Dù có công việc ổn định, được đi học mẫu giáo nhưng cuối tuần, mẹ con cậu bé xếp dép cho các bạn dã ngoại vẫn tranh thủ đến khu vực nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP.HCM) gặp, thăm những “người bạn” cũ.
Một buổi sáng cuối tuần, tôi tình cờ gặp lại mẹ con bé Thành Đạt (4 tuổi) - cậu bé từng “dậy sóng” cộng đồng mạng với hành động hồn nhiên xếp dép cho các bạn dã ngoại tại nhà thờ Đức Bà.
Hồi đầu tháng 3, tôi gặp mẹ con bé Đạt lần đầu tiên ở cửa chính Bưu điện Thành phố. Lần này cũng vậy! Tôi thấy họ ở đúng nơi cũ nhưng nhiều thứ đã thay đổi. Chị Phương Linh (26 tuổi – Quảng Ngãi) không còn là người phụ nữ mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai. Chị đã có một công việc ổn định với mức lương đủ để trang trải cuộc sống của hai mẹ con nơi xứ người. Riêng bé Đạt, con đã được đến lớp mầm non, học chữ như bao đứa trẻ khác, đặt biệt bé “có da có thịt” hơn ngày xưa rất nhiều.
“Cuối tuần, tôi đưa bé Đạt ra đây chơi, thăm những người bạn cũ”
Khi hỏi vì sao lại ở đây, chị Phương Linh nói: “Bé Đạt bị đau mắt, tôi xin nghỉ làm đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 2 khám. Chờ lấy sổ, thằng bé đòi ra đây chơi và gặp mấy bác bán hàng rong trước hay cho bánh kẹo, nước ngọt,…Thi thoảng cuối tuần, mẹ con tôi cũng bắt xe buýt số 19 từ Thủ Đức lên nhà thờ Đức Bà. Dù không còn đi nhặt ve chai nhưng nơi này vẫn còn những người bạn cũ, có nhiều kỷ niệm gắn liền với tuổi thơ thằng bé”.
Chị Linh tiếp tục câu chuyện về sự thay đổi lớn trong cuộc đời kể từ ngày ấy. Chị cho hay, sau khi mọi người biết đến hoàn cảnh khốn khó, hai mẹ con đã được giúp đỡ rất nhiều. Chị đã có công việc ổn định tại một cửa hàng sữa với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Với số tiền đó, chị có thể trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày và dành tiết kiệm cho bé Đạt đi học sau này.
Chị Linh đã có công việc ổn định tại một cửa hàng sữa với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng
“Có mơ tôi cũng không dám nghĩ sẽ được trở thành nhân viên tạp vụ của một cửa hàng. Ở đây, các anh chị thương và đối xử tốt với mẹ con tôi lắm! Họ hay cho đồ ăn, hoa quả hoặc bánh kẹo bảo tôi đem về cho bé Đạt”, chị Linh tâm sự.
Hàng ngày, chị Linh dậy từ 6 giờ chuẩn bị cơm sáng cho con. Sau đó, chị chở bé đến trường mầm non cách phòng trọ chừng 15 phút chạy xe đạp. Khoảng 7 giờ sáng, chị đến cửa hàng và bắt tay vào công việc lau dọn. Tan làm, chị rẽ qua chợ mua thức ăn rồi đến trường đón con.
“Bữa tối của hai mẹ con tôi rất đơn giản, chỉ là miếng đậu chiên, thịt rang hay bát canh rau nhưng như vậy đã là sướng lắm rồi! Trước kia, tôi và thằng bé chẳng bao giờ có được một bữa cơm ở nhà. Bữa thì ngồi ngoài vỉa hè ăn, có bữa chỉ được ăn bánh mỳ, thậm chí tôi còn nhịn đói…”, chị Linh nhớ lại bữa ăn hồi còn đi nhặt ve chai.
Chị Linh cho biết thêm, gia đình ngoài quê thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên chị cố gắng chăm chỉ làm việc, nuôi dưỡng bé Đạt lớn khôn và trưởng thành.
“Ở lớp, con được cô dạy viết chữ, học hát,…”
Trong lúc chị Linh ngồi trò chuyện với tôi, bé Đạt không chịu ngồi yên một chỗ. Bé chạy nhảy dọc con đường, đến bên những người bán hàng rong chào hỏi, kể chuyện ở lớp cho họ nghe.
Vẻ mặt hạnh phúc của chị Phương Linh khi nhìn cậu con trai 4 tuổi vui chơi
Lúc sau, Đạt chạy về bên gốc cây – nơi người mẹ ngồi và sà vào lòng. Bé thủ thỉ với mẹ: “Con nhớ ra cô ấy rồi! Cô chính là người mua tập viết và bút cho con”. Sau đó, Đạt hướng ánh mắt về phía tôi và khoe: “Ở lớp, con được cô giáo dạy viết chữ và học hát. Giờ nghỉ, con được chơi cầu tụt, xếp hình bông hoa cùng các bạn”.
Khoe xong chuyện đi học, bé Đạt cất giọng hát “ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba…”. Dù mắt đang đau, người không khỏe nhưng Đạt cho tôi thấy niềm vui trong bé. Có lẽ, sau bao nhiêu thiệt thòi, vất vả, đứa trẻ không cha ấy xứng đáng được hưởng niềm hạnh phúc trong đời.
Ra về, tôi ngỏ ý tặng bé Đạt một món quà kỷ niệm, tuy nhiên bé lắc đầu: “Cô mua tập viết cho con rồi! Con không nhận quà của cô nữa đâu”. Sau đó, bé buồn rầu nhìn về phía mẹ. Đến khi chị Linh gật đầu, bé mới vui trở lại.
Vào cửa hàng đồ chơi, Đạt chọn một chiếc ô tô gỗ. Bé bảo, ước sau này trở thành người lái xe buýt như chú lái xe hay chở mẹ con bé từ phòng trọ lên nhà thờ Đức Bà chơi.
Sau này, bé Đạt ước trở thành người lái xe bus như chú lái xe hay chở mẹ con bé từ phòng trọ lên nhà thờ Đức Bà chơi
Cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng chừng ấy đủ để chúng ta thấy được tấm lòng, sự hiếu học và ước mơ giản dị của một đứa trẻ nghèo. Bé vẫn sẽ mãi là một đứa trẻ mà nhiều người nhớ tới với hành động đẹp. Mong rằng khi lớn lên, bé sẽ trở thành một người giống như chính cái tên gắn bó cả đời – Thành Đạt!