Chiều ngày hôm nay (24/3), Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai xác nhận đã có 4/5 bệnh nhân ngộ độc nấm ở Võ Nhai, Thái Nguyên đã tử vong.
4 bệnh nhân này có 2 bệnh nhân là mẹ con và 2 cháu bé gồm: bà Vũ Thị Hồi (60 tuổi); 2 mẹ con chị Lý Thị Thơm (35 tuổi) và con trai Lý Minh Khôi (13 tuổi), cùng cháu họ chị Thơm là Lý Thị Thùy (14 tuổi).
Bệnh nhân còn lại duy nhất là ông Triệu Nho Phú (57 tuổi) chồng bà Vũ Thị Hồi sức khỏe có tiến triển hơn, đã tỉnh táo. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết ông Phú vẫn bị nhiễm độc gan.
Được biết, trước đó ngày 8/3, chị Thơm cùng con trai là cháu Khôi và người cháu cháu bên chồng tên Thùy lên rừng hái nấm. Buổi trưa hôm đó, sau khi hái được 1,5kg nấm tán trắng, 3 người trong gia đình chị Thơm có ghé qua nhà của vợ chồng ông Phú và Hồi – vốn sinh sống trong rừng nhờ nấu cơm ăn trưa. Sau khi nấu xong nồi canh nấm trắng vừa hái được, cả 5 người cùng ăn.
Đến ngày hôm sau, chị Thơm cùng con trai và cháu đều bị nôn thốc nôn tháo và tiêu chảy nặng như đi tả. Người thân vội vàng đưa 3 người đến bệnh viện huyện Võ Nhai cấp cứu.
Khi các bác sĩ và nhân viên y tế của huyện Võ Nhai tìm đến nhà ông Phú – bà Hồi trong rừng thì thấy cả hai vợ chồng ông bà gần như lịm hết đi, kiệt sức vì nôn và tiêu chảy quá nhiều.
Ngay lập tức 5 người được chuyển xuống BV Đa khoa tỉnh Thái Nguyên, sau đó chuyển tiếp xuống Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai trong đêm ngày 9/3 do tình trạng ngộ độc quá nặng.
Dù đã chuyển xuống tuyến bệnh viện cao nhất nhưng do tình trạng ngộ độc quá nặng, đến nay đã có 4/5 nạn nhân ngộ độc nấm bị tử vong.
Cháu Khôi là 1 trong 4 người đã không may bị tử vong vì ngộ độc nấm (Ảnh MH)
Đáng lo ngại hơn, ngay sau chùm ca bệnh trên, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, Hà Nội còn tiếp nhận thêm 2 vụ ngộc nấm tập thể khiến 9 người phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch (một vụ xảy ra tiếp ở Võ Nhai, Thái Nguyên khiến 5 người ngộ độc; vụ xảy ra ở Tuyên Quang khiến 4 người ngộ độc).
Các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc cho biết, những bệnh nhân còn lại tình trạng sức khỏe vẫn hết sức nguy kịch, đều bị hôn mê gan, suy gan nặng.
Theo PGS.TS Duệ cảnh báo, ngộ độc nấm để càng lâu càng khó cứu. “Đối với nấm tán trắng nói riêng và nấm độc nói chung, càng đến cấp cứu sớm càng tốt. Qua theo dõi 90-100% bệnh nhân ăn nấm độc đều tử vong nếu không được cấp cứu, 80% bệnh nhân tử vong nếu đến cấp cứu muộn. Hiện trung tâm đã dùng các loại thuốc tốt, máy móc hiện đại chữa trị cho các nạn nhân ngộ độc. Chỉ tính riêng gia đình đầu tiên tại Thái Nguyên chi phí điều trị đã là 1,6 tỷ đồng trong đó BHYT chi trả 90% nhưng cũng không biết có qua cơn nguy kịch không.
Cho đến thời điểm này, thuốc điều trị đặc hiệu ngộ độc nấm hiện vẫn còn khá hiếm ở VN, vì thế than hoạt được coi là cứu cánh vô cũng hữu hiệu. Theo GS Duệ, than hoạt là thuốc tẩy đa năng có thể hấp thụ hầu hết các độc chất (vô cơ, hữu cơ). Vì thế, nếu uống ngay từ khi phát hiện ngộ độc thì cơ hội sống khá lớn. Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên dự trữ sẵn ở nhà để có thể sử dụng cho tất cả các loại ngộ độc. Liều lượng dùng là 2g/15kg x 2 lần uống/ngày.
Trước tình trạng có quá nhiều ca ngộ độc nấm nặng, GS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó giám đốc BV Bạch Mai khuyến cáo, nếu phát hiện ăn nhầm phải nấm độc, người dân cần phải làm ngay các biện pháp: cách đơn giản nhất là móc họng nôn hết ra, uống nước vào và tiếp tục móc cho nôn hết. Nếu có than hoạt nên uống ngày với liều 2gam/15kg cân nặng. Nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu càng sớm càng tốt.