Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, vào 8h sáng nay 17-7, bão Rammasun (Thần sấm) vẫn duy trì cường độ ở cấp 13, giật cấp 15-16, và cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 370km về phía Đông Đông Nam.
Bão vẫn tiếp tục mạnh thêm
Đến thời điểm này, nhiều mô hình dự báo trên thế giới đều cho rằng, bão số 2 sẽ đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) sau đó sẽ đi vào Vịnh Bắc bộ. “Hiện bão đang di chuyển vào vùng biển ấm nhất nên sẽ đạt cực đại, ở cấp 15-16 trước khi đổ bộ vào đảo Hải Nam”, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương nhận định. Tuy nhiên, theo quan trắc cho thấy, đang tồn tại những điều kiện có thể khiến bão số 2 suy yếu chậm trước khi vào bờ các tỉnh Quảng Ninh- Thái Bình.
Theo dự báo, vào trưa mai 18-7, bão Rammasun sẽ đổ bộ vào đảo Hải Nam, chiều cùng ngày bắt đầu ảnh hưởng đến phía Đông của Vịnh Bắc bộ. Khoảng 8-10h sáng 19-7, bão số 2 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh- Thái Bình, khi đó bão vẫn ở cường độ cấp 10-11, giật cấp 12-13, kèm theo sóng biển cao 5-6m. Sau khi đổ bộ vào bờ, bão só 2 sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu nhanh trên khu vực Hoàng Liên Sơn ở khu vực Lào Cai- Yên Bái.
Bão số 2 giật cấp 15-16 đe dọa Bắc bộ
Bão số 2 được dự báo sẽ gây mưa cục bộ cho toàn khu vực Bắc bộ, trong đó trọng tâm là đồng bằng Bắc bộ như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, lượng mưa được dự báo từ 200-300mm, có những nơi cục bộ có thể lên tới 350-400mm. Đặc biệt, vùng đồng bằng Băc bộ, mưa lớn tập trung trong ngày 19 và 20-7. “Khu vực đô thị như Hà Nội, Hải Phòng cần đề phòng dồn dập lên tới 100-200mm chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, có thể gây úng ngập”, ông Cường cảnh báo. Mưa lớn sẽ gây một đợt lũ tương đối lớn trên hệ thống sông Thái Bình, sông Thao và sông Lô. Trong đó, sông Thái Bình lũ có thể đạt mức BĐ II, trên sông Lô và sông Thao ở mức BĐIII.
Đến 6h sáng nay, biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu đã duy trì 17.725 chiến sỹ/705 phương tiện; phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.685 tàu, thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản/205.035 lao động biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Hoãn các cuộc họp không cần thiết để chống bão
Trong khi đó, các tỉnh, thành như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình… đã và đang lên phương án đối phó vơi bão số 2. Tại TP Hải Phòng đã lên phương án di dời gần 90.000 hộ dân ở vùng xung yếu và các khu đô thị yếu; xem xét cấm biển đối với tàu du lịch hoạt động ở Quảng Ninh và Hải Phòng vào chiều tối nay; cấm biển đối với các tàu thuyền đánh bắt hải sản…
Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành triển khai phòng chống bão số 2 diễn ra sáng nay 17-7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, bão số 2 vẫn còn diên biến khó lường khi tiếp cận bờ, vì vậy các Bộ, ngành địa phương phải theo dõi sát sao diễn biến của cơn bão để kịp thời có những phương án phù hợp.
Ban chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành tổ chức trực 24/24h, hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chống bão.
Các tỉnh vùng núi phía Bắc cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn gây ra, kiểm soát lại các điểm có nguy cơ xung yếu. Công tác sơ tán dân tại các tỉnh, thành phải hoàn thành trước 16h ngày mai.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để có lệnh cấm biển phù hợp, lưu ý các vùng có nhiều khách du lịch quốc tế như Hải Phòng, Quảng Ninh.
“Các công trình cao tầng, các cột ăng ten bưu điện… phải kiểm tra, tránh trường hợp cứ mỗi lần bão lại đổ cột, đổ cây làm chết người. Ngoài ra, các biển hiệu quảng cáo ở đô thị cũng phải hết sức lưu tâm, vì cũng là yếu tố nguy hiểm đe dọa tính mạng người dân khi bão về”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Sau cuộc họp sáng nay, Phó Thủ tướng yêu cầu BCĐ PCLB Trung ương cử đoàn công tác trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo phòng chống bão tại Hải Phòng và Quảng Ninh. Bộ Công Thương lưu ý đảm bảo an toàn cho lực lượng tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí trên biển; Bộ Công an đảm bảo an toàn giao thông trong mưa bão, chỉ đạo các địa phương cấm đường khi cấn thiết.
Bộ GTVT chỉ đạo đài thông tin duyên hải nắm chắc hành trình, thông báo cho tàu vận tải. Những năm qua chúng ta đã phải cứu hộ cứu nạn tàu vận tải gặp nạn rất vất vả. Các TP lớn như như Hà Nội, Hải Phòng... phải lưu ý công tác chặt cây, tỉa cành, hệ thống bơm tiêu, thoát úng ngập...
Lúc 4h ngày 16-7 tàu KH 90154 của Khánh Hòa do ông Trương Quốc Toàn làm thuyền trưởng hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, trên đường vào bờ tránh bão thì thuyền viên Nguyễn Văn Tài bất cẩn bị rơi xuống biển mất tích hiện vẫn chưa tìm thấy; tàu đang di chuyển vào bờ.