Vừa tạm thoát án tử chưa lâu, Hảo lại phải nhận mức án tử hình.
Thổi giá từ 100 triệu lên 130 tỉ
Vũ Quốc Hảo (59 tuổi) nguyên Giám đốc ALC II. Năm 2003, Hảo chỉ đạo thành lập công ty sân sau mang tên Cát Long Hải. Hảo phân công cho Phạm Minh Tuấn (56 tuổi) làm Chủ tịch hội đồng quản trị và Vũ Đức Hòa (em họ Hảo) làm giám đốc công ty. Vốn điều lệ của công ty là 16 tỉ đồng, nhưng thực chất, toàn bộ số tiền này đều do Hảo đi vay mượn của các cá nhân, đơn vị có quan vệ với mình.
Trong quá trình làm ăn, Hảo quen với một người đàn ông Nhật Bản tên là Kochi. Hảo biết Kochi có tàu lặn Tinro 2, sản xuất 1975 đang khai thác tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hảo nảy sinh ý định sử dụng tàu này làm tài sản bảo đảm để ký kết hợp đồng cho thuê tài chính với công ty ALC II, nơi mình đang giữ chức vụ giám đốc. Để thực hiện ý định này, Hảo thỏa thuận với Kochi đưa tàu lặn trên làm tài sản góp vốn với công ty Cát Long Hải.
Các bị cáo đứng nghe tuyên án
Kochi cho Hảo biết tàu Tinro 2 không có hồ sơ pháp lý. Tuy nhiên, Hảo cho biết sẽ nghĩ ra cách hợp thức hóa con tàu này cho công ty Cát Long Hải. Hảo chi tiền thuê tàu Hải Dương 9 chở tàu Tinro 2 ra tận địa phận cảng Của Cấm (Hải Phòng) để cố ý tạo tình huống bị bắt giữ.
Ngày 8/6/2007, Cục hải quan Hải phòng kiểm tra tàu Tinro 2. Đúng như dự tính của Hảo, do tàu không có giấy tờ nên bị bắt giữ. Sau đó, tàu được Sở Tài chính Hải Phòng xử lý bán thanh lý tang vật theo qui định, không qua bán đấu giá. Lúc này, Tuấn làm thủ tục xin mua tàu Tinro 2 với giá 100 triệu đồng.
Hảo thông đồng với Hoàng Lộc (49 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam) và Lê Phúc Đức (Giám định viên) để “thổi” giá trị tàu Tinro từ 100 triệu thành 130 tỉ đồng.
Đến tháng 12/2007, Hảo tổ chức họp với các lãnh đạo cấp dưới của ALC II để thông qua phương án mua thiết bị lặn của Cát Long Hải rồi làm hợp đồng cho chính công ty này thuê lại. Mặc dù biết việc giá thực tế chiếc tàu lặn chỉ có 100 triệu đồng, song những người này đều đồng ý và hoàn tất thủ tục phê duyệt việc thực hiện hợp đồng.
Sau khi giải ngân số tiền 130 tỷ, Hảo chỉ đạo mua lại hơn 86.000 m2 đất thuộc trạm dừng chân miền Tây tại Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) với giá gần 79 tỷ đồng. Số còn lại dùng để chi sửa chữa, bảo hiểm cho thiết bị, trả nợ hợp đồng thuê tài chính của Cát Long Hải với ALC II… Thiệt hại mà ông Hảo và đồng phạm gây ra trong vụ án này được xác định là hơn 82 tỷ đồng.
Bản án thích đáng
Sau nhiều lần trao trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 16/9/2014, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án tham nhũng xảy ra tại công ty cho thuê tài chính ALC II. Trong tất cả những ngày xét xử, các bị cáo đều cho rằng mình không phạm tội Tham ô tài sản. Riêng Hảo cho rằng, số tiền mình bị quy kết chiếm đoạt là không chính xác. Bởi, số tiền này chưa bị rời khỏi tài khoản của công ty ALC II. Trong tất cả những lời khai của mình trước tòa, Hảo đều kêu oan và mong được xem xét lại tội danh.
Trong khi đó, tất cả các luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng đồng loạt cho rằng, trong vụ án này xác định tội danh Tham ô tài sản là chưa chính xác. Các luật sư đề nghị chuyển đổi tội danh khác.
Tuy nhiên, phía viện kiểm sát cho rằng, những lời khai, lời bào chữa của các bị cáo, luật sư trong phiên tòa là không chính xác. Bởi, trước đó, khi vụ án mới bị phát hiện, tất cả các bị cáo đều thừa nhận hành vi đã gây ra. Sở dĩ, sau đó, các bị cáo thay đổi lời khai là bởi họ nhận định mình không phạm tội tham ô chứ không có bất kì bằng chứng, chứng cứ nào thể hiện được điều này.
Hảo được viện giải sau phiên tòa
Chiều 26/9/2014, sau một tuần nghị án, HĐXX quyết định tuyên án. HĐXX nhận định, hành vi các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Chính hành vi này đã làm xói mòn lòng tin chế độ. Các bị cáo phạm tội có tổ chức, chuẩn bị từ trước, có cấu kết. Mặc dù các bị cáo không nhận tội nhưng từ hồ sơ, chứng từ, lời khai ban đầu… vẫn có thể xác định các bị cáo đồng loạt phạm tội Tham ô tài sản.
Cuối cùng, Tòa quyết định tuyên phạt ba án tử hình đối với Vũ Quốc Hảo (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc ALCII), Phạm Minh Tuấn (56 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cát Long Hải), Hoàng Lộc (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần thẩm định giá Việt Nam - Vivaco).
Tòa cũng tuyên án chung thân đối với bốn bị cáo Vũ Đức Hòa (35 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty Cát Long Hải), Lê Thị Minh Huệ (45 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cát Long Hải, em dâu của Hảo), Lê Phúc Đức (nguyên trưởng phòng thẩm định Công ty Vivaco), Nguyễn Văn Tài (nguyên Phó tổng giám đốc ALCII).
Bốn bị cáo khác nguyên là cán bộ của ALCII, Phạm Xuân Nghị (52 tuổi, nguyên Trưởng Phòng cho thuê), Nguyễn Văn Thọ (34 tuổi, nguyên Phó Trưởng Phòng cho thuê), Đinh Nguyên Tý (52 tuổi, nguyên Phó Trưởng Phòng cho thuê), Phùng Văn Đồng (42 tuổi, nguyên Phó Trưởng phòng kinh doanh 1) cũng nhận mức án từ 15 đến 20 năm tù giam. Tất cả các bị cáo cùng phạm tội Tham ô tài sản.
Liên quan đến sai phạm tại ALC II, cuối năm 2013, Hảo từng bị TAND TP.HCM tuyên phạt mức án tử hình. Vào cuối tháng 7/2014, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM tuyên hủy một phần bản án, trả hồ sơ điều tra lại về tội Tham ô tài sản và Lợi dụng chức quyền hạn khi thi hành công vụ nên Hảo tạm thoát án tử.