Cậu bé 10 tuổi Đỗ Tuấn Dũng (bị Ung thư hạch đang được điều trị tai Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng) đã tỏ ra rất hạnh phúc sau một ngày được làm cảnh sát giao thông thật.
Làm cảnh sát giao thông để giúp người dân khi gặp nạn
Sáng 21.11, tại Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, một sự kiện đặc biệt đã khiến rất nhiều người phải rơi nước mắt. Đó là vào đúng ngày sinh nhật, bé Đỗ Tuấn Dũng (10 tuổi, ở phường Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) được Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Đà Nẵng giúp thực hiện ước mơ làm cảnh sát giao thông. Ước mơ của Dũng là một lần được khoác lên mình màu áo cảnh sát giao thông và được làm công việc của người cảnh sát.
Ước mơ được làm cảnh sát giao thông của cậu bé Đỗ Tuấn Dũng đã thành hiện thực.
Gặp chúng tôi khi được bệnh viện cho về chơi cùng anh trai, bé Dũng luôn vui cười khi nói đến việc được làm cảnh sát giao thông, được mặc đồ đẹp. Dũng chia sẻ: “Con thấy rất vui khi được mặc đồ cảnh sát giao thông. Đợi tới khi lớn lên, con sẽ làm cảnh sát giao thông thật…”.
Lời nói của Dũng khiến mẹ bé - chị Nguyễn Thị Thùy Hương rơi nước mắt. Chị chia sẻ, chồng chị mất 2 năm nay. Một mình chị buôn bán ở chợ nuôi hai đứa con. Đứa lớn hiện đang học lớp 12.
Theo chị Hương, trước đây, Dũng không có biểu hiện gì là bị bệnh. Đến mùng 2 Tết vừa rồi, bé bắt đầu sốt, nổi hạch. Khi đến Bệnh viện 600 giường khám, làm xét nghiệm, bác sĩ cho biết Dũng mắc bệnh hiểm nghèo.
“Tôi phải bỏ buôn bán đế chăm con. Không có tiền điều trị bệnh cho Dũng, tôi phải cho thuê căn nhà nhỏ của mình. Còn hai mẹ con lên ở luôn bệnh viện, còn đứa lớn, tôi xin cho vào ở ký túc xá. Tôi còn nhớ như in ngày con nhập viện Bệnh viện Ung thư là ngày 20.3.2015, ngày đó, gia đình tôi, ba mẹ con mỗi người một nơi”, chị Hương tâm sự.
Ước mơ đã thành hiện thực
Những ngày thăm khám cho bé Đỗ Tuấn Dũng, bác sĩ Lê Na, Khoa Chẩn đoán hình ảnh- Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng tình cờ biết được tâm nguyện một lần được làm cảnh sát giao thông của cậu bé này. Bà liền gửi thư lên Giám đôc Công an Đà Nẵng. Và đề nghị của vị bác sĩ đã được chấp thuận.
Cậu bé ung thư làm một cảnh sát giao thông thật sự khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền giao thông.
Bác sĩ Lê Na chia sẻ, ở Mỹ có chương trình thực hiện ước mơ cho trẻ bị ung thư và hiện đã có 50 nước trên thế giới triển khai chương trình này. Do vậy, bà cũng muốn được giúp các bé bị ung thư thực hiện ước mơ của mình.
"Khi biết được ước mơ của Dũng, thương cháu, tôi đã mạnh dạn thay mặt Dũng gửi thư thể hiện tâm nguyện một lần được làm cảnh sát giao thông lên Giám đốc Công an thành phố và đã được chấp nhận”, bác sĩ Lê Na nói.
Được làm cảnh sát giao thông thật, Dũng hào hứng nói: “Con muốn được làm cảnh sát giao thông để giúp mọi người ra đường không bị tai nạn giao thông, giúp mọi người khi gặp nạn, nhắc nhở mọi người không được vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Con rất vui, rất thích khi được làm chú cảnh sát giao thông thật”.
Để biến ước mơ làm cảnh sát giao thông của cậu bé thành hiện thực, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Đà Nẵng) đã tổ chức cho Dũng làm nhiệm vụ như một cảnh sát giao thông thực thụ.
Dũng được trao còi, gậy điều khiển giao thông. Cậu bé còn được ngồi lên xe dẫn đường của cảnh sát giao thông, tuyên truyền cho mọi người về luật giao thông như người điều khiển xe máy, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, không được chở 3, không được vượt đèn đỏ và không đi ngược chiều…
Bé Dũng kiểm tra giấy tờ người vi phạm giao thông.
Cậu bé đã thực hiện nhiệm vụ như một cảnh sát giao thông thật sự. Khi thấy đôi nam nữ chạy xe máy không tuân thủ luật lệ giao thông, Dũng ra hiệu yêu cầu dừng xe và kiểm tra các giấy tờ...
Khi hỏi Dũng có muốn làm cảnh sát giao thông nữa không, cậu bé hồn nhiên nói: “Đợi con lớn đã. Bây giờ con muốn được mau lành bệnh để được về nhà đi học với các bạn, để sau này học làm cảnh sát giao thông”.
"Bây giờ con muốn được mau lành bệnh để được về nhà đi học với các bạn, để sau này học làm cảnh sát giao thông”
“Ước nguyện của con là gia đình con được trở lại như xưa. Mẹ đi bán hàng ngoài chợ, con và anh hai ở nhà đi học”, Dũng chia sẻ khi chia tay chúng tôi.
Trong khi đó, mẹ Dũng cố nén dòng nước mắt để cười với con. Chị chia sẻ: “Cháu không biết mình bị bệnh nặng. Khi con thỏa ước mơ được làm cảnh sát giao thông, người mẹ như tôi thấy rất mừng, rất vui. Mong con cứ luôn vui cười để con không thấy đau khi điều trị bệnh…”.
“Để điều trị bệnh, Dũng phải trải qua 9 đợt xạ trị, truyền hóa chất. Hiện con đã qua 5 đợt điều trị. Mặc dù đau nhưng con vẫn luôn nói cười. Còn 4 đợt điều trị nữa, không biết con có chịu nổi không. Tôi luôn mong có một phép màu…”, mẹ Dũng rơi nước mắt nói.