Các gia đình gặp nhau tại một bữa tiệc nướng và vô cùng bất ngờ, khó hiểu khi thấy những đứa con của mình trông na ná nhau, như thể anh em ruột.
Một nhóm người ở Úc đã vô tình phát hiện ra rằng những đứa con chào đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) của mình trông rất giống nhau, cứ như anh em một nhà. Sau khi điều tra, họ đã phát hiện ra sự thật gây sốc, đó là những đứa trẻ này đều cùng một bố.
Theo đó, một cộng đồng người LGBT (những người đồng tính, song tính, chuyển giới) ở Úc đã cùng gặp nhau tại một bữa tiệc nướng. Đây đều là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt do xu hướng giới tính của họ, vì vậy họ chỉ có thể sinh con bằng cách đi xin tinh trùng hiến tặng để thụ tinh trong ống nghiệm, từ đó giúp đứa trẻ chào đời. Thông thường với phương pháp này, tinh trùng sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên trong hệ thống cơ sở và người hiến tinh trùng được giữ kín danh tính.
Chẳng thể ngờ, khi những gia đình này gặp nhau tại bữa tiệc, họ đã phát hiện ra một điều đáng kinh ngạc, đó là hơn 60 đứa trẻ chào đời bằng phương pháp trên có ngoại hình na ná nhau, dù có thể khác độ tuổi. Cuối cùng, sau khi điều tra, họ phát hiện ra rằng có một người đàn ông đã sử dụng tên giả để đi hiến tinh trùng.
Ảnh minh họa
Người đàn ông, chưa được tiết lộ danh tính công khai, đã sử dụng 4 cái tên giả khác nhau để đi hiến tinh trùng cho những cặp đôi LGBT. Vì tưởng đây là 4 người đàn ông khác nhau, người ta đã nhận tinh trùng để thụ tinh nhân tạo mà không thể ngờ rằng đó chỉ là một người. Kết quả, hơn 60 đứa trẻ có chung một người bố về mặt sinh học.
Bố mẹ của hơn 60 đứa trẻ này đã vô cùng sốc và bàng hoàng khi phát hiện ra sự thật này. Trong số đó, có một vài người đã gặp người đàn ông hiến tinh trùng thông qua các kênh không chính thức. Họ cũng đã gọi điện tới các cơ sở thụ tinh nhân tạo ở địa phương để xác nhận xem có đúng là người đàn ông đó đã tới hiến tinh trùng hay không.
Bác sĩ Anne Clark của phòng khám IVF Fertility First cho biết: "Lý do anh ta bị phát hiện là vì anh ta không hoàn toàn là người da trắng". Bác sĩ Anne nói thêm rằng ông cũng từng đi hiến tinh trùng nhưng họ chỉ sử dụng tinh trùng của ông một lần mà thôi. Tuy nhiên, người đàn ông trên có thể đã hiến tinh trùng thông qua nhiều phương thức khác nhau, trong đó có những phương thức không chính thức và không được kiểm soát, chẳng hạn như các nhóm trên Facebook.
Bác sĩ Anne cho biết ông đã báo cáo trường hợp của người đàn ông trên với chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì mới.
Bác sĩ Anne tiếp tục nói rằng hành vi của người đàn ông này là phạm tội. Ngoài ra, anh ta còn nhận quà vào ngày lễ của các cặp đôi nhận tinh trùng. Tại Úc, việc trả tiền hoặc tặng quà cho người hiến tặng bị coi là bất hợp pháp, nặng nhất có thể bị phạt tù 15 năm.
Bất chấp tất cả những điều này, các khoản quyên góp không chính thức vẫn đang bùng nổ nhờ các diễn đàn trực tuyến mọc lên nhằm kết nối các bậc cha mẹ khó khăn trong việc có con với những người sẵn sàng hiến tặng tinh trùng.
Aimee Shackleton, giám đốc quốc gia của tổ chức hiến tặng tinh trùng Donor Conceived Australia cho biết, có rất ít sự quan tâm đến những ảnh hưởng mà một đứa trẻ phải chịu đựng với những quyết định như vậy. Khi đứa trẻ lớn lên, chúng có thể muốn biết bố mẹ ruột của mình là ai, muốn kết nối với những anh chị em khác để rồi phát hiện ra mình có quan hệ huyết thống với hàng chục người.