Dù nhu cầu tiêu thụ cà phê dịp Tết tăng không đáng kể nhưng nhiều cơ sở sản xuất cà phê “bẩn” ở Đắk Lắk vẫn hoạt động rầm rộ
Trong vai chủ quán cà phê đi mua 50 kg cà phê bột, chúng tôi tới cơ sở rang xay ở phường Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, nhiều bao cà phê bột đóng sẵn chờ tiêu thụ, ngổn ngang can, lọ đựng hóa chất, nguyên liệu toàn bắp và đậu nành để dưới nền nhà. Theo chủ cơ sở này, mấy ngày qua phải tăng 300% công suất nhưng cũng phải làm tới 29 Tết mới đủ hàng.
Trước đó, cuối tháng 1, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường của Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bột của ông Nguyễn Đình Quang (ngụ xã Hòa Khánh). Xưởng chế biến là ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, bụi bặm; nguyên liệu cà phê, bắp, đậu nành và hóa chất để dưới nền xi măng cáu bẩn. Ông Quang không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất cà phê bột nhưng thừa nhận mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 100 kg cà phê bột. Cà phê bột của ông Quang chỉ có 10% cà phê, còn lại là bột bắp, đậu nành rang cháy và các loại hóa chất không rõ nguồn gốc.
Công an tỉnh Đắk Lắk thu giữ nhiều can, gói hóa chất tại cơ sở chế biến cà phê của ông Nguyễn Đình Quang
Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đắk Lắk, qua khảo sát 30 cơ sở chế biến thì có 73,3% cơ sở ngoài cà phê còn dùng thêm đậu nành; 46,7% cơ sở dùng thêm bắp; 6,7% dùng thêm đậu đỏ và 4/27 mẫu cà phê không đạt chất lượng. Tuy nhiên, việc khảo sát chỉ tập trung ở các cơ sở có tên tuổi; còn các cơ sở chế biến chui, nhỏ lẻ thì chắc chắn tỉ lệ mẫu không bảo đảm chất lượng sẽ rất lớn. Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đắk Lắk, cho rằng cà phê bẩn tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bột đậu nành, bột bắp cháy đen tẩm hóa chất nếu dùng lâu ngày sẽ rất nguy hại.
Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Đắk Lắk, cho rằng do thiếu máy móc, thiết bị kiểm tra nên việc xử lý cơ sở chế biến cà phê bẩn rất khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thị Lý, chủ quán cà phê Bảo Tàng (đường Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột), hiện rất ít người dùng cà phê nguyên chất mặc dù loại cà phê này chỉ hơn cà phê pha sẵn 3.000 đồng/ly. Trung bình mỗi ngày, quán bán hơn 200 ly, trong đó chỉ khoảng 20-30 ly là cà phê nguyên chất xay pha trực tiếp.
Còn theo chủ một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, hiện sản phẩm cà phê bột của doanh nghiệp chủ yếu phục vụ xuất khẩu chứ không cạnh tranh nổi ở thị trường nội địa. Nguyên nhân là do sản phẩm cà phê bột của doanh nghiệp có hàm lượng cà phê khoảng 80% nên giá cao hơn, không đắng và sệt so với các loại cà phê mà các quán thường bán.
Thành lập hiệp hội những nhà rang xay Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho rằng cơ sở rang xay cà phê bột kém chất lượng làm ảnh hưởng uy tín thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Để siết chặt quản lý cà phê rang xay, trong năm nay, hiệp hội có kế hoạch thành lập hội những nhà rang xay. Theo đó, sẽ đề ra một quy chế nội bộ sử dụng logo cà phê Buôn Ma Thuột trên các bao bì sản phẩm cà phê bột. Quy chế này được ban hành dựa trên sự thỏa thuận, đồng ý của các nhà rang xay tham gia. Những ai làm đúng quy trình, tiêu chuẩn sẽ được phép in logo cà phê Buôn Ma Thuột lên trên bao bì, không đủ điều kiện nhưng vẫn gắn logo cà phê Buôn Ma Thuột thì sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xử lý. |