Dù hoàn cảnh vô cùng éo le nhưng chàng trai này đã vươn lên thoát khỏi số phận bằng ý chí và khả năng phi thường của mình.
Bàng Trung Vương sinh năm 1999 trong một gia đình bần nông ở Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, từng gây sốt trên truyền thông với câu chuyện "nhà nghèo vượt khó" của mình. Bàng Trung Vương có xuất phát điểm vô cùng thấp, gia đình cực kỳ khó khăn nhưng bằng nghị lực của mình, anh vẫn đỗ thủ khoa trường đại học danh giá nhất cả nước, sau đó giúp gia đình đổi đời. Những nỗ lực phi thường của Bàng Trung Vương đã khiến rất nhiều người ngưỡng mộ và khâm phục.
Từ cậu bé nhặt rác đến thủ khoa Đại học Thanh Hoa
Bàng Trung Vương là con trai duy nhất trong gia đình. Bố mẹ anh đã gửi gắm toàn bộ hy vọng vào con trai, vì vậy mới đặt cho anh cái tên Trung Vương, với ý nghĩa thành đạt và tương lai sáng lạn.
Bố của Bàng Trung Vương bị tâm thần, mẹ của anh thì bị liệt 2 chi dưới nên anh phải sống dựa vào ông bà đã già yếu. Vì bố mẹ đều bệnh tật nên ngay từ khi còn nhỏ, Bàng Trung Vương đã phải làm việc quần quật, không hề được tận hưởng tuổi thơ. Trong khi các bạn cùng trang lứa đang chơi đùa thì Bàng Trung Vương phải vừa làm việc nhà, vừa chăm sóc bố mẹ, âm thầm gánh vác nhiều trách nhiệm trên đôi vai nhỏ.
Khi lên 6 tuổi, Bàng Trung Vương được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh nặng, cần phải phẫu thuật gấp. Chi phí phẫu thuật lên đến 40.000 nhân dân tệ (hơn 137 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) là một con số khủng khiếp với gia đình này, vì thế nhiều người đã khuyên mẹ của Bàng Trung Vương hãy bỏ cuộc nhưng bà ấy nhất định không làm vậy. Người mẹ đã bế con trai trên xe lăn, đi tới từng nhà để vay tiền, cuối cùng gom góp được đủ tiền cho con làm phẫu thuật. Nhờ đó, bệnh tình của Bàng Trung Vương mới được chữa khỏi.
Tất nhiên sau đó, gia đình của Bàng Trung Vương phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ khiến họ vô cùng hoang mang. Bố của anh phải đi làm thuê những lúc tỉnh táo, mẹ của anh thì cố gắng kiếm thêm bằng nghề thêu thùa. Khi đang học tiểu học, Bàng Trung Vương còn giấu bố mẹ đi nhặt rác và phế liệu để bán sau mỗi ngày tan trường.
Số phận vẫn chưa ngừng trêu đùa họ tại đó. Năm Bàng Trung Vương 10 tuổi, mẹ anh phải nhập viện vì bị suy dinh dưỡng mãn tính và thiếu máu trầm trọng do làm việc quá sức. Khi ấy, gia đình vừa mới trả nợ xong nên không dư dả. Bàng Trung Vương chủ động đứng ra gánh vác gia đình, đi đến từng nhà người thân để vay tiền chữa bệnh cho mẹ, giống như cái cách bà ấy cứu con năm xưa. Để chăm sóc mẹ, Bàng Trung Vương còn xin nghỉ học, làm việc bán thời gian tại một nhà hàng cạnh bệnh viện. Để có đồ ăn, Bàng Trung Vương phải đi nhặt rau thừa ở chợ.
Trong giai đoạn khó khăn ấy, Bàng Trung Vương từng viết trong nhật ký rằng: "Vì đau khổ đã chọn bạn nên bạn có thể quay lưng lại với đau khổ và mỉm cười với ánh nắng".
Năm 2014, Bàng Trung Vương thi đỗ cấp ba với điểm số xuất sắc. Vì phải ở lại ký túc xá, mỗi tháng chỉ về nhà một lần nên Bàng Trung Vương thường xuyên viết thư cho mẹ để bà không cảm thấy cô đơn. Dù nghèo khó là vậy nhưng thành tích học tập của Bàng Trung Vương luôn xuất sắc từ nhỏ tới lớn. Trong căn nhà tồi tàn của anh, thứ nổi bật nhất chính là những tờ giấy khen treo trên tường.
Năm 2017, Bàng Trung Vương đã thi đỗ Đại học Thanh Hoa với số điểm 744, trở thành thủ khoa tại Hà Bắc. Đại học Thanh Hoa là ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc và luôn nằm trong top những ngôi trường hàng đầu thế giới về chất lượng đào tạo.
Khi ấy, câu chuyện về chàng trai mạnh mẽ và hiếu thảo mới được công chúng biết đến. Ai ai cũng ngưỡng mộ và khâm phục nỗ lực của Bàng Trung Vương. Một số người còn đề nghị tài trợ cho Bàng Trung Vương nhưng điều đáng ngạc nhiên là anh đã từ chối: "Lớn lên trong gia đình nghèo khó, tôi biết rằng kiếm tiền là việc không hề đơn giản, mọi người cũng phải chăm chỉ mới kiếm được tiền. Không nhận tài trợ cũng là một bài tập cho tôi. Tất cả những gì tôi phải làm trong suốt 4 năm đại học là học tập chăm chỉ để cơ hội này không bị lãng phí".
Sự siêng năng và lạc quan quả thực đã giúp Bàng Trung Vương thoát khỏi số phận. Trong 4 năm đại học, anh đã giành rất nhiều giải thưởng, còn giữ chức Bí thư Đoàn Thanh niên. Không chỉ thành công tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, Bàng Trung Vương còn được tuyển thẳng lên học chương trình Tiến sĩ, không qua học Thạc sĩ. Chỉ đáng tiếc, mẹ của Bàng Trung Vương đã qua đời trong lúc anh đang học đại học nên không thể tận mắt chứng kiến ngày con trai mình mặc áo cử nhân.
Đổi đời nhờ những lời răn của mẹ
Giờ đây, cuộc sống của Bàng Trung Vương đã thay đổi hoàn toàn sau những nỗ lực không mệt mỏi. Anh tìm được một công việc ổn định với mức lương cao, nhờ đó giúp gia đình trả hết nợ nần và sống sung túc hơn. Bàng Trung Vương cũng có một cô bạn gái luôn thấu hiểu và chia sẻ với anh, không chê xuất phát điểm thấp của anh.
Nhìn lại toàn bộ hành trình đã đi qua của Bàng Trung Vương, người mẹ đóng vai trò quan trọng hình thành nên tính cách và thành công của anh. Chính mẹ anh là người không bỏ cuộc khi con trai bị bệnh, cố gắng làm lụng đến suy kiệt để con trai được đi học đầy đủ.
Mẹ của Bàng Trung Vương kiếm sống bằng nghề thêu thùa nên bàn tay luôn có những vết kim đâm. Nhìn tay mẹ, Bàng Trung Vương không khỏi thương xót hỏi: "Tại sao mẹ phải làm vậy?". Bà chỉ mỉm cười nói với con: "Thứ này có thể kiếm ra tiền, kiếm được tiền thì sẽ mua được đồ ăn ngon". Bàng Trung Vương đã học được từ mẹ sự lạc quan và thái độ tích cực với cuộc sống như vậy.
Mỗi khi gặp bài tập khó không thể làm được, Bàng Trung Vương lại nhớ đến lời mẹ: "Dù gặp phải chuyện gì thì con cũng phải giải quyết, vì con sẽ luôn phải đối mặt với vấn đề tiếp theo". Nhờ đó, anh học được niềm tin bất khuất và tinh thần tự chủ, đồng thời cũng hiểu rằng cuộc sống luôn rất khắc nghiệt, không bao giờ dừng lại.
Thủ khoa đại học một thời tâm sự: "Mỗi lần nghĩ về mẹ, đêm nào tôi cũng trằn trọc không ngủ được". Tuy nhiên, khi nhớ lại lời mẹ căn dặn, anh lại lấy đó làm động lực vực dậy tinh thần: "Cuộc sống chắc chắn sẽ có những khúc ngoặt, con phải mạnh mẽ để cuộc sống có ý nghĩa hơn".
Câu chuyện của Bàng Trung Vương đã truyền cảm hứng cho nhiều người rằng dù có rơi vào hoàn cảnh khốn khó đến mức nào thì chúng ta cũng không nên bỏ cuộc và kiên trì theo đuổi ước mơ.