Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc WHO công nhận nước ta là quốc gia đạt chuẩn quốc tế về quản lý và sản xuất vắc xin sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam xuất khẩu vắc xin ra thế giới.
Trước thực trạng bệnh tật ở Việt Nam cũng như toàn cầu đang có những diễn biến phức tạp, vấn đề sản xuất và phát triển vắc xin là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết. Chính vì lý do đó, ngày 22/12 Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo về sản phẩm quốc gia vắc xin Việt Nam – Phát triển và hội nhập.
Chia sẻ về vấn đề sản xuất và phát triển vắc xin ở Việt Nam, GS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau 13 năm triển khai và thực hiện, bằng những nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành y tế, năm 2015 Việt Nam đã được WHO công nhận về việc đạt chuẩn quản lý quốc tế về vắc xin. Đây là cánh cửa để giúp vắc xin Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Nói về năng lực sản xuất vắc xin của Việt Nam, GS Long cho biết, hiện chúng ta đã tự túc được 10 loại vắc xin và đang tiếp tục nghiên cứu, sản xuất nhiều loại vắc xin mới. Đặc biệt, Việt Nam là một trong 4 quốc gia duy nhất trên thế giới sản xuất được vắc xin Rotavirus.
Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia sản xuất thành công vắc xin Rotavirus.
Chính vì những thành tựu đã đạt được trên, GS Long khẳng định: “Việc nghiên cứu, sản xuất và phát triển vắc xin là một trong những thành tựu y tế lớn ở Việt Nam”.
“Nhờ có vắc xin chúng ta đã loại trừ được nhiều loại bệnh nguy hiểm. Điển hình như bệnh bại liệt, trước đây bệnh lưu hành ở nước ta khá nhiều, nhưng những năm gần đây bệnh bại liệt đã không xuất hiện ở nước ta. Để làm được điều đó, chính là nhờ có vắc xin”, GS Long nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Trần Hiển (Nguyên chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia) cho biết, tiêm chủng được coi là một can thiệp y tế thành công nhất và có chi phí hiệu quả cao nhất.
Theo đó, tiêm chủng đã góp phần giảm 2-3 triệu trẻ tử vong hàng năm và nhờ tiêm chủng chúng ta đã thanh toán được hành loạt các dịch bệnh nguy hiểm như: đậu mùa, tả, bại liệt …và làm giảm hàng loạt các căn bệnh khác như: sởi, viêm gan B, viêm màng não …
Không chỉ có vậy, tiêm chủng có có tác động rất lớn đến sự phát triển của kinh tế và xã hội như việc làm tăng năng xuất lao động, làm tăng tỷ lệ sống ở trẻ đẻ sống. “Nhờ tiêm chủng, chúng ta có cơ hội tiết kiệm chi phí cho điều trị và giảm chi phí mất đi do bố mẹ và người chăm sóc trẻ không phải nghỉ việc không lương do chăm sóc trẻ ốm. Ngoài ra, chi phí cho điều trị lớn gấp 5 lần chi phí cho việc triển khai tiêm chủng phòng bệnh”, GS Hiển cho biết.
Chính vì những lợi ích vô cùng to lớn của vắc xin đối với việc phòng chống bệnh tật, các chuyên gia khuyến cáo mọi người dân hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch và không nên có tâm lý chờ đợi vắc xin dịch vụ.