Bí ẩn phía sau bảng chữ 'Thần' ở Thanh Hóa

Ngày 06/03/2015 05:09 AM (GMT+7)

Dãy núi Thần Phù thuộc địa phận huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa thời gian gần đây được nhiều người biết đến như một mảnh đất chứa đầy bí ẩn.

Những nhà nghiên cứu và thậm chí cả những người dân gắn với nó hết đời người cũng không biết tự bao giờ trên ngọn núi này xuất hiện tấm bia đá vuông vức có khắc chữ Thần thiêng liêng. Xung quanh tấm bia đó là những câu chuyện li kì và cho đến tận bây giờ vẫn chưa có lời giải đáp.

Bí ẩn bảng chữ Thần

Hành trình tìm đến núi Thần Phù, nơi có dòng chữ bí ẩn đã thuận lợi hơn  khi chúng tôi được gặp ông Mai Nguyễn Thuần ( thôn 7, xã Nga Thiện, Nga Sơn, Thanh Hoá), người tình nguyện canh giữ bảng chữ đá ấy suốt 20 năm qua.

Con đường từ nhà ông ra đến núi Thần Phù đầy hiểm trở, quanh co và có những đoạn như khúc cua tay áo. Từ  con đường đất đỏ muốn đến được nơi có chữ Thần phải men theo bờ sông Hoạt và đi tiếp 10 phút đò ngang mới tới. Theo ông Thuần, cũng có rất nhiều đoàn về nghiên cứu nơi có khắc chữ kì bí này nhưng chưa đoàn nào có kết luận chính xác về nguồn gốc, lịch sử hay niên đại của nó.

Bí ẩn phía sau bảng chữ Thần ở Thanh Hóa - 1

Con sông Hoạt dẫn ra dãy núi Thần Phù

Dân làng cũng chỉ biết rằng bao thế hệ nối tiếp nhau, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nga Thiện đã chứng kiến sự có mặt của chữ bí ẩn ấy. Nó sừng sững, tồn tại giữa những đổi thay, khắc nghiệt của thời tiết có lẽ phải đến vài thế kỷ. Tấm bia vuông vức như một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, tuyệt diệu. Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc, vì lý do nào đó trên đỉnh bia đá đã  bị người dân đục một vết dài, nước từ trên núi nhỏ thẳng xuống như dòng chảy của những giọt nước mắt.

Theo bà Nguyễn Thị Bích (vợ ông Thuần), cách đây 6 năm cũng có một đoàn khảo cổ đã đến xã để nghiên cứu về sự kì bí của tấm bia có khắc chữ lạ này.  Họ chỉ xác định được chữ cái to nhất nằm chính giữa tấm bia đọc là chữ Thần, còn hai dòng chữ xung quanh không thể xác định được vì đã bị đục, nước chảy và bám rêu làm lu mờ. Xưa kia, dòng sông Hoạt này là cửa biển (cửa Thần phù) nước dâng cao mấp mé đến bia nhưng giờ đây cửa biển bị chặn,  muốn tận mắt nhìn chữ khắc trên bia thì phải kì công bắc thang mới rõ hết.

Đã hơn 20 năm qua, vợ chồng ông Mai Nguyễn Thuần tình nguyện canh giữ những dòng chữ ấy như một thiên chức thầm lặng. Tiếp xúc với chúng tôi, họ cười nhiều và say sưa chia sẻ những kỉ niệm trong suốt thời gian ấy bằng tất cả niềm tự hào. Ông kể, trước kia vợ chồng ông làm nghề đào vàng, đá đỏ ở mãi tận giáp Lào nhưng nghề này bạc và khắc nghiệt quá nên đã từ bỏ và về quê sinh sống. Gia đình ông đấu thầu mảnh đất dưới núi Thần Phù với xã và nộp sản mỗi năm. Trong mảnh đất ấy, ông trồng rau, trồng cói, nuôi dê và chăn vịt hàng năm, nộp nông sản trong vườn cho xã.

Bí ẩn phía sau bảng chữ Thần ở Thanh Hóa - 2

Vợ chồng ông Thuần, người canh giữ tấm bia hơn 20 năm

Người dân làng gọi mảnh đất của ông bà là “ốc đảo” và ngưỡng mộ, cảm phục lắm, họ cho rằng ông can đảm và không biết sợ. Bởi lẽ có biết bao gia đình đã từng đến, sinh sống tại đó nhưng cuối cùng chỉ được một thời gian ngắn lại phải “chạy trốn”. Thậm chí, trước khi gia đình ông Thuần chuyển đến cửa Thần Phù này còn có cả một làng, gọi là làng Cẩm La nhưng không một gia đình  nào có thể ở được đến quá 1 năm. Sau đó, họ tản cư, di chuyển lên mãi tận Bỉm Sơn, Thanh Hóa.

Khi chuyển đến dưới núi Thần Phù, một số hộ từng ở có nói với ông Thuần: Ở Thần Phù linh thiêng lắm, đêm ở đấy sẽ có bạch xà từ trong hang của cửa Thần Phù tìm gặp nhưng ông không tin. Ông bảo, đêm đến ở đây ông chỉ thấy muỗi là nhiều chứ đợi mãi mà chưa được dịp gặp thần bạch xà nói chuyện cho đỡ buồn. Một số người khác truyền lại, xung quanh cửa Thần Phù thiêng lắm, có “ma”, nếu đi qua đó mà không dừng lại, khấn vái thì thuyền sẽ bị đắm, có rất nhiều người chết tại đó.

Bí ẩn phía sau bảng chữ Thần ở Thanh Hóa - 3

Vợ chồng ông Mai Nguyễn Thuần chia sẻ với Phóng viên về chữ Thần trên dãy núi

Cách đây 6 năm, có đứa trẻ 3 tuổi cũng bị chết đuối ở dòng sông Hoạt, gần tấm bia. Cũng khoảng vài năm về trước, có một người phụ nữ mang bầu được 4 tháng, trong khi đang đi trên thuyền thì đứng lên và không hiểu sao chiếc thuyền ấy đột ngột bị lật. Cả 2 mẹ con được tìm thấy ngay sau mấy giờ đồng  hồ nhưng đã tử vong. Vụ ấy, dân làng nơi người phụ nữ đó sống kéo đến xem rất đông và những ám ảnh về mảnh đất dưới chân cửa Thần Phù ngày càng trở nên kì bí hơn nữa.

Thậm chí, một số người còn đồn đại, do tấm bia chếch về phía làng Hoàng Cương, xã Nga Thiện nên người dân làng bị dịch đau mắt nặng. Họ cho rằng, vì tấm bia và những dòng chữ ấy mà họ bị chịu tội bệnh tật. Dân làng sợ quá nên rủ nhau bắc thang lên đục chữ để “cải thiện tình hình” hy vọng  đục xong sẽ chữa bệnh đau mắt.

Đi tìm lời giải cho những bí ẩn ở núi Thần Phù

Theo ông Thuần, thông tin về bệnh đau mắt do tấm bia khắc chữ Thần chếch về phía làng là thiếu căn cứ.

Sau khi có đoàn y tế về kiểm tra thì được xác định dịch đau mắt là do ảnh hưởng sự ô nhiễm của nguồn nước sông Hoạt sau mùa nước lũ. Dòng sông ấy bị chặn không thông ra tới biển, xác súc vật, rác thải bị ném xuống thành ao tù, nước đọng nên nguồn nước bị bẩn. Sau khi được xử lý, tình trạng đau mắt của người dân cũng chấm dứt.

Việc các hộ gia đình cứ đến sinh sống rồi lại tản cư là do phần lớn điều kiện khó khăn về địa hình ở mảnh đất này. Vùng đất trước cửa Thần Phù nằm cách xa với làng khoảng 3 km, đường đi hiểm trở nên việc đi lại, giao lưu trong dân hết sức khó khăn. Hơn nữa có những mùa bị lụt úng, nhà cửa người dân luôn trong tình trạng thấp thỏm để chờ “sống chung với lũ”. Vì thế,  không khó lý giải việc những gia đình sinh sống ở đó cứ tản dần, tản dần để tìm đến vùng đất khác.

Bí ẩn phía sau bảng chữ Thần ở Thanh Hóa - 4

Chữ "Thần" trên dãy núi Thần Phù

Bà Bích cho hay, khi gia đình bà chuyển đến “ốc đảo” này ở cũng thấy hãi lắm. Phía trước là dòng sông không rõ khi nào nước ập vào nhà, đằng sau lại là vách núi chênh vênh, xung quanh cây cối rậm rạp, bốn bề đồng không mông quạnh. Hàng xóm, láng giềng thưa thớt dễ tạo cho con người có cảm giác rờn rợn. Không chỉ thế, nước mặn không vào được tới mảnh đất ông bà đang sống nên những rặng cói gia đình bà trồng cứ chết dần, chết mòn. Cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Cũng có những lúc, vợ chồng bà bàn nhau rời bỏ nơi ấy vì sợ không đủ kiên tâm và sức khỏe để trụ lại. Nhưng cho đến thời điểm này, sau 20 năm chung sống, gắn bó với ốc đảo trước cửa Thần Phù gia đình ông bà Thuần thấy thân thiết và không có điều gì đáng sợ như mọi người từng thêu dệt.

Theo ông Thuần, có lẽ gìa đình ông bà đã lập nên kì tích vì là người bám trụ lâu nhất ở mảnh đất ấy kể từ trước đến giờ. Khi ông Thuần đến dãy núi Thần Phù sinh sống thì các con vẫn còn nhỏ giờ đây các con ông bà đã trưởng thành và đã lập gia đình. Ông bà làm một trang trại nhỏ dưới chân núi, nuôi dê, thả cá trồng cây ăn quả và hàng ngày làm công việc thầm lặng là canh giữ tấm bia đã để không ai có thể xâm phạm.

Ông Thuần chia sẻ: “Tôi không biết mình có duyên với mảnh đất này không nữa nhưng cho đến giờ phút này, bảo xa nơi đây chắc tôi không làm được. Dẫu rằng, làm ăn ở đây khó khăn,  nước lụt lắm khi lênh láng nền nhà, trồng cây lên sắp đến ngày ăn quả mà nhỡ có trận lụt lên lại hỏng nhưng tôi nguyện gắn bó máu thịt với nó. Tôi sẽ giữ tâm nguyện canh giữ tấm bia đá đến khi nào còn có thể”

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ở ngôi đền phía đông núi An Hoạch (núi Nhồi, cách thành phố Thanh Hóa 3km) cũng có khắc một chữ “Thần” rất to trên vách núi. Chữ “Thần” này tương truyền do chúa Trịnh Sâm sai người tạo tác. Chữ “Thần” ở dãy Thần Phú tương truyền là do vua Lê Thánh Tông ngự đề nhưng cho đến nay vẫn chưa có đủ cơ sở để khẳng định điều đó.

Tuệ Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan