Bỏ trốn khỏi nơi cách ly phòng lây nhiễm dịch do virus Corona chủng mới (Covid-19) có thể bị phạt tới 100 triệu đồng, phạt tù tới 10 năm...
Giữa tâm điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona Vũ Hán (Covid-19), gần đây xảy ra tình trạng, một số người trong diện cách ly để phòng ngừa lây lan bỏ trốn khỏi nơi cư trú, cách ly. Điển hình là trường hợp thanh niên ở “tâm dịch” Vĩnh Phúc ngày 14/2 bỏ đi Lai Châu chơi Valentine khiến cả nhà bạn gái phải cách ly.
Bỏ trốn khỏi nơi cách ly phòng lây nhiễm dịch do virus Corona chủng mới (Covid-19) có thể bị phạt tới 100 triệu đồng, phạt tù tới 10 năm...
Vậy trường hợp không chấp hành lệnh cách ly vi phạm quy định nào và có thể đối diện với hình phạt ra sao?
Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: Điều 8 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm các hành vi như: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
Điều luật này cũng nghiêm cấm che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Theo Luật sư, Điều 6 Nghị định 176/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế: Cá nhân nào phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng.
Khoản 2 Điều 6 Nghị định này quy định, cá nhân che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cá nhân nào phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch mà không khai báo hoặc che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác thì đều bị xử phạt theo quy định như trên.
Bên cạnh đó, Điều 10 của nghị định 176/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, mức phạt có thể lên đến 10 triệu đồng. Cụ thể:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo khoản 3 của điều luật nêu trên.
Ngoài ra, hành vi không khai báo, trốn khỏi nơi cách ly… còn có thể xử lý về hình sự theo Điều 315 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Theo đó, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trước đó, ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) thuộc nhóm A (nhóm có mức độ nguy hiểm cao nhất). Căn cứ vào Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì bệnh truyền nhiễm được chia làm ba loại A, B và C. Theo đó, bệnh truyền nhiễm nhóm A là mức độ nghiêm trọng nhất gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Đối với các bệnh thuộc nhóm A, khai báo y tế, cách ly người bệnh là một trong những biện pháp hành chính đầu tiên khi có dịch để đảm bảo an toàn cộng đồng nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Ngày 13/2, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định cách ly tạm thời đối với xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) – nơi được coi là “tâm dịch” virus Covid-19 của cả nước.
Nội dung quyết định cho biết, khu vực được cách ly sẽ cấm các hoạt động ra, vào khi chưa được người có thẩm quyền cho phép; Đồng thời, chính quyền sở tại cấm đưa ra khỏi vùng dịch những vật phẩm, động vật, hàng hóa có khả năng lây truyền bệnh dịch; cấm tụ tập, tập trung đông người trái phép…