Cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần, những chú hổ với nhiều kích thước mẫu mã khác nhau cứ ra lò đến đâu là hết đến đó, hàng bán “đắt như tôm tươi”.
Khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần cũng là lúc những người thợ gốm ở Bát Tràng làm việc luôn chân, luôn tay. Điều khác biệt trong dịp cận tết năm nay là các mẫu hổ đất vô cùng đắt hàng, ra đến đâu hết đến đó. Hàng không đủ bán, các tiểu thương nhỏ lẻ phải đi gõ cửa từng cơ sở để nhập các mẫu hổ giao cho khách hàng.
Chia sẻ về lý do hổ đất năm nay đắt hàng, các chủ cơ sở sản xuất cho rằng có cả nguyên nhân khách quan, lẫn chủ quan. Chị Nguyễn Thị Mai Hương (đội 2, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, trước khi Hà Nội mở cửa hoạt động trở lại, làng gốm Bát Tràng luôn ở trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Do vậy, việc sản xuất đình trệ, không có hàng chuẩn bị sẵn nên cận Tết sản xuất không kịp.
Hổ đất đủ kích cỡ, mẫu mã cứ ra lò đến đâu là hết đến đó.
Một lý do khác khiến các mẫu hổ đất không có hàng bán là do 2 năm vừa qua dịch bệnh khiến mọi mặt đời sống khó khăn, vì thế mọi người cũng muốn có “con hổ” trong nhà, mong năm mới mạnh mẽ như hổ.
Riêng tại cơ sở sản xuất của chị Hương, đến thời điểm hiện tại đã có đơn đặt hàng lên đến 15.000 con hổ đất, đó là chưa kể các mối hàng lẻ liên tục gọi điện để đặt hàng giao cho khách.
“Dịch bệnh cũng khiến phương thức kinh doanh thay đổi, nhiều người bán online khi có gom đủ đơn hàng họ sẽ gọi điện cho tôi để lấy hổ lẻ. Để có thể ổn định sản xuất, chúng tôi cũng phải tự bảo vệ mình như làm việc đảm bảo giãn cách. Khi tiền về tài khoản, chúng tôi gói hàng để ra cửa và khách đến chỉ việc mang đi”, chị Hương cho biết.
Điện thoại chị Hương liên tục "cháy máy" vì nhận nhiều cuộc gọi đặt hàng.
Quy trình làm hổ đất cũng khá phức tạp, không giống như làm lợn đất truyền thống. Theo đó, ngoài việc nhiều góc cạnh hơn, trang trí khó hơn thì vấn đề an toàn cũng rất quan trọng bởi không cẩn thận sẽ gãy tai, sứt răng và cụt đuôi...
“Không kể to hay nhỏ, cái khó nhất khi làm hổ đất đó là phải thể hiện được sự uy phong, nhưng không kém phần mềm mại. Vì thế ngay từ khâu đúc khuôn, cho đến khi trang trí, ra lò đều phải rất cẩn thận”, chị Hương chia sẻ.
Cận cảnh quy trình sản xuất hổ đất tại làng gốm Bát Tràng:
Bước đầu tiên để tạo nên một con hổ đất là phải chuẩn bị những khuôn ghép được tạo hình trước bằng thạch cao.
Công việc này tương đối nặng nhọc, nhất là những mẫu hổ to, các khuôn có kích thước lớn như chiếc cối xay.
Khi đã ghép được khuôn, những người thợ gốm phải dùng dây co giãn buộc chặt để tạo hình khối phía trong.
Nguyên liệu được rót vào khuôn đã ghép sẵn, sau đó chờ một thời gian để tạo hình.
Khi đã đủ thời gian, những người phụ nữ "lực điền" này lại tách khuôn để lộ hình con hổ đất phía trong. Việc tách khuôn cũng cần phải vô cùng khéo léo vì hổ được tạo hình vẫn mềm, rất dễ bị méo mó.
Hình dạng hổ đất nguyên khối được đưa ra ngoài khuôn vẫn chưa được "sửa chữa".
Những chú hổ khi khô sẽ được đánh lại cho sáng bóng và lau những góc cạnh xù xì xung quanh.
Từng chi tiết nhỏ phải đặc biệt cẩn thận, bởi chỉ cần mạnh tay răng hổ sẽ rời ra và sẽ phải bỏ toàn bộ sản phẩm.
Các chú hổ sau khi được "tắm rửa" sạch sẽ được các nghệ nhân tạo hình tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ.
Công đoạn phun tạo hình màu cho hổ rất quan trọng...
...tiếp sau đó các chú hổ đất sẽ được vẽ những đường nét, hoa văn lên mặt và cơ thể.
Công đoạn vẽ họa tiết này sẽ thể hiện được thần thái của "chúa sơn lâm" sau khi ra lò.
Hổ sau khi được "trang điểm", phun tạo màu sẽ được cho vào lò nung với nhiệt độ từ vài trăm, lên đến cả nghìn độ C.
Những chú hổ con được tạo màu đẹp mắt, bên cạnh đó là những chú hổ còn nguyên màu tráng men để cơ sở đặt hàng in tên thương hiệu lên trên.
Ngoài những chú hổ nhỏ dễ thương, năm nay rất nhiều người ưa chuộng hổ có kích thước lớn, thể hiện sự uy phong.