Vụ mất tích của chiếc Boeing 777-200 chưa từng xảy ra trong lịch sử hàng không thế giới và có quá nhiều chi tiết bí ẩn cần được giải đáp.
Kinh nghiệm bay và nhân thân của các phi công
Cơ trưởng chuyến bay là Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi có kinh nghiệm 18.365 giờ bay. Ông bắt đầu làm việc cho Malaysia Airlines (MAS) từ năm 1981. Tuy nhiên, đối với một phi công lái Boeing 777, kinh nghiệm 18.000 giờ bay chưa phải vô cùng xuất sắc.
Cơ phó Hamid (trái) và cơ trưởng Shah. Ảnh: CNN.
Truyền thông địa phương cho biết, ông Shah tự lập hệ thống mô phỏng khoang lái chiếc Boeing 777 bên trong phòng khách gia đình. Nó cho phép người dùng trải nghiệm nhiều tình huống bay khác nhau. Mô hình này là mong ước của những người đam mê máy bay và nó cũng khá phổ biến trên khắp thế giới. Tuy nhiên, các phi công khẳng định, mô hình này không thể mang lại kinh nghiệm cho người sử dụng.
Người đồng hành cùng cơ trưởng Shah là cơ phó Fariq Ab Hamid, 27 tuổi, làm việc cho MAS từ năm 2007. Hamid có 2.763 giờ bay và từng trải qua khóa huấn luyện với mô hình mô phỏng buồng lái Boeing 777-200ER.
Số giờ bay kinh nghiệm của Hamid quá ít nếu so sánh với tiêu chuẩn phi công Boeing 777 của Mỹ. Tuy nhiên, một số hãng hàng không sử dụng phi công trẻ nhưng đào tạo họ rất chuyên sâu và bài bản. Hamid sống cùng cha mẹ và các anh chị em. Nguồn tin thân cận tiết lộ, cảnh sát kiểm tra cả hai căn nhà của cơ trưởng Shah và cơ phó Hamid hôm 15/3.
Chuyện gì xảy ra với hệ thống liên lạc của máy bay?
Ngoài hệ thống thông tin liên lạc qua sóng radio, MH370 còn sở hữu radar định vị Transponder và ACARS.
Đầu mối quan trọng nhất trong vụ máy bay mất tích đến từ hệ thống thông tin dữ liệu tự động (ACARS), được Boeing và Rolls Royce trang bị cho dòng máy bay Boeing 777 và các động cơ.
Tín hiệu cuối cùng từ hệ thống liên lạc thông qua radio là câu nói “Được rồi, chúc ngủ ngon” của cơ trưởng Shah. Tuy nhiên, Transponder, radar giúp xác định số hiệu chuyến bay, vị trí máy bay cùng độ cao hành trình bị tắt từ trước đó. ACARS là hệ thống duy nhất còn hoạt động sau khi máy bay biến mất trên màn hình radar.
Theo giới chức Malaysia, vệ tinh tiếp tục nhận tiếng “ping” từ ACARS của chiếc Boeing 777 khoảng 4–5 giờ sau khi nó biến mất. Tín hiệu này phát đi một lần/giờ, cho thấy MH370 vẫn còn hoạt động.
Chiếc Boeing 777 ở đâu?
Những bằng chứng mới nhất cho thấy chiếc Boeing 777 tiếp tục hoạt động sau khi mất liên lạc với kiểm soát không lưu. Nó khiến giới chức Malaysia phải mở rộng phạm vi tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích tới Ấn Độ Dương và vào sâu trong đất liền. Trọng tâm tìm kiếm hiện nay trải dài từ biên giới Kazakhstan và Turkmenistan tới miền bắc Thái Lan.
Hai hành lang bay hình vòng cung nơi MH370 có thể tới sau khi mất tích. Đồ họa:Hồng Duy.
Dựa vào các dữ liệu, giới chức Malaysia cung cấp hai hành lang bay hình vòng cung, nơi MH370 có thể tới sau khi mất tích. Vòng cung phía bắc bao gồm khu vực Ấn Độ, Pakistan và Mỹ duy trì an ninh mức độ cao. Tuy nhiên, radar không phát hiện dấu vết máy bay lạ nên các quan chức nghi ngờ nó rơi ở vùng biển phía nam Ấn Độ, ngoài vùng rà soát của radar. Vòng cung phía nam tiến gần các nước châu đại dương nhưng Thủ tướng Australia Tony Abbott khẳng định, radar nước này không phát hiện dấu hiệu máy bay ở khu vực này trong ngày 8/3.
Phi công có khả năng bay dưới tầm radar?
Về mặt lý thuyết, các phi công hoàn toàn có thể bay dưới tầm rà soát của radar. Hệ thống radar thường bao quát bầu trời từ một độ cao nhất định nên các phi công có thể lợi dụng yếu điểm này để tránh bị hệ thống phòng không của đối phương phát hiện.
Tuy nhiên, chuyên gia tư vấn hàng không Keith Wolzinger của Mỹ cho biết, chỉ những người được đào tạo bài bản trong quân ngũ cùng phi cơ quân sự được trang bị radar địa hình cùng hệ thống tránh chướng ngại tự động và các tính năng chiến đấu khác mới có thể thực hiện thao tác khó này trong thời gian dài.
Ông Wolzinger, phi công từng lái Boeing 777, cho biết: “Phi công dân sự không được đào tạo để điều khiển máy bay tránh radar. Chúng tôi muốn mình xuất hiện trên radar. Trong khi đó, hãng Boeing sẽ không trang bị radar địa hình cho những chiếc máy bay dân sự, trong đó có Boeing 777”. Ngoài ra, phi công lái Boeing 777 hoàn toàn không biết khi nào mình lọt vào tầm rà soát của radar nên nỗ lực tránh gần như vô dụng.
Máy bay hạ cánh xuống một nơi nào đó?
Theo tờ Nhật báo Phố Wall, giới chức Mỹ đang xem xét khả năng chiếc Boeing 777 hạ cánh xuống một nơi nào đó để phục vụ mục đích riêng của những kẻ cướp máy bay. Theo suy đoán này, chiếc Boeing 777 cùng 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã đáp xuống đường băng bí mật hoặc một khu vực bằng phẳng chưa xác định.
Nỗ lực tìm kiếm chiếc Boeing 777 mất tích. Ảnh: Getty.
Tuy nhiên, giả thiết này rất khó thuyết phục bởi Boeing 777 là máy bay chở khách cực lớn. Nó đòi hỏi đường băng hạ cánh dài tối thiểu 1,6 km. Chính vì lẽ đó, MH370 sẽ không thể hạ cánh xuống một hòn đảo hoặc khu vực nào đó mà không ai hay biết.
Chiếc máy bay bị không tặc khống chế?
Cả Malaysia, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) hay Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đều không thể khẳng định chiếc máy bay lọt vào tay không tặc. Tuy nhiên, người ta không loại trừ giả thuyết này, nhất là trong bối cảnh các bằng chứng cho thấy MH370 vẫn hoạt động sau khi biến mất khỏi màn hình radar.
Ngay sau khi phát hiện hai trường hợp sử dụng hộ chiếu giả trên chuyến bay MH370, các nhà điều tra đã làm sáng tỏ nhân thân các nghi phạm. Theo đó, họ là Pouri Nourmohammadi, 18 tuổi, và Delavar Seyed Mohammad Reza, 29 tuổi người Iran. Người ta không phát hiện bất kể bằng chứng nào cho thấy họ liên quan tới chủ nghĩa khủng bố.
Chính phủ Malaysia đang dồn trọng tâm điều tra nhân thân hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay MH370. Giới chức Malaysia cũng để ngỏ mọi khả năng có thể xảy ra với chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines.
Động cơ gặp sự cố?
Người ta phần nào loại trừ giả thuyết này sau tuyên bố của Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng “dường như ai đó trên máy bay can thiệp vào lịch trình của MH370”. Nỗ lực tìm kiếm quốc tế cũng không thể phát hiện mảnh vỡ của chiếc máy bay.
Chiếc Airbus A320-214 hạ cánh trên sông Huston, Mỹ. Ảnh: CNN.
Tuy nhiên, khả năng động cơ gặp sự cố nhưng phi hành đoàn vẫn kịp đáp máy bay xuống nước vẫn còn bỏ ngỏ. Trong trường hợp này, máy bay sẽ chìm xuống nước nhưng phi hành đoàn vẫn có thời gian để sơ tán khẩn cấp. Trong vụ tai nạn Boeing 777 ở San Francisco, Mỹ, phi hành đoàn mất 90 giây để đưa toàn bộ hành khách thoát khỏi chiếc phi cơ gặp nạn.
Trong sự cố chấn động lịch sử hàng không trên sông Huston, Mỹ, phi công đã đáp chiếc Airbus A320-214 hỏng cả hai động cơ xuống nước. Chiếc máy bay không chìm dù các cửa đã mở và hành khách đứng trên hai cánh. Hiện tại, người ta không thể xác định thời gian một chiếc Boeing 777 nổi trên nước nhưng nếu nó hạ cánh nhẹ nhàng, chiếc máy bay sẽ không thể chìm ngay và để lại nhiều dấu vết.