Vào các nhà hàng hạng sang, nhiều đĩa to nhưng chỉ có lượng thức ăn bé tẹo, ai cũng trố mắt nhưng thực sự nhà hàng có mục đích đằng sau.
Nguyên liệu đắt đỏ
Với những nhà hàng cao cấp, các món ăn được phục vụ với tiêu chuẩn cao nhất và tất nhiên giá cũng không hề rẻ. Các nguyên liệu được tìm mua ở các vùng đất nổi tiếng, thêm vào đó chúng là các nguyên liệu đắt tiền như nấm truffle, cá tầm, saffron nghệ tây hay thịt bò Kobe... Nếu phục vụ với số lượng lớn thì làm cho giá món ăn đó "đội lên" đáng kể.
Ngoài ra, các thực phẩm này có hàm lượng dinh dưỡng cao, nếu ăn lượng nhỏ cũng đã đủ chất, vì vậy để đảm bảo dinh dưỡng cao cấp, đẹp mắt mà giá phải chăng thì những nguyên liệu này được phục vụ với lượng nhỏ.
"Nhỏ là lịch sự"
Cùng với thời gian, xu hướng tối giản cũng đi vào giới ẩm thực, các nhà hàng cao cấp xem "nhỏ là lịch sự". Người ta tin rằng khách đến khách sạn, nhà hàng cao cấp chỉ là để nếm món ăn hơn là ăn cho no bụng. Thực tế là trước đây con người ta thích ăn no, ăn nhiều, nhưng hiện nay cuộc sống đủ đầy thì nhu cầu thay đổi thành ăn ngon và thưởng thức, cảm nhận món ăn, chứ không phải thiếu thốn đến mức phải ăn no căng bụng.
Phong cách hiện đại là ăn nhấm nháp và vừa ăn vừa thưởng thức đồ uống, trò chuyện một cách thư thả.
Để khách không bị ngán
Các nhà hàng thông thường chỉ phục vụ 3-4 món nhưng với những nhà hàng cao cấp, thực đơn được chia ra thành nhiều mức như món khai vị, món chính, tráng miệng. Số lượng món ăn mỗi bữa lên đến 6-7 món. Cho nên, để ăn được hết số lượng lớn như vậy, đầu bếp sẽ chuẩn bị từng đĩa với số lượng ít nhằm giúp khách có thể thưởng thức hết được các món ăn trong một bữa. Nếu như ăn món đầu tiên có số lượng lớn thì bụng khách đã quá no và coi như bỏ qua các món đưa ra sau.
Nghệ thuật ẩm thực đòi hỏi cách trình bày nhỏ, gọn trên đĩa
Với nhu cầu thưởng thức món ăn thì chất lượng món ăn, độ ngon của nguyên liệu là chưa đủ mà nghệ thuật trưng bày, trang trí món ăn cũng là yếu tố rất quan trọng.
Trên mỗi đĩa thức ăn, các nguyên liệu được bài trí ấn tượng, tạo được sự cuốn hút với người ăn. Mỗi món ăn còn được coi là một tác phẩm nghệ thuật. Cho nên, nếu như số lượng đồ ăn trên đĩa ít thì sẽ tạo được tính nghệ thuật của món ăn, hấp dẫn hơn là số lượng đồ ăn nhiều trên đĩa.
Với người có tiền, họ chẳng cần ăn cho nhiều, ăn thật no mà nghiêng về sự thưởng thức. Họ sẵn sàng chi tiền cho các bữa ăn đắt đỏ là không chỉ để ăn mà còn là tìm hiểu, cảm nhận thế giới ẩm thực, để vị giác cảm nhận được hương vị của những món ăn đắt đỏ làm từ nguyên liệu không hề rẻ.
Tạo sự khác biệt, khó quên sau khi ăn
Rõ ràng việc phục vụ đồ ăn với lượng nhỏ trên đĩa lớn là điểm khác biệt giữa nhà hàng cao cấp với những nhà hàng bình dân. Cho nên, hình thức phục vụ này giúp khách cảm nhận được sự khác biệt đó, không bị trùng lặp về hình thức với những quán ăn nhỏ bên đường hay nhà hàng bình dân. Và tất nhiên khi khách được trải nghiệm một điều thú vị như vậy họ sẽ khó có thể quên được.
Ăn quá nhiều sẽ nhanh chán
Việc phục vụ số lượng thức ăn ít trên đĩa cũng liên quan đến một nghiên cứu. Có nghiên cứu cho hay, lượng đồ ăn nhỏ sẽ kích thích khách dùng bữa và cảm nhận được từng nguyên liệu, hương vị, từ đó khiến cho món ăn ở lâu trong tâm trí của khách hàng hơn. Nếu như ăn nhiều, kiểu "nhồi nhét", cố gắng ăn nhanh và ăn cho hết đồ ăn trên đĩa sẽ làm cho khách no bụng chứ mất đi thời gian cảm nhận hết hương vị của các thành phần trong món ăn.
Ăn quá nhiều đồ ăn trong một bữa sẽ khiến bản thân nhanh chán bởi vì khi ăn một loại đồ ăn nhiều lần, vị giác sẽ quen và mất đi cảm giác thèm, háo hức ban đầu. Dù món ăn có ngon đến mấy thì sau 10-15 lần cắn đồ ăn cũng chẳng có cảm giác gì mới mẻ. Cho nên, lượng đồ ăn ít, nhỏ trên đĩa của nhiều món ăn cũng chỉ bằng ăn một món quá nhiều từ đó không bị ngán. Khi khách không ngán sẽ ăn hết các món ăn được chuẩn bị. Nếu như ăn quá nhiều, khách sẽ nhanh no và bỏ thừa đồ ăn, điều này sẽ khiến các đầu bếp hay nhân viên cảm thấy không vui và còn gây lãng phí.