Có chú rùa nổi tiếng vì sống lâu, có con nổi tiếng vì được chụp hình nhiều nhất, hay vinh dự là “bố” của nhiều rùa con nhất...
Trên thế giới có những giống rùa thậm chí còn to lớn hơn rùa Hồ Gươm, và nổi tiếng không chỉ vì sự quý hiếm của chúng. Dưới đây là 4 đại diện tiêu biểu.
1. Rùa “George cô đơn”
Ảnh chụp rùa "George cô đơn" năm 2001
Chú rùa “George cô đơn” là cá thể rùa cuối cùng trên quần đảo Galapagos (Ecuador), qua đời năm 2012. Đây là một chú rùa mang tính biểu tượng của loài La Pinta và cũng là một hình tượng bảo tồn thiên nhiên quan trọng trên quần đảo Galapagos. Nhiều nhà khoa học tin rằng chú rùa này hơn 100 tuổi. Rùa La Pinta có thể nặng tới hơn 100kg.
“George cô đơn” được phát hiện trên quần đảo Galapagos năm 1972. Nơi đây là danh thắng thu hút hơn 180.000 khách du lịch mỗi năm. Các nhà khoa học cân được rùa “George cô đơn” nặng khoảng 90kg.
“George cô đơn” là thành viên cuối cùng của giống rùa khổng lồ từ La Pinta, một hòn đảo nhỏ trong quần đảo Galapagos. Kiểm lâm viên Edwin Naula thông tin với Reuters rằng “George cô đơn” được tìm thấy bất động trong rừng vào một buổi sáng năm 2012.
Các giống rùa ở quần đảo Galapagos có thể sống tới 200 năm, là một trong những sinh vật quan trọng giúp nhà bác học Charles Darwin củng cố thuyết tiến hóa nổi tiếng trong thế kỷ 19.
2. Rùa “Pepe nhà truyền giáo”
Một chú rùa khác nổi tiếng không kém là “Pepe nhà truyền giáo” qua đời ở tuổi 60 năm 2014. Chú rùa này sống cùng những nhà truyền giáo trên hòn quần đảo Galapagos nổi tiếng. Rùa “Pepe nhà truyền giáo” thuộc loài Chelonoidis becki, là phân nhánh lớn nhất trong 11 giống rùa ở đảo Galapagos. Cân nặng tối đa của chúng lên tới 400kg.
Trong thời gian còn sống, “Pepe nhà truyền giáo” được coi là linh vật ban phước và là một nguồn thu hút khách du lịch tới thăm đảo. Nhiều người ghé thăm “Pepe nhà truyền giáo” chỉ để chụp một tấm ảnh cùng chú rùa nổi tiếng này.
Giám đốc vườn quốc gia Galapagos Victor Carrion thông báo rằng chú rùa “Pepe nhà truyền giáo” đã chết vì lí do tuổi tác. “Pepe nhà truyền giáo” được một gia đình từ đảo San Cristobal nuôi từ những năm 1940 trước khi được tặng cho các nhà truyền giáo năm 1967.
3. Rùa “Super Diego”
“George cô đơn” nổi tiếng nhất thế giới vì là cá thể duy nhất trên đảo đảo La Pinta và không thể sinh nở thế hệ rùa con cháu.
Ngược lại, chú rùa “Super Diego” nổi tiếng vì cần mẫn cứu vớt giống nòi khỏi sự tuyệt diệt. “Super Diego” là một chú rùa khổng lồ dòng Espanola, đã sinh ra hàng trăm chú rùa con và đóng vai trò quan trọng duy trì nòi giống loài rùa khổng lồ trên đảo Galapagos. Rùa Espanola cân nặng có thể lên tới 250kg.
Rùa “Super Diego” được nuôi ở vườn thú San Diego (Mỹ) từ những năm 1900 đến 1930. Năm 1960, các nhà khoa học rất sửng sốt khi phát hiện ra số lượng loài Epanola cùng loại với "Super Diego" chỉ còn tính trên đầu ngón tay. Nguyên nhân là sự tàn phá của chuột, lợn, dê con người mang lên đảo Galapagos.
"Super Diego" sau đó được mang tới Trung tâm nghiên cứu Charles Darwin tại Santa Cruz (Ecuador) và cho sinh nở ở đây. Theo các nhà khoa học, “Super Diego” là chú rùa lớn nhất, già nhất và khỏe nhất trong số những con rùa nuôi nhốt. “Super Diego” cũng lập kỉ lục là “cha của nhiều rùa con nhất”. Ước tính có khoảng 800 rùa con ra đời do “Super Diego” thụ tinh.
4. Rùa Jonathan
Rùa Jonathan chụp trong chiến tranh Boer khoảng năm 1900.
Rùa Jonathan được coi là sinh vật bò sát sống thọ nhất tính đến thời điểm hiện tại. Jonathan, con rùa cuối cùng sống sót trong số ba con rùa trên đảo St Helena từ năm 1882. Vào thời điểm đó, Jonathan ít nhất 50 tuổi, do đó, tuổi hiện giờ của Jonathan khoảng 183.
Trong một bức ảnh chiến tranh Boer, chú rùa đứng cạnh một tù nhân chụp năm 1900. Tháng 12.2008, báo Daily Mail đăng tải câu chuyện về rùa Jonathan và khẳng định đây là con rùa sống thọ nhất thế giới hiện nay.
Rùa Jonathan thuộc loài Seychelles, một trong những giống rùa cạn trọng lượng lớn nhất thế giới. Cân nặng của loài Seychelles có thể lên tới 250kg.
Hiện nay rùa Jonathan vẫn khỏe mạnh và đang được chăm sóc tốt.
Kỉ lục thế giới dành cho chú rùa sống thọ nhất toàn cầu được sách kỉ lục Guiness ghi nhận là Tui Malila. Chú rùa này sống ở Tonga (một đảo quốc ở Châu Đại Dương) và chết năm 1965, thọ 189 tuổi. Ngoài ra, một chú rùa khác dòng Aldabra khổng lồ chết năm 2006 tại vườn thú Alipore tại thành phố Kolkata, Ấn Độ được cho là sống thọ 225 tuổi. Tuy nhiên thông tin này chưa được kiểm chứng.
Tháng 12.2015, rùa Jonathan được các nhà khoa học thông báo là vẫn “khỏe mạnh”. Jonathan bị mù do bệnh đục thủy tinh tế, khứu giác đã mất, không thể tự tìm thức ăn nhưng thính giác vẫn rất tốt.