Bước phát triển vượt bậc trong xét nghiệm virus HIV

Ngày 26/04/2016 13:45 PM (GMT+7)

Với phương pháp mới này, thời gian “cửa sổ” khi xét nghiệm HIV sẽ rút xuống rất thấp, nếu trước đây là 3 tháng thì hiện nay chỉ mất 7 đến 10 ngày.

Ngày 26/4, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tổ chức họp báo giới thiệu “Ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm NAT (Kỹ thuật sinh học phân tử) – Kỷ nguyên mới bảo đảm an toàn truyền máu”, đây là kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc máu tiên tiến nhất hiện nay.

Theo GS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, kỹ thuật NAT được thực hiện trên máy xét nghiệm sinh học phân tử hoàn toàn tự động sàng lọc virus HBV, HCV, HIV cho độ chính xác cao, độ nhạy cao, đem hiệu quả rõ rệt trong việc rút ngắn thời gian cửa số phát hiện các virus.

“Kỹ thuật này mở ra kỷ nghiên mới đảm bảo an toàn truyền máu, cung cấp nguồn máu an toàn kịp thời”, GS Nguyễn Anh Trí nhận định.

Được biết, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương là đơn vị đầu tiên trên cả nước chính thức cung cấp tất cả các đơn vị máu, chế phẩm máu đều được sàng lọc bằng xét nghiệm NAT.

Bước phát triển vượt bậc trong xét nghiệm virus HIV - 1

GS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Ngoài việc tự động sàng lọc các virus như HIV, kỹ thuật xét nghiệm này còn trực tiếp phát hiện các ADN hoặc RNA của virus thông qua các nhân bản đoạn gen đặc hiệu của virus và sau đó xác định chính xác virus đã nhiễm, rút ngắn thời gian cửa sổ phát hiện virus lây nhiễm và cho kết quả có độ nhạy cao.

“Nếu như trước kia, để phát hiện chính xác máu có bị nhiễm virus hay không, người ta sử dụng phương pháp xét nghiệm Elisa. Với phương pháp này, khoảng thời gian cửa sổ cho HIV là 3 tháng, còn viêm gan B là 85 ngày. Nhưng với việc áp dụng phương pháp này, khoảng thời gian cửa sổ cho xét nghiệm virus HIV chỉ còn 7 đến 10 ngày”, GS Trí nói.

Theo đại diện lãnh đạo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương trong năm 2016 cả nước dự kiến tiếp nhận khoảng 1,3 triệu đơn vị máu và dự kiến sẽ tăng lên 1,8 triệu đơn vị máu vào năm 2020, do đó việc đảm bảo an toàn truyền máu luôn được đặt lên hàng đầu, trong đó xét nghiệm sàng lọc máu, đảm bảo an toàn truyền máu là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất góp phần đạt được mục tiêu phát triển y tế của đất nước.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề HIV/AIDS