Vốn là cây mọc hoang dại ở bìa rừng, ven sông, giờ đây cây si "lên chậu" thành bonsai, mở ra cơ hội kiếm tiền cho những người biết khai thác tiềm năng của nó.
Cây si (tên khoa học là Ficus microcarpa) thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), là một trong những loài cây thân gỗ có khả năng sinh trưởng mạnh mẽ và thích ứng với nhiều điều kiện khí hậu. Đặc biệt, cây có khả năng phát triển mạnh ở Việt Nam với khí hậu nhiệt đới ẩm, lượng mưa dồi dào.
Trong tự nhiên, si phát triển nhanh, dễ bám rễ và sống bền bỉ trên các nền đất khác nhau. Chính vì vậy, từ lâu loại cây này đã có sức sống mạnh mẽ, thường mọc dại ở bìa rừng, được trồng làm hàng rào hay lấy bóng mát, hoặc trồng nhiều ở các đền, chùa vì ý nghĩa phong thủy của nó.
Những cây si có dáng bonsai độc lạ, được nhiều người tìm mua để trưng cho nhà hay trong không gian vườn, mang nhiều ý nghĩa về phong thủy
Trong phong thủy, trồng cây si trong nhà hoặc khuôn viên sẽ mang lại sức khỏe dồi dào, cuộc sống lâu dài và bền vững cho gia chủ. Cây si với bộ rễ khỏe mạnh, lá xanh mướt giúp thu hút và lưu giữ dương khí, loại bỏ những năng lượng tiêu cực. Đặc biệt, bộ rễ cây si thường rất phức tạp và độc đáo, tượng trưng cho sự vững chắc và kiên định, giúp gia chủ luôn bình an, mạnh mẽ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Không những thế, trong quan niệm chơi cây cảnh cổ xưa, cây si còn nằm trong bộ Tứ linh gồm 4 loại là đa, sung, sanh, si, ứng với tứ hình trong động vật là long, lân, quy, phụng. Đây là những cây gỗ lưu niên cùng họ, chịu được nắng mưa mà vẫn 4 mùa xanh tốt.
Một thời gian trước, cây si nổi lên trong giới bonsai khi trở thành cảm hứng để nhiều nghệ nhân tạo ra các tác phẩm bonsai độc đáo, hấp dẫn. Không chỉ dễ trồng, cây si còn mang đến tiềm năng sáng tạo nghệ thuật vô tận. Bộ rễ cây si có thể tạo ra những tác phẩm bonsai độc đáo, có hình dạng phong phú, từ những dáng thác đổ, dáng trực cho đến dáng xiêu. Những tác phẩm bonsai si đẹp mắt, ấn tượng thường được săn đón với giá trị rất cao, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ đối với những cây có tuổi đời và kích thước lớn.
Nghệ nhân Thọ (Hà Nội), một người nổi tiếng trong giới chơi bonsai Việt Nam, sở hữu nhiều tác phẩm bonsai giá trị. Trong số đó, cây si bonsai cổ thụ với dáng trực lắc được định giá lên tới hàng tỷ đồng.
Cây si của ông Thọ được định giá hàng tỷ đồng
Theo tiết lộ, đây là siêu phẩm mà ông mua được từ một triển lãm cây ở Hải Dương năm 2016. Ban đầu, cây được tạo theo hình Thạch Sanh ôm đá, xung quanh là hệ thống rễ quấn từng tầng. Theo ông Thọ, cây si giờ không hiếm nhưng cây đẹp thì không có nhiều. Thế nên, cây nào đắt vẫn đắt, có tiền cũng chưa chắc đã mua được cây si vừa mắt.
Dáng thế độc lạ, ông chủ tự hào có tiền cũng “không bán” của cây si Thạch Sanh
Hay gốc si hóa thạch mini của anh Sang (Hải Dương) có tên Quần long bàn thạch. Anh Sang cho biết khó có thể xác định bao nhiêu năm tuổi nhưng với gốc u cục như vậy cây cũng phải đến 100 năm. Theo giới chơi cây đánh giá, đây là một kiệt tác trong trong dòng cây cảnh bonsai nghệ thuật tầm nhỏ cây được làm tỉ mỉ công phu.
Cây si của anh Sang có giá 400 triệu đồng
Với kỹ thuật trồng cây bonsai tinh tế và sự kiên nhẫn trong chăm sóc, người trồng hoàn toàn có thể biến cây si mọc dại thành sản phẩm có giá trị, kiếm thêm thu nhập.
Trên chợ mạng và các hội nhóm cây cảnh bonsai, cây si bonsai được rao bán với nhiều dáng thế và kích thước khác nhau. Những cây bé để ở phòng làm việc hoặc ban công có giá từ vài trăm nghìn đồng, trong khi đó những cây có kích thước lớn hơn giá có thể lên tới cả triệu đồng vẫn được nhiều người "săn đón".
Anh Giang (người có kinh nghiệm 10 năm trồng si bonsai) chia sẻ: "Tôi bén duyên với nghề trồng bonsai sau khi đến chơi nhà một người bạn và ấn tượng với gốc si có dáng thế vô cùng đẹp. Từ đó tôi đi lùng khắp các tỉnh miền Trung để tìm phôi, về chăm sóc, tạo tác để ngắm cho đẹp mắt, sau đó mở rộng quy mô để bán ra thị trường. Mỗi năm tôi bán ra tầm 100 gốc bonsai si, từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng".