Chưa đến Tết nhưng liên tiếp trong 5 ngày, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 4 trường hợp tử vong vì ngộ độc quá trầm trọng.
BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong những ngày qua trung tâm liên tiếp tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc rượu. Trong 5 ngày, có 4 trường hợp tử vong do ngộ độc rượu có nồng độ cồn công nghiệp methanol quá cao (hơn 120 mg/dl).
Được biết, các bệnh nhân đều là nam giới ở tầm tuổi 40-50, khi nhập viện đều ở trong tình trạng nguy kịch vì hôn mê, ngừng tim, tụt huyết áp, tổn thương thận, tổn thương não. Các bệnh nhân đều được đưa vào Bệnh viện 198 (Hà Nội) cấp cứu, sau đó chuyển đến Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).
Theo thông tin từ người nhà, các bệnh nhân này trước đó đều có uống “rượu quê” mua ở quanh khu vực đang sinh sống. Từ những thông tin trên, các bác sĩ nhận định, nhiều khả năng các bệnh nhân đã uống phải rượu quê giả được pha từ methanol.
Một bệnh nhân ngộ độc rượu đang được các bác sĩ điều trị.
Thực tế, đây không phải là những trường hợp đầu tiên tử vong do ngộ độc rượu trong những ngày đầu năm 2017. Trước đó, một hợp một bệnh nhân trung niên ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc trong tình trạng ngộ độc rất nặng sau khi uống rượu liên tục 2-3 ngày.
BS Nguyên cho biết, khi tiến hành làm xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện hàm lượng methanol trong máu của bệnh nhân này lên tới gần 300 mg/100 ml máu (trong khi chỉ với mức trên 20mg/ml máu đã được ghi nhận là ngộ độc).
Dù được lọc máu, dùng các thuốc giải độc và sử dụng tất cả các máy trợ tim mạch ngay khi nhập viện nhưng kết quả đánh giá cho thấy bệnh nhân bị suy thận, tổn thương não nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi, không thể cứu chữa nên gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà.
Trong những ngày giáp tết hình ảnh chở rượu không nhãn mác, núp bóng rượu quê rất phổ biến trên đường phố Hà Nội.
BS Nguyên cho biết, thông thường ngộ độc rượu bắt nguồn từ 2 loại, một là từ rượu ethanol (rượu thực phẩm được lên men), hai là rượu methanol sử dụng cồn công nghiệp. Trong những năm gần đây, xu hướng bệnh nhân ngộ độc rượu methanol đang ngày một tăng, tỷ lệ tử vong và để lại di chứng rất cao (mù mắt, tổn thương não…).
Để phòng ngộ độc rượu, bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân không nên uống rượu hoặc uống có chừng mực, lựa chọn loại có nguồn gốc rõ ràng. Sau khi uống nếu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… thì người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.