Với mong muốn tạo ra những nội dung độc đáo, mới lạ, nhiều người trẻ đã chọn cách về quê sống để làm sáng tạo trên nên tảng Tiktok, youtube. Điều này cũng góp phần quảng bá văn hóa, ẩm thực của làng quê đến với đông đảo người xem.
Lý Tử Thất (Trung Quốc) là một trong những người làm sáng tạo nội dung về ẩm thực quê hương nổi tiếng toàn cầu. Hình ảnh cô thôn nữ tự tay trồng cây, chặt tre nứa, làm vườn đi qua khung cảnh 4 mùa xuân, hạ, thu, đông đã làm mê mẩn khán giả toàn cầu, kể cả những đất nước có nền văn hóa khác biệt với Á Đông. Lý Tử Thất kiếm nhiều tiền từ thù lao của youtube, các hợp đồng quảng cáo, hợp tác bán sản phẩm.
Cô được yêu mến bởi tính chân thực, góc quay đẹp, các món ăn có công thức dễ dàng để học theo. Sau hiện tượng Lý Tử Thất, nhiều người trẻ tại Việt Nam cũng bắt đầu trào lưu về quê làm video và chia sẻ lên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, youtube và đạt được nhiều thành công nhất định như An Đen, Cô láng giềng, Sang Vlog...
Nội dung văn minh, có chiều sâu
Một trong những mặt tích cực nhất mà những người làm sáng tạo nội dung ở làng quê mang đến chính là nội dung có chiều sâu, có giá trị với người xem. Người dùng mạng xã hội hiện nay đã quá không còn quá mặn mà với các video khoe thân, phát ngôn gây sốc hay thể hiện sự giàu có. Họ ưa chuộng và thích tìm về với thiên nhiên, động vật, cuộc sống thôn dã thân thương.
Chính vì thế, không quá khó hiểu khi các youtuber, Tiktoker chia sẻ về cuộc sống ở quê lại dễ dàng thu hút sự quan tâm và tương tác của người xem. Bạn Ngọc Huyền (NV văn phòng tại TP HCM) thường xuyên xem các video của vlogger An Đen và cảm thấy thoải mái với những thước phim dễ thương, đôi khi lại có phần hài hước. "An không trau chuốt về ngoại hình, trang phục đơn giản làm mình có cảm giác như đang xem người chị hàng xóm nhà bên ở dưới quê. Đi làm về chỉ thích xem những thứ đơn giản, nhẹ nhàng như thế", cô nói thêm.
Việc làm nội dung trên nền tảng mạng xã hội cũng có thể đem đến một khoản thu nhập nhỏ bên cạnh công việc chính, nhiều người thậm chí còn làm sáng tạo nội dung toàn thời gian và có thu nhập tốt. Các nội dung quen thuộc như: chia sẻ công thức nấu món ăn vùng miền, chế biến đặc sản sẵn có từ quê hương, làm sản phẩm organic, chia sẻ về lối sống miền quê, thử thách sinh tồn thu hút đông đảo lượng người quan tâm theo dõi.
Vlogger Tuấn Khang bắt đầu lập kênh từ tháng 1 năm 2022 sau thời gian về quê vì dịch bệnh nghiêm trọng. Những hình ảnh lúc đi làm ruộng, chăn vịt, làm các món ăn miền Tây đi kèm với giọng nói hài hước, mộc mạc đã mang đến cho anh gần 500.000 lượt theo dõi và 7,2 triệu lượt thích trên Tiktok. Bỏ công việc làm ở công ty gỗ tại TP HCM kiêm xe ôm công nghệ, Tuấn Khang giờ đây đã là cậu trai vlogger được nhiều người yêu mến và tạo ra những giá trị riêng cho bản thân mình.
Tuấn Khang, Hoài Thương là hai bạn trẻ được yêu mến trên nền tảng Tiktok với các nội dung thân thuộc, mộc mạc
Không chỉ các bạn trẻ, nhiều vlogger trung niên, có tuổi sống tại làng quê cũng nhanh chóng làm các video có nội dung dân dã. Họ dễ dàng hòa nhập với môi trường làm sáng tạo nội dung dưới sự giúp đỡ của ekip "cây nhà lá vườn", con cháu, bạn bè. Chuyên nghiệp hơn thì sử dụng các thiết bị quay chụp tốt để nâng cao chất lượng video. Kết hợp với kĩ năng nấu ăn sẵn có, những vlogger bước ra từ vườn sớm gây được thiện cảm với người xem.
Thông qua các nội dung này, nhiều người trẻ xa quê có cơ hội để hoài niệm về nơi chôn rau cắt rốn, các bạn trẻ thành phố lại được dịp phiêu du qua nhiều miền thôn dã trên khắp đất nước, tìm hiểu ẩm thực, phong tục địa phương.
Lan tỏa giá trị tích cực, làm đẹp hình ảnh quê hương
Ngày càng có nhiều các bạn trẻ "bỏ phố về quê" để làm việc vì áp lực sống và chi tiêu tại thành phố quá lớn. Việc phổ biến các nội dung tích cực từ làng quê sẽ giúp cho nhiều người có cái nhìn đa chiều, chân thật. "Cuộc sống ở miền quê chưa hẳn đã nhàm chán và thiếu đi cơ hội. Cơ hội làm việc hiện nay gần như sòng phẳng giữa thị thành và nông thôn khi nền tảng công nghệ phát triển. Nhiều người có thể làm việc cho các tập đoàn lớn, làm việc ở nước ngoài mà chỉ cần thông qua màn hình máy tính", Jack Hoàng - một người trẻ đã "bỏ phố về quê" làm du lịch sinh thái, dạy học cho trẻ em ở bản làng bày tỏ quan điểm.
Vlooger Anh nông dân
Những video này đã góp phần quảng bá hình ảnh địa phương với nhiều khách du lịch trên khắp cả nước, thậm chí với cả khách quốc tế. Vlogger Hồng Lam thường xuyên giới thiệu nhiều món ăn gắn với tuổi thơ của nhiều người Việt như: thịt ngâm mắm, dưa chua, cà pháo...Cô từng cùng vlogger Anh nông dân "giải cứu" mận Sơn La, giúp đỡ bà con nông dân.
Làng quê Việt Nam hiện lên thật đẹp đẽ qua những góc nhìn phong phú và giản dị. Tuy nhiên, người xem vẫn rất tỉnh táo, nếu nội dung thể hiện sự dàn dựng, sắp đặt hoăc sai sự thật sẽ bị tẩy chay và lên án. Bạn Minh Châu (quận 10, TP HCM) cho rằng mạng xã hội chia sẻ video hiện nay không còn chỗ cho sự giả dối, nếu đã làm những video về miền thôn quê, người sáng tạo nội dung cần làm sao để giữ nguyên vẻ đẹp, truyền tải giá trị nội tại vốn có chứ không phải tô hồng hay bôi đen sự thật. Như vậy vô tình làm mất đi hình ảnh đẹp của vùng quê đó trong mắt người xem".
Điều "níu chân" khán giả ở lại, các kênh Tiktok, youtube này chính là khung cảnh đồng quê thân thuộc và sự chân thành, mộc mạc của các vlogger. Cái khó của người làm sáng tạo nội dung ở mảng này chính là việc tránh thương mại hóa video của mình, chèn quảng cáo lộ liễu làm người xem mất hứng. Đã có nhiều vlogger bị khán giả phàn nàn vì quảng cáo vô tội vạ, không có chọn lọc.
Vlogger Hồng Lam
Theo Như Quỳnh (nhân viên sáng tạo nội dung tự do) chia sẻ: "Ai cũng cần phải kiếm tiền nhưng mình mong rằng các bạn youtuber, Tiktoker nên chọn lựa sản phẩm phù hợp với nội dung kênh của mình, chọn sản phẩm có chất lượng đảm bảo và không bóp mép những hình ảnh đáng trân trọng của quê hương để phục vụ cho mục tiêu thu nhập".