Nhiều bình luận cho rằng, em học trò này xứng đáng giành được danh hiệu "Học trò thật thà nhất năm" bởi những suy nghĩ thẳng thắn được ghi ra.
Ở cấp tiểu học, các bài tập Tiếng Việt luôn là một phần quan trọng không thể thiếu bởi đây là những điều cơ bản, giúp ích rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày cũng như là trong tương lai. Thế nhưng ở độ tuổi mang tâm hồn ngây thơ và trí tưởng tượng phong phú, các cô cậu nhóc mới lớn này đã không ít lần tạo ra những "áng văn" có 1-0-2 khiến người đọc ghi nhớ mãi.
Mới đây, trang vở bài tập của một học sinh lớp 2 đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng. Cụ thể với đề bài: "Viết tiếp vào dấu ... để hoàn thành đoạn tự giới thiệu", em nhỏ này đã viết: "Hiện nay tôi là học sinh lớp 2. Sở thích của tôi là đánh nhau. Tôi rất muốn được làm quen với các bạn".
Nhìn vào chữ viết, ai nấy đều không khỏi bất ngờ bởi nét chữ rất đều và đẹp, thậm chí còn sở hữu phong cách viết nét thanh nét đậm. Tuy nhiên ở phần tự thuật, sở thích của học trò này đã đánh bật toàn bộ suy nghĩ ban đầu khi bày tỏ rằng mình... "thích đánh nhau".
Sau khi xem qua bài làm của cậu nhóc, giáo viên chấm bài đã gạch bỏ cụ từ "đánh nhau" và thay vào đó là gợi ý đáp án "xem tivi" để nam sinh này có thể rút kinh nghiệm. Điều này cũng có lý bởi có lẽ rằng, do thích xem các bộ phim hành động, siêu anh hùng trên truyền hình mà anh chàng đã nhầm lẫn với sở thích cá nhân.
Ngay sau khi được đăng tải, hình ảnh đã nhanh chóng thu về hàng chục ngàn lượng tương tác và nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng.
Nhiều người hài hước cho rằng, có lẽ em học sinh này có sở thích nô đùa, vận động cùng bạn bè nhưng lại ngây ngô, hiểu nhầm sang "đánh nhau". Một số người lại phong tặng danh hiệu "Học sinh thật thà nhất năm" cho bạn nhỏ này.
Một số bình luận đáng chú ý:
"Đúng là chỉ có học sinh tiểu học mới dám nói thẳng, nói thật như vậy";
"Con mình đang học tiểu học cũng thường gặp phải những tình huống thế này, tuy bị cô giáo gạch bỏ và cho điểm nhỏ nhưng điều này lại khiến mình rất vui bởi thằng bé dám nói lên suy nghĩ của mình, nghĩ sao, thế nào thì nói y như vậy";
"Học sinh thật thà của năm đây rồi, đọc những bài văn của học sinh tiểu học mới thấy được hết sự dễ thương, ngây thơ của các em";
"Bài văn dễ thương, ngắn gọn, súc tích. Dù vậy, người lớn cũng cần uốn nắn sở thích của em sang các hướng chơi thể thao, tìm hiểu kiến thức... chứ sửa thành 'xem tivi' như cô giáo cũng không ổn nhỉ?";
"Cười chảy nước mắt với mấy em tiểu học, thật thà dã man";
"Tui làm giáo viên lớp 2, từng đọc qua mấy bài văn của các bé, cũng không nhịn nổi cười luôn!".