Khả năng lây nhiễm virus viêm gan B cao hơn HIV từ 50 đến 100 lần, chủ yếu qua đường máu, sinh hoạt tình dục, lây từ mẹ sang con…Tuy nhiên, căn bệnh này có thể phòng tránh hiệu quả bằng cách tiêm phòng vắc xin.
Theo Bộ Y tế Việt Nam, để phòng chống viêm gan B ở trẻ nhỏ, thì cách ngăn ngừa hiệu quả nhất là tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu tiên sau sinh và tiêm đủ mũi sau đó theo lịch.
Theo cách chuyên gia, bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên thế giới, gây ra bệnh viêm gan cấp tính, mãn tính và gây tử vong khoảng 1,5 triệu người mỗi năm, chủ yếu do nhiễm vi rút viêm gan B và C.
Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan cao. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B từ 15% - 20% dân số, nhiễm vi rút viêm gan C từ 2% - 6%.
Nhiều trường hợp tử vong vì xơ gan và ung thư gan có liên quan đến viêm gan B và C. Viêm gan B mãn tính và viêm gan C mãn tính là hai nguyên nhân thường gặp dẫn đến xơ gan và ung thư gan ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tiêm vắc xin VGB cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sơ sinh để đạt hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
Khả năng lây nhiễm viêm gan B cao hơn HIV từ 50 đến 100 lần, chủ yếu qua qua đường máu, lây từ mẹ sang con, sinh hoạt tình dục, nguy cơ khi dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo... với người bệnh.
Phương thức lây nhiễm phổ biến nhất là lây nhiễm trong khi sinh: trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10% - 90% nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B, đặc biệt trong trường hợp mẹ có xét nghiệm HBsAg+ và HBeAg+ thì 70-90% trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm vi rút viêm gan B.
90% số trẻ bị nhiễm vi rút viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và hậu quả lâu dài là dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Tại Việt Nam, khoảng 10%-12% phụ nữ mang thai bị nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính.
Trước tính chất nguy hiểm của căn bệnh này, Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định nhiễm vi rút viêm gan B có thể kiểm soát một cách hiệu quả thông qua tiêm chủng vắc xin viêm gan B.
WHO khuyến cáo, gia đình cần cho trẻ sơ sinh tiêm liều vắc xin viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi sinh (trong vòng 24 giờ đầu). Việc tiêm vắc xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày, nếu tiêm sau 7 ngày thì khả năng phòng lây nhiễm chỉ còn từ 50-57%.
Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong những năm qua Việt Nam đã đạt được những tiến bộ lớn trong công cuộc phòng chống bệnh viêm gan B, đã đưa tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B có HBsAg (+) ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 2% vào năm 2014 và tiếp tục hướng tới mục tiêu giảm xuống dưới 1% vào năm 2017.
Để có thể đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ khi mới lọt lòng mẹ và bổ sung các liều tiếp theo theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo sức khỏe của trẻ và bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm viêm gan vi rút.
Vì sức khỏe và tương lai của con bạn, hãy đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường. Thông tin chi tiết, tham khảo thêm tại website: http://tiemchungmorong.vn/vi |