10 năm sống trong bóng tối, Thiệp chỉ ước một ngày được nhìn thấy bố mẹ, được đến trường để học hành như bao bạn bè cùng trang lứa.
Trong bài viết Bé trai không mắt sống lay lắt cùng em nhỏ ở bìa rừng, đếm từng ngày mong mẹ trở về, chúng ta đã tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của gia đình chị Vũ Thị Nga (SN 1985, ở Đồng Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ). Hàng ngày chị phải ở viện chăm chồng, ở nhà 3 đứa con nhỏ phải sống lay lắt ở bìa rừng. Trong 3 đứa con của chị Nga, có cháu Vũ Huy Thiệp (10 tuổi) bị mù bẩm sinh. Tuy chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng, nhưng Thiệp luôn cố gắng vươn lên, giúp đỡ bố mẹ làm việc gia đình và luôn ấp ủ những ước mơ, hoài bão về một tương lai tươi đẹp ở phía trước. |
Clip chị Nga chia sẻ về những khó khăn mà gia đình đang trải qua.
Nhói lòng những câu nói của cậu bé mù
Trong ngôi nhà xiêu vẹo với chằng chịt những tấm bạt vá ngang vá dọc ở chân khu Rừng Trám (Đồng Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ), bé trai Vũ Huy Thiệp (10 tuổi) đang ở nhà một mình, chờ đứa em nhỏ đi chăn bò ở cách nhà vài trăm mét.
Bị mù bẩm sinh từ bé, nhưng bù lại Thiệp có đôi tai rất thính và cách nói chuyện gần gũi, ngay cả với những người lạ mới gặp lần đầu. Trong khi chờ đợi mẹ và em về nhà, Thiệp kể cho chúng tôi nghe về gia đình và cả những giấc mơ em hằng ấp ủ.
Ngôi nhà xiêu vẹo, chắp vá đủ mọi nơi là chỗ ở của 3 đứa trẻ.
Thiệp cho biết, do bố mắc bệnh nên mẹ phải đi viện chăm sóc bố. Nhiều năm nay, ba anh em Thiệp ở nhà rau cháo nuôi nhau. Để có tiền phụ giúp bố mẹ, anh em Thiệp còn nhận chăn thuê 2 con bò với tiền công 100.000 đồng/1 tháng.
Dù bị mù, nhưng khi các em đi chăn bò Thiệp ở nhà vẫn có thể làm những việc vặt trong gia đình như nhặt củi, quét nhà, rẽ ngô cho gà ăn…
Thiệp mong một ngày sẽ thực hiện được ước mơ của mình.
Khi hỏi về đôi mắt của Thiệp, em suy nghĩ với vẻ mặt buồn rầu rồi đáp: “Con chẳng biết con bị mù từ khi nào cả. Con chưa bao giờ được nhìn thấy các anh, chưa nhìn thấy bố mẹ, chỉ nghe giọng mẹ thôi, giọng mẹ rất ấm và hát rất hay”.
Thiệp cho biết, ước mơ lớn nhất của mình là được nhìn thấy ánh sáng để được đi học, để giúp đỡ bố mẹ. “Con muốn mắt sáng để đi học, để được nhìn thấy bố mẹ, các anh em của mình. Em con đi học về kể ở trường nhiều điều vui lắm, con muốn đến đó một lần mà không được”, Thiệp nói.
Nghe câu nói đó của cậu bé mù 10 tuổi, chúng tôi chỉ biết nắm tay động viên và lấy ra hộp bánh bảo em ăn cho đỡ đói. Nhưng thay vì hành động bóc hộp bánh, một lần nữa Thiệp lại khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi.
“Con để dành hộp bánh này, mẹ về con sẽ gửi cho bố. Mẹ bảo ở viện, bố còn chẳng có sữa uống nữa ấy ạ. Còn chúng con ở nhà vẫn có cơm ăn”, Thiệp nói.
Thiệp chấp nhận ăn cơm rau, để gửi quà bánh cho bố ở viện.
Mất ăn, mất ngủ vì lo đàn con dại ở nhà
Trời đã quá trưa, khi cơn mưa đang ùn ùn kéo đến, chị Trần Thị Ngát (SN 1985, mẹ Thiệp) cũng vừa kịp về đến nhà. Xa mẹ lâu ngày không gặp, những đứa trẻ tíu tít bên mẹ, kể đủ mọi chuyện khi mẹ vắng nhà.
Khi mẹ về, cả 3 đứa trẻ tíu tít bên mẹ không muốn rời xa.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nga cho biết, cháu Vũ Huy Thiệp từ khi sinh ra đã bị mù bẩm sinh, chỉ có rãnh mắt chứ không có con ngươi ở phía trong.
Đã bao lần chị Nga định đưa cháu đi khám với hy vọng con trai nhìn thấy được ánh sáng, nhưng rồi những chuyện không may liên tục ập đến với gia đình chị và chẳng biết đến bao giờ Thiệp có thể được đi khám và chữa mắt.
Thiệp rất sợ tiếng sấm mỗi khi cơn dông kéo đến.
“Con còn nhỏ tuổi, tôi rất muốn đi chữa mắt cho con, nhưng bây giờ đến thời gian chăm sóc con còn chẳng có, nói gì đến chữa bệnh”, chị Nga ngậm ngùi nói.
Mỗi khi xa con đi chăm chồng ở viện, chị Nga lại mất ăn mất ngủ vì lo cho 3 đứa con dại ở nhà. Các con chị đều đang tuổi ăn, tuổi lớn và không thể nói trước điều gì khi bố mẹ vắng nhà.
Ngay trước cửa nhà chị Nga là 2 ao sâu, phía sau nhà là rừng già xanh thẳm với nhiều thú dữ, các cháu hàng đêm phải ôm nhau ngủ trong sợ hãi… Biết là vậy, nhưng người mẹ này chẳng còn lựa chọn nào khác.
Ngay gần nhà Thiệp là một cái giếng sâu và trước cửa là 2 ao nước rất nguy hiểm.
“Có những hôm, nửa đêm Thiệp gọi điện cho tôi. Tôi bật dậy tay run run nghe điện thoại, cháu nói trong sợ hãi rằng: Ở nhà chó cắn nhiều quá mẹ ạ!”. Nghe vậy, tôi chỉ muốn chạy về luôn mà không được, chỉ biết dặn con dậy bật điện lên và để đến sáng đừng có tắt”, chị Nga vừa nói, vừa ôm Thiệp vào lòng và khóc.
Tới đây, khi chồng bước vào liệu trình điều trị mới, chị lại phải xa các con nhiều ngày nữa. Thương các con lắm, nhưng chị chỉ biết dặn các con yêu thương, bảo vệ nhau và lần nào cũng vậy, trước khi đi các con luôn hỏi mẹ: "Bao giờ mẹ về".
Sau khi bài Bé trai không mắt sống lay lắt cùng em nhỏ ở bìa rừng, đếm từng ngày mong mẹ trở về đến với bạn đọc, một tin vui đã đến với cậu bé Vũ Huy Thiệp khi có một Bệnh viện chuyên khoa Mắt tại Hà Nội đã đồng ý thăm khám miễn phí cho em. Nếu đủ điều kiện chữa trị, Thiệp sẽ có cơ hội nhìn thấy ánh sáng, nhìn thấy bố mẹ và được đến trường. Dự kiến, sang tuần tới, Thiệp sẽ xuống Hà Nội để thăm khám. |