Từng là nơi đế, hậu làm lễ động phòng, ngày nay cung điện này lại trở thành nỗi ám ảnh đối với các du khách tham quan.
Ngày xưa, bậc cửu ngũ chí tôn có tới tam cung lục viện, 3.000 giai nhân. Dù nhiều thê thiếp nhưng họ thường cũng chỉ kết hôn một lần, đó là đại hôn. Một số trường hợp hoàng hậu chết sớm hoặc bị phế truất thì nhà vua có thể tổ chức đại hôn lần hai.
Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, phòng tân hôn của người bình thường chính là phòng nam nhân. Nhưng với bậc đế vương, nó lại có sự khác biệt tùy theo từng thời đại.
Vào thời nhà Minh, thay vì động phòng ở nơi ở chính của đế - hậu, việc này lại diễn ra ở Khôn Ninh cung. Vậy nơi diễn ra đại hôn và đặt phòng tân hôn của bậc cửu ngũ chí tôn có gì đặc biệt? Theo sử sách, trong 3 cung điện chính của Tử Cấm Thành, cung Càn Thanh biểu trưng cho dương tính, là nơi ở của hoàng đế. Cung Khôn Ninh đại diện âm tính, dành cho hoàng hậu. Chữ "Khôn Ninh" mang ý nghĩa "Khôn địa ninh định", tức "Mặt đất yên ổn".
Vì là nơi ở dành cho hoàng hậu nên Khôn Ninh cung được sơn đỏ, đại diện cho tình yêu và sự sinh sản. Đây chính là nơi mà đế - hậu dùng làm tân phòng sau đại hôn với mong muốn sẽ con đàn cháu đống, sớm sinh long chủng.
Nếu ở thời nhà Minh, Khôn Ninh cung vừa là nơi ở của hoàng hậu, vừa là tân phòng thì sang đến đời Thanh, chỉ có 4 hoàng hậu thực sự trải qua đêm tân hôn ở đây.
Đêm tân hôn là một trong 4 niềm vui lớn của đời người. Khi các vị hoàng đế nhà Thanh làm đại hôn, họ tổ chức nghi lễ "nhập phòng tân hôn" trong điện Khôn Ninh. Theo sử sách ghi lại, Khôn Ninh là một trong tam cung của Tử Cấm Thành, tọa lạc ở phía bắc giao lộ đại sảnh, rộng 9 gian, sâu 3 gian, có gian đông và gian tây ấm. Ban đầu, Khôn Ninh cung là nơi ở của hoàng hậu. Nhưng kể từ khi hoàng đế Ung Chính chuyển đến Dưỡng Tâm điện để sống, các hoàng hậu từ đó trở đi không còn sống trong Khôn Ninh cung nữa. Do đó, điện Khôn Ninh chỉ còn chức năng là phòng tân hôn của hoàng đế.
Không dễ để vào "buồng tân hôn" trong Khôn Ninh cung. Trong gần 300 năm tồn tại, nhà Thanh chỉ có 4 vị hoàng hậu thực sự đã vào "buồng tân hôn" tại cung điện này. Đó là Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu của Khang Hy đế, Hiếu Triết Nghị Hoàng hậu của Đồng Trị đế, Hiếu Định Cảnh Hoàng hậu của Quang Tự đế và Uyển Dung Hoàng hậu của hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi. Và không ai trong 4 vị hoàng hậu này có kết thúc tốt đẹp.
Nói về đại hôn của vua Khang Hy và Hoàng hậu Hiếu Thành Nhân, sử sách ghi lại nghi lễ rất long trọng. Đầu tiên, nhà vua cử hành lễ Nạp thái, đưa lễ phẩm đến nhà tân nương. Trước đại hôn một ngày, Hoàng đế phái Mãn Châu đại thần tế cáo Thiên địa, Thái miếu, Xã tắc. Cũng trong ngày này, triều đình cử hành lễ Nạp sính gồm nhiều vàng bạc, châu báu, lụa là gấm vóc, tuấn mã...
Đến ngày Đại hôn, các nghi lễ sắc phong, ban kim ấn, sách bảo diễn ra tại Thái Hòa điện. Hoàng hậu sẽ ngồi đợi trong Khôn Ninh cung. Vào buổi chiều, đại hôn sẽ kết thúc bằng truyền thống Hợp cẩn. Sau khi kết thúc yến tiệc, hoàng đế và hoàng hậu sẽ lưu lại Khôn Ninh cung cho đêm động phòng.
Hiếu Triết Nghị Hoàng hậu xuất thân gia tộc A Lỗ Đặc thị, thuộc Mãn Châu Tương Hoàng kỳ. Năm 1872, A Lỗ Đặc thị tham gia tuyển tú và được Hoàng đế Đồng Trị lựa chọn. Bà trở thành vị hoàng hậu thứ hai của nhà Thanh được tổ chức đại hôn trong điện Khôn Ninh.
Dù quan hệ vợ chồng rất tốt nhưng Hiếu Triết Nghị Hoàng hậu lại không được lòng Từ Hi Thái hậu. Khi Đồng Trị đế còn sống, mẹ chồng nàng dâu thường xuyên xảy ra tranh chấp. Đến khi hoàng đế qua đời năm 1875, chỉ 100 ngày sau đó, hoàng hậu cũng qua đời một cách bí ẩn. Khi ấy, bà mới 21 tuổi.
Đại hôn của hoàng đế Quang Tự và Hiếu Định Cảnh Hoàng hậu cũng diễn ra tại Khôn Ninh cung. Năm ấy, khi đại lễ chuẩn bị diễn ra thì Thái Hòa môn bị hỏa hoạn. Tuy nhiên, Từ Hi Thái hậu muốn hôn lễ diễn ra vừa đúng thủ tục lại vừa nhanh chóng. Do đó, bà ra lệnh đẩy nhanh tốc độ sửa chữa, làm một cái cửa giả để đánh tráo Thái Hòa môn.
Đúng ngày lành tháng tốt, Diệp Hách Na Lạp thị, cháu gái của Từ Hi Thái hậu được tổ chức đại lễ lập hậu long cực kỳ hoành tráng. Mặc dù có một hôn lễ long trọng nhưng Hiếu Định Cảnh Hoàng hậu lại không nhận được sự sủng ái của vua Quang Tự. Một phần vì bà có dung mạo tầm thường, lại lớn hơn ông 3 tuổi, thêm vào đó, bà là cháu gái của Từ Hi, người luôn áp đặt Quang Tự.
Người cuối cùng được tổ chức đại hôn trong Khôn Ninh cung chính là hoàng hậu Uyển Dung của vua Phổ Nghi. Tuy nhiên, hôn lễ của bà có một thiếu sót lớn đó là không được đưa kiệu vào cung thông qua Đại Thanh Môn. Đây là nơi mà chỉ Hoàng thái hậu và Hoàng đế được tự do ra vào, Hoàng hậu chỉ được đi qua một lần trong đời vào ngày đại hôn. Khi ấy, Uyển Dung chỉ được rước vào từ cửa Đông Hoa, chứng tỏ bà là hoàng hậu thời kỳ nhà Thanh đã suy tàn, tôn nghiêm không còn như trước.
Những ngày sau hôn lễ của Uyển Dung cũng là một mớ hỗn độn. Bà đi theo Phổ Nghi khắp nơi trong khi nhà vua lại sa đà vào thuốc phiện. Năm 1946, Uyển Dung qua đời trong nhà tù của chính phủ Cộng sản Trung Hoa trong hoàn cảnh vô cùng thê thảm. Khi ấy, bà không có tang lễ, thụy hiệu như một hoàng hậu chân chính. Mãi đến năm 2006, Uyển Dung mới được hợp tác với Phổ Nghi ở Thanh Tây lăng.
Như vậy, ngoài 4 hoàng hậu được tổ chức đại hôn nói trên thì Khôn Ninh cung chỉ là nơi để cúng tế các vị thần của người Mãn Châu. Chính vì không có người ở trong thời gian dài, lại là nơi dùng để cúng tế nên cung điện này trở nên âm u, tịch mịch đến đáng sợ. Ngày nay, các du khách khi đến thăm Tử Cấm Thành vẫn thấy rợn người và ngần ngại khi bước vào nơi này.