Hiện giá bán cây dành dành thấp nhất khoảng 30.000 đồng/cây, có những cây đẹp giá bán lên đến hàng trăm nghìn đồng. Với những cây dành dành lớn, đã có hoa có thể lên tới vài triệu đồng/cây.
Cây dành dành hay cây chi tử, được biết đến là một cây thuốc Nam quý và có mặt trong nhiều phương thuốc Đông Y cổ truyền dùng để trị bệnh phong hàn, chảy máu cam... Quả dành dành có mùi thơm, vị đắng thường được dùng để nấu xôi, kho cá… ở một số địa phương. Nhưng nhìn chung, cây dành dành vẫn còn khá “lạ lẫm" với nhiều người.
Quả dành dành vỏ màu xanh, thân màu cam thường được dùng để nấu xôi, kho cá…
Đa phần cây dành dành mọc ở khu vực các rạch sông, suối, khe nước và đều là mọc hoang nên ít người để ý. Cây dành dành “cây nào cây nấy" đều là cây cổ thụ thân to, cao đến 2-3m, vốn vô hại nên được người dân ở các khu vực lân cận mặc kệ, để loại cây này tự sinh tự diệt. Thế nhưng với anh Trường Và Mành (Quảng Ninh) thì loại cây này có một cơ hội kinh doanh vô cùng tiềm năng.
Bắt đầu từ năm 2019, anh Mành thường xuyên dùng chiếc xe máy cũ kỹ để rong ruổi khắp các con đường đèo, đồi núi của tỉnh Quảng Ninh để tìm kiếm những cây dành dành mọc dại ở bờ suối. Dù tìm được nhiều nhưng cây dành dành rất thích nước, con đường anh đi đến suối để lấy cây phải đến hơn 100km đường bộ với nhiều nguy hiểm. Chưa kể, do cây bám chắc vào khe đá nên anh rất khó để lấy được và nó chủ yếu mọc ở bờ suối nên việc khai thác trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Không ít lần, anh trượt ngã trong quá trình khai thác.
Dù vậy, đều đặn mỗi ngày anh Mành đều thu hoạch những cành dành dành mới nhú lên ở bên cạnh cây cổ thụ (cây mẹ). Khác so với nhiều người thu hoạch quả dành dành để làm thực phẩm, hay lấy lá, rễ cành và hoa để làm thuốc… thì anh Mành chỉ thu hoạch cây dành dành con để… chơi bonsai.
Hoa dành dành đẹp “e thẹn”.
“Quả của chúng có thể dùng để chế biến các món ăn, quả này có thời điểm Trung Quốc thu mua với giá cao. Hoa cũng được thu mua tới vài trăm ngàn để ép lấy tinh dầu và làm nước hoa. Toàn bộ cây dành dành bao gồm lá, thân cây, rễ cây và hoa của cây dành dành đều sử dụng được để làm thuốc”, anh chia sẻ.
“Thế nhưng tôi thấy được không chỉ để làm thuốc, cây dành dành còn được giới chơi bonsai yêu thích vì cây có lá xanh mướt quanh năm, phù hợp với nhiều loại thời tiết, khí hậu. Cây ra hoa rất thơm, quả cũng rất đẹp nên người chơi cây cảnh rất ưa thích”, anh Mành cho biết thêm. Cây dành dành cũng rất ý nghĩa tượng trưng cho sự tinh khiết, sự thẹn thùng, e ấp cho một tình yêu thầm kín, ngại ngùng chưa dám tỏ bày.
Theo anh Mành, mỗi lần anh đi khai thác sẽ được khoảng 30-40 cây. Nhưng số cây anh bán ra cho khách hàng chỉ khoảng 10 cây đạt tiêu chuẩn. “Cây đẹp là những cây được đánh giá lá xanh tốt, có cả hoa và trái, cành lá xum xuê và dáng thế của cây đẹp tiêu chuẩn của bonsai”, anh cho hay. Số còn lại anh giữ để trồng trong vườn nhà để làm thuốc và lấy quả để làm nguyên liệu chế biến các món ăn.
Một số dáng cây dành dành bonsai đẹp mắt.
Sau khi lấy cây non về, anh Mành trồng “giá thể" vào chậu lớn, có thể bán luôn hoặc chăm cho đến khi cây lớn mới “xuất hàng". Hiện giá bán cây dành dành thấp nhất khoảng 30.000 đồng/cây, có những cây đẹp giá bán lên đến hàng trăm nghìn đồng. Với những cây dành dành lớn, đã có hoa có thể lên tới vài triệu đồng/cây. 3 năm qua, anh Mành xuất hơn 10.000 cây dành dành, trừ đi các chi phí phụ đa số phần lợi nhuận anh đều “bỏ túi", giống cây mọc dại này mang lại nguồn thu nhập rất ổn định cho gia đình anh.
Những cây dành dành bonsai dáng thế đẹp giá lên tới vài triệu đồng vẫn được ưa chuộng trên thị trường cây cảnh
“Những chậu dành dành khoe sắc trắng muốt trước hiên nhà khiến cho lòng ai cũng xao xuyến. Nhiều người muốn chọn một chậu hoa này để tô điểm cho không gian sống trong căn nhà, sân vườn vừa giúp chống lại ô nhiễm môi trường lại có tác dụng làm sạch bầu không khí”, anh Mành chia sẻ.
Cách chăm sóc giống hoa này cũng khá đơn giản, hoa dành dành ưa ẩm ướt vì thế trong thời kỳ sinh trưởng cần tưới đẫm nước cho cây. Vào buổi sáng và buổi tối thì dùng bình phun để tạo độ ẩm không khí cho cây. Cây có sức sinh trưởng rất mạnh mẽ nên ít phải chăm bẵm, tỉa tót... Khi trồng trong chậu thì đất không đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây, chính vì thế mà cần tưới một ít phân bón.