng sớm đến tận trưa mới về chiếc lán của người con trai để nghỉ. Chắc buổi sáng hái được vài cân hột rồi đem đi bán với giá 20.000 đồng/kg. Bà có tuổi nhưng vẫn phải vất vả để có thể lo cho cuộc sống của lũ trẻ. Chúng tôi thương lắm nhưng nhà ai cũng nghèo, lấy đâu tiền mà giúp đỡ chứ”, người phụ nữ chia sẻ.
Lúc này người phụ nữ ngoài 60 tuổi như hiểu những lời hàng xóm nói liền giải thích cặn kẽ bằng chút vốn tiếng kinh: “Chỗ này được 1 ký hột đào. Tôi bán với giá 20.000 đồng. Tôi phải chắt chiu tiền lo cho 3 đứa trẻ tội nghiệp”.
Bên cạnh công việc hái hột đào, bà dành toàn bộ thời gian đi lượm phân bò phân dê về bán với mức thu nhập 25.000 đồng/ngày. “Ngày mưa không ai mua phân ướt cả, tôi cũng chẳng đi hái hột đào được. Khi ấy 4 bà cháu đành ăn ít đi để dành cho bữa sau nữa”, bà nói.
Về hoàn cảnh của 3 đứa trẻ, bà cho biết các cháu không có cha, mẹ lại đi làm xa nhà – 1 năm về thăm 1 lần. “Chúng giống như trẻ mồ côi. Từ lúc đỏ hỏn đến giờ đều một tay tôi chăm sóc và nuôi nấng. Chúng coi tôi như mẹ và rất sợ phải xa rời tôi”, bà thành thật.
Chia sẻ về ước mong trong tương lai, người phụ nữ đầu 2 thứ tóc cho biết hiện tại bà đang nợ 50 triệu đồng do vay vốn mua lợn bò để chăn. Song do dịch bệnh mà chúng đã chết nhưng số nợ vẫn còn đeo bám suốt những năm qua. “Mỗi tháng tôi đóng lại 140.000 đồng. Tôi làm hoài để trả nợ nhưng vẫn không được. Tôi buồn lắm vì nợ không trả hết thì làm sao lũ trẻ được đến trường”, bà xót xa.