Câu chuyện tiền kiếp với những chi tiết chính xác đến không ngờ đã khiến bố mẹ của cậu bé này không khỏi sốc nặng.
Không ai biết chắc được câu chuyện luân hồi chuyển kiếp có thật sự xảy ra hay không. Tuy nhiên, những câu chuyện về tiền kiếp vẫn từng xảy ra với một số người, để lại những câu hỏi và sự tò mò lớn. Một trong những câu chuyện luân hồi chuyển kiếp nổi tiếng nhất tại Trung Quốc là về một người đàn ông tên Đường Giang Sơn. Anh ta khẳng định kiếp trước mình tên là Trần Minh Đạo, từng bị đánh chết một cách oan ức vào năm 1967.
Đường Giang Sơn sinh năm 1976 tại làng Bất Ma, thuộc thành phố Đông Phương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Bố của anh là ông Đường Chung Kim, mẹ là bà Lâm Thuận Lưu. Ngay từ lúc sinh ra, Đường Giang Sơn đã có một vết bớt lạ ở thắt lưng bên trái, trông giống như một vết sẹo. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng gì đến cuộc sống hàng ngày nên bố mẹ của anh không quá để tâm.
Ngay từ khi còn nhỏ, Đường Giang Sơn đã thông minh và nhạy bén hơn những đứa trẻ cùng tuổi. Năm lên 3, Đường Giang Sơn bất ngờ nói với bố mẹ: "Con không phải là con của bố mẹ. Con tên là Trần Minh Đạo. Con từng bị giết bằng dao hoặc súng". Tuy nhiên, bố mẹ của Đường Giang Sơn tưởng con ngây ngô nói đùa nên không hề quan tâm.
Đường Giang Sơn.
Đến năm Đường Giang Sơn 6 tuổi, một người phụ nữ bán hàng rong đến từ thành phố Đam Châu, tỉnh Hải Nam, đi qua nhà. Đường Giang Sơn dùng phương ngữ Đam Châu để nói chuyện và cầu xin người phụ nữ này mang mình đến đó. Người phụ nữ bán hàng rong vô cùng bất ngờ bởi 2 nơi cách nhau hơn 160 km, phương ngữ cũng khác nhau, làm sao cậu bé này có thể nói được. Tất nhiên, người phụ nữ không đồng ý lời đề nghị này.
Sau khi người bán hàng rong rời đi, mong muốn trở lại Đam Châu của Đường Giang Sơn lại càng mạnh mẽ hơn. Vì vậy, cậu đã cầu xin bố đưa mình tới đó để tìm gia đình thật. Khi ông Đường Chung Kim nói dối mình không biết đường, Đường Giang Sơn lại nói mình biết nhưng bố vẫn không đồng ý. Đường Giang Sơn vô cùng thất vọng, không thiết ăn uống nữa. Thấy con trai như vậy, bà Lâm Thuận Lưu vô cùng đau lòng, biết không thể kéo dài chuyện này nên đành đồng ý.
Ngay sau Tết Trung thu năm 1982, Đường Giang Sơn được bố đưa đến Đam Châu. Khi đến đây, Đường Giang Sơn thực sự đã dẫn bố mình tới làng Hoàng Ngư, qua mấy chặng đường và con sông, cuối cùng cũng đến một ngôi nhà nhỏ.
Vừa bước vào nhà, Đường Giang Sơn đã gọi một người đàn ông lớn tuổi là bố. Người đàn ông này là Trần Nghiêm Anh, bố của Trần Minh Đạo. Sau khi con trai Trần Minh Đạo qua đời, vợ mất và 2 con gái đi lấy chồng, ông Trần Nghiêm Anh sống một mình neo đơn. Vì vậy khi đột nhiên có người đến gọi là bố, lại là một đứa trẻ 6 tuổi, ông không thể tin vào mắt mình.
Trần Minh Đạo, được cho là kiếp trước của Đường Giang Sơn.
Lúc này, Đường Giang Sơn tuyên bố: "Tôi là Trần Minh Đạo, con trai của ông. Năm đó tôi bị đánh chết, sau này tái sinh tại làng Bất Ma, Đông Phương, bây giờ quay về tìm ông". Nghe thấy vậy, ông Trần Nghiêm Anh càng thêm choáng váng. Đường Giang Sơn tiếp tục đi vào các phòng, nói rằng từng người trong nhà đã ngủ ở phòng nào, giường nào, đồng thời dọn ra những thứ y như cũ. Lúc này, ông Trần Nghiêm Anh vô cùng sửng sốt, bế Đường Giang Sơn lên khóc nức nở. Ông Đường Chung Kim thấy vậy cũng khóc không thành tiếng.
Nghe thấy tiếng kêu khóc thảm thiết, những người họ hàng và làng xóm sống quanh đó liền chạy đến xem. Đường Giang Sơn nhìn thấy những người anh họ và bạn bè của Trần Minh Đạo, lập tức gọi lên từng người một, kể về từng chuyện đã cùng nhau làm trước đây. Nghe thấy vậy, tất cả đều tin rằng Trần Minh Đạo đã tái sinh thành Đường Giang Sơn.
Phép màu về câu chuyện luân hồi chuyển kiếp này nhanh chóng được truyền miệng rộng rãi và được nhiều người biết tới. Đến năm 2002, Lý Dục Hoàng, một cán bộ của Cục Kế hoạch gia đình Hải Nam, đã đưa người tới gặp Đường Giang Sơn để xác minh sự thật.
Lúc này, Đường Giang Sơn đã 26 tuổi. Anh vẫn sống ở Đông Phương nhưng thỉnh thoảng quay về Đam Châu để gặp người bố Trần Nghiêm Anh. Khi trưởng thành và kết hôn, anh cũng đưa vợ về gặp bố, nhiều lần chu cấp tiền cho ông như con ruột. Đến năm 1998 thì ông Trần Nghiêm Anh qua đời. Đường Giang Sơn lập tức chạy đến lo tang lễ cho bố với tư cách là con trai Trần Minh Đạo, thậm chí còn ở đó hơn 3 tháng mới quay về.
Anh họ của Trần Minh Đạo.
Ông Trần Nghiêm Anh rất nghèo khó nhưng vẫn để lại di sản là một ngôi nhà và một mảnh vườn. Những người trong làng tin rằng Đường Giang Sơn chính là kiếp sau của Trần Minh Đạo nên đã khuyên anh kế thừa di sản này, trở về đó sống vì điều kiện ở Đông Phương không bằng ở đó. Tuy nhiên, Đường Giang Sơn nói rằng anh không muốn nhận nên đã giao cho người anh họ. Anh nói rằng bố mẹ ở Đông Phương đã già yếu nên phải về đó phụng dưỡng.
Khi Lý Dục Hoàng tới gặp Đường Giang Sơn và nghe câu chuyện này, anh ta hoàn toàn tin mọi chuyện là thật, bởi làm gì có kẻ nào lại đi nói dối mà không mưu cầu lợi ích cho bản thân, thậm chí còn phụng dưỡng và báo hiếu một người lạ. Lý Dục Hoàng cũng phát hiện ra rằng Đường Giang Sơn đã bỏ học từ năm lớp 2 nhưng lại biết nhiều nhân vật, cách nói chuyện không giống người mù chữ. Năm 6 tuổi, Đường Giang Sơn từng đọc được hết chữ trên các biển báo dù không được ai dạy. Trong khi đó, tiền kiếp của anh ta là Trần Minh Đạo vốn là một trí thức học rộng hiểu nhiều.
Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là khi Đường Giang Sơn chỉ ra vết sẹo ở thắt lưng trái của mình. Anh cho biết đây là dấu vết bị dao đâm ở kiếp trước. Năm đó, làng Hoàng Ngư và làng lân cận có xung đột nhiều năm nên đã tìm cách trả thù nhau, khiến nhiều người thương vong. Khi nhớ về kiếp trước, Đường Giang Sơn vẫn tỏ ra đau đớn nhưng nói rằng anh không muốn trả thù, chỉ muốn 2 làng từ bỏ thù cũ, sống hòa thuận với nhau. Lời nói này đã khiến Lý Dục Hoàng cảm động và tin rằng người đàn ông trước mặt mình không có lý do gì để nói dối. Lý Dục Hoàng đã viết một bài tổng hợp gửi cho tạp chí Phụ nữ phương Đông, do Liên đoàn Phụ nữ tỉnh Hải Nam quản lý.
Sau khi đọc câu chuyện, biên tập viên của tạp chí rất sốc. Để đảm bảo tính xác thực và chặt chẽ, ông Phú Thịnh Mao, tổng thư ký của Hiệp hội Di truyền Hải Nam, đã tiến hành một cuộc điều tra khác với anh Đường Giang Sơn. Lần này, họ đưa anh Đường Giang Sơn về Đam Châu. Khi thấy anh, những người trong làng đều rất mừng rỡ và khẳng định anh chính là Trần Minh Đạo.
Vợ của Đường Giang Sơn.
Chị cả của Trần Minh Đạo, bà Trần Mạc Thái cho biết: "Khi tôi hỏi anh ấy về đặc điểm của anh trai tôi, anh ấy nói có một nối ruồi ở dưới nách trái. Dựa vào đó, tôi đã nhận ra anh ấy". Anh họ, người yêu cũ của Trần Minh Đạo cùng nhiều người trong làng cũng làm chứng chuyện này. Sau đó, một cán bộ ở Đam Châu cũng đưa ra bằng chứng sắt đá về cuộc tấn công giữa 2 làng với nhau, gây ra cái chết của Trần Minh Đạo. Chuyện này, Đường Giang Sơn không hề được nghe kể nhưng vẫn có thể tả lại rõ mồn một.
Cuối cùng, bài báo về câu chuyện luân hồi chuyển kiếp của Đường Giang Sơn được đăng báo vào năm 2002. Từ đó, câu chuyện của anh ta lại càng thu hút sự chú ý hơn.
Năm 2013, đài truyền hình Hải Nam một lần nữa đưa tin về Đường Giang Sơn. Họ cử một phóng viên là người Đam Châu đến trò chuyện. Phóng viên này xác nhận Đường Giang Sơn có thể nói chuyện bằng phương ngữ Đam Châu. Những bằng chứng như vết sẹo ở thắt lưng trái, sự tương tác tự nhiên giữa Đường Giang Sơn với những người ở Đam Châu đã đập tan mọi nghi ngờ của phóng viên.
Và dù ở Đông Phương hay Đam Châu, phóng viên không thể tìm được lời nói tiêu cực nào về Đường Giang Sơn. Tất cả đều cho biết anh ta đã phụng dưỡng ông Trần Nghiêm Anh những năm cuối đời mà không đòi hỏi gì, không cần tài sản, cuộc sống trước nay của anh ta cũng bình thường, thầm lặng, không hề nhận được lợi ích gì.
Cho đến nay, vẫn có nhiều tò mò và thắc mắc về trường hợp luân hồi chuyển kiếp của Đường Giang Sơn. Nhiều người tin đây là thật nhưng cũng có người cho rằng mọi chuyện chỉ là trùng hợp, hoặc lừa dối, hoặc có một bí mật ẩn giấu nào đó.