Nhiều chuyên gia lo ngại, vụ cá chết hàng loạt vừa qua chỉ như ngộ độc cấp tính, nếu tiếp tục cho Formosa xả thải với liều lượng xyanua, phenol như hiện nay, biển miền Trung sẽ “không còn gì” và chúng ta phải trả giá rất đắt.
Đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa công bố biển các tỉnh miền Trung vùng cá chết an toàn ra sao để bà con ngư dân nuôi trồng, đánh bắt. Nhiều chuyên gia lo ngại, vụ cá chết hàng loạt vừa qua chỉ như ngộ độc cấp tính, nếu tiếp tục cho Formosa xả thải với liều lượng xyanua, phenol như hiện nay, biển miền Trung sẽ “không còn gì” và chúng ta phải trả giá rất đắt.
TS Nguyễn Quang Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT) - một trong những đơn vị tham gia nghiên cứu tìm nguyên nhân từ đầu vụ cá chết, cho biết: Về việc phục hồi môi trường, nguồn lợi thủy sản vụ cá chết ở biển 4 tỉnh miền Trung, bộ đã thành lập tổ công tác, đánh giá mức độ.
Hóc búa bài toán khôi phục
Theo TS Hùng, mức độ phục hồi của các nhóm hải sản (các loại cá, san hô, nhuyễn thể…) rất khác nhau, nên cần phải đánh giá từng nhóm. Chẳng hạn, để khôi phục nhóm cá kinh tế trước, phải phục hồi bãi đẻ, bãi giống, kết hợp với sản xuất giống và thả tự nhiên phục hồi nguồn lợi. Cỏ biển tự nhiên sẽ được trồng phục hồi…
Các chuyên gia lo ngại, rặng san hô và nguồn lợi biển rất khó khôi phục nếu tiếp tục cho Formosa xả thải với liều lượng cho phép như hiện nay. Ảnh: HS.
Đáng lo ngại nhất chính là phục hồi rặng san hô. “San hô là hệ sinh thái rất quan trọng, là nơi cư trú các loại sinh vật biển, cũng là các bãi đẻ, bãi giống, nên nó sẽ ảnh hưởng rất lớn khi bị triệt hạ. Các chuyên gia của viện đã khảo sát thực tế, xác định diện tích sản hộ bị hủy hoại khoảng 450 ha”- TS Hùng nói.
Ông cho biết, san hô có nhiều loại, nhưng để phục hồi được phải mất nhiều thời gian. Theo ông, san hô sinh trưởng, tùy từng vùng, trung bình tăng 1-2 cm/năm, ở vùng nước trong, xử lý môi trường tốt, có thể sinh trưởng 3-4 cm/năm.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), việc phục hồi môi trường, nguồn lợi mới chỉ giai đoạn đưa ra các ý tưởng. Bà nói: “450 ha là con số ước tính sơ bộ, chắc phải tính toán lại để đưa ra con số cụ thể, qua nhiều khâu thẩm duyệt nữa”.
Bà Dung cũng cho biết, hiện Bộ NN&PTNT đang chờ Bộ TN&MT công bố việc biển sạch đến mức độ nào, độ an toàn đến đâu để thả giống, khôi phục nguồn lợi thủy sản.
Cũng do chưa có thông số độ an toàn nước biển, nên về việc đánh bắt của ngư dân, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Khai thác Thủy sản cho biết vẫn áp dụng hướng dẫn cũ. Các địa phương sẽ lấy mẫu giám sát tại các cảng cá, bến cá khi hải sản được bốc dỡ trước khi tiêu thụ. Đối với hải sản đánh bắt vùng 20 hải lý trở vào phải lấy mẫu hằng ngày; vùng ngoài 20 hải lý là 2-3 ngày/lần.
Lo ngại bệnh “mãn tính”
Lượng xyanua, phenol…đã thải ra từ nhà máy của Formosa ở biển bao giờ sẽ tan, và bao giờ biển sẽ lành? TS Nguyễn Quang Hùng cho rằng, biển có khả năng phục hồi về môi trường. Về yếu tố vật lý, sóng, dòng chảy sẽ làm phát tán, làm tan dần các chất độc. Các vi sinh vật cũng có khả năng phân hủy các chất độc, để biển dần dần trở lại trạng thái bình thường. “Mất bao lâu tùy theo lượng xả thải, sóng và dòng chảy, nhưng xác định được là rất khó”- TS Hùng nói.
TS Lê Thanh Lựu, chuyên gia thuộc Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng cần tiếp tục quan trắc thường xuyên môi trường 4 tỉnh miền Trung, đặc biệt là tập trung vào xyanua, phenol, phức sắt dạng keo. Ngoài việc lấy mẫu nước ở tầng mặt, cần lấy nhiều điểm ở tầng nước đáy, để xác định mức độ an toàn.
Liên quan đến thông tin, Formosa được phép xả thải 0,585mg/lít (theo giấy phép xả thải do Bộ TN&MT cấp cho Formosa), với công suất xả thải 45.000m3/ngày đêm, mỗi năm Formosa được phép xả thải ra môi trường lượng xyanua là 9,6 tấn (phenol cũng tương tự), TS Lựu nói rằng “ít năm nữa, không biết biển miền Trung còn gì nữa không”.
Theo vị chuyên gia này, vụ cá chết hàng loạt vừa qua, có thể hiểu như ngộ độc cấp tính, “ăn vào lăn đùng ngã ngửa”. Tuy nhiên, với hàm lượng các chất độc hại trên được phép xả ra biển, các chất độc đó lan dần, tích tụ dần dần sẽ mãn tính, và khi đó không một môi trường, hệ sinh thái nào chịu nổi, lúc đó như người bị ung thư.
“Nếu lượng xả cho phép hơn 9 tấn xyanua hay phenol mỗi năm, có lẽ trong vòng bán kính 50 km xung quanh miệng xả thải sẽ không còn sinh vật nào sống được cả. Và dòng hải lưu đưa chất độc đó đi theo dọc biển miền Trung, khó nơi nào chịu được. Do vậy, khả năng khôi phục được tài nguyên là cực kỳ thấp, nếu tiếp tục cho xả với liều lượng trên”- TS Lựu nói.
Về khả năng tự làm sạch của biển, TS Lưu cho rằng, trong nước biển gần như không có xyanua và phenol, nên không có có những nhóm vi khuẩn để phân hủy chất này. Do vậy khả năng tự làm sạch những chất đó rất khó. Ông nói: “Ở mức độ nhất định thì biển có khả năng tự làm sạch được. Nhưng khi chất độc tăng quá nhiều, mất cân bằng, tổ hợp vi khuẩn không phân giải được, sẽ gây ô nhiễm”.